Trung Quốc có thể làm gì để trả đũa Mỹ vụ làm khó Huawei?

Thu Thảo
Thu Thảo
10/12/2018 19:30 GMT+7

Bài viết là nhận định của cây bút công nghệ Tim Culpan thuộc chuyên mục Bloomberg Opinion. Ông Culpan bàn về "vũ khí" Bắc Kinh có thể dùng khi Mỹ quyết "siết" Huawei, hãng viễn thông số một thế giới của Trung Quốc.

Hãy tưởng tượng bạn là kỹ sư sản phẩm cho một thương hiệu thiết bị của Mỹ có trụ sở ở Trung Quốc. Bạn phải nộp giấy tờ để gia hạn thị thực thường niên. Nếu không có visa, bạn không thể đi lại.
Với nhiều lo ngại gia tăng quanh chuyện bảo mật và mạnh tay với VPN (hay mạng riêng ảo, cho phép người dùng vượt qua kiểm duyệt internet của Trung Quốc), công ty của bạn đồng ý rằng tất cả thảo luận về sản phẩm nhạy cảm sẽ được thực hiện tại trụ sở chính. Song chuyện làm mới visa năm nay mất nhiều thời gian, và bạn mắc kẹt tại Thượng Hải. Thế là chu kỳ sản phẩm của công ty bạn kéo dài ra.
Ở Thâm Quyến, nơi các thiết bị của công ty bạn được lắp ráp, nhà máy vừa bị kiểm tra lần thứ ba trong tháng. Thanh tra cố tìm vi phạm về sức khỏe và an toàn lao động. Bạn chăm chỉ làm việc để giữ mọi thứ ở mức tốt, dù quy định cứ liên tục thay đổi.
Chỉ cần một vi phạm nhỏ, cơ quan chức năng có thể đóng cửa cơ sở của bạn trong lúc chờ khắc phục. Người quản lý cơ sở thậm chí còn không thể tìm ra điểm vi phạm đó, và tình hình cơ sở không tệ hơn so với hai đợt kiểm tra trước đó. Song cơ sở vẫn có vấn đề, và sản xuất vẫn bị dừng lại.
Nỗ lực tập trung kiểm soát vốn đã và đang đóng băng kiều hối. Lợi nhuận trong nước không thể được chuyển ra nước ngoài. Thế là bạn còn gặp khó trong việc gửi tiền cho các nhà cung ứng ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Họ sẽ không chuyển hàng về nhà máy ở Đại lục nếu bạn không chi trả.
Trung Quốc - nhà máy của thế giới - ngày càng giao nhiều sản phẩm đến Mỹ. Nhiều sản phẩm thương hiệu Mỹ không thể được sản xuất ở chính quê nhà Ảnh: Bloomberg
Bạn có thể cố gắng vay từ ngân hàng Nhật Bản để trang trải, nhưng việc này cần thời gian trong khi mùa mua sắm lễ hội đang cận kề. Bạn có thể bị buộc phải dùng nguồn địa phương, song không thứ gì “made in China” phù hợp với thông số kỹ thuật mặt hàng của bạn. Để tìm nhà cung ứng địa phương đạt chuẩn, bạn cần đầu tư thời gian, nguồn vốn đáng kể và có thể thay mặt họ mua thiết bị.
Đừng nghĩ rằng tình huống giả định trên là hư cấu.
Lo ngại về tương lai trước mắt của Huawei Technologies sau khi Giám đốc tài chính (CFO) Mạnh Vãn Chu của hãng bị bắt ngày càng lên cao. ZTE Corp., công ty Trung Quốc khác nhận linh kiện, thành phần từ phía Mỹ đã bị đe dọa, khiến dàn giám đốc lo âu. Điều xảy ra với ZTE có thể xảy ra với Huawei nếu Mỹ leo thang việc bắt giữ bà Mạnh thành chuyện nghiêm trọng hơn, như một số thành viên Quốc hội Mỹ muốn.
Giới doanh nghiệp Mỹ có nhiều thứ để mất trong trường hợp hành động từ chính quyền nước này gây bất bình tại Trung Quốc. Apple là cái tên rõ ràng nhất sẽ chịu ảnh hưởng. Hàng của “táo khuyết” được lắp ráp tại đây. Không chỉ Apple mà Cisco Systems, Dell và Ford Motor cũng lắp ráp ở Trung Quốc. Ngay cả máy chủ do Facebook, Alphabet và Amazon sử dụng cũng có thể truy nguồn từ chuỗi cung ứng sâu của Đại lục.
Tổng thống Mỹ Donald Trump biến thuế quan áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thành ván bài quan trọng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Đây là điểm lớn trong thảo luận thương mại giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngay đêm mà bà Mạnh bị bắt giữ ở Vancouver (Canada).
Apple chi 160 tỉ USD thu mua hàng hóa, dịch vụ năm ngoái để phục vụ mảng kinh doanh thiết bị, Phần lớn dịch vụ, hàng hóa này đến từ Trung Quốc Ảnh: Bloomberg
Bất chấp giọng điệu và nhiều tuyên bố gắt gao được hai bên đưa ra, đến nay, những cái đầu lạnh vẫn chiếm ưu thế. Người Mỹ vẫn có iPhone để dùng còn người Trung Quốc vẫn mua được chip của Qualcomm. Các thành phần đến từ nước ngoài đang ngày càng bị thay thế bởi thành phần “made in China”, song Mỹ thì không thể làm điều tương tự, không thể thay thế lao động, nhà máy và chuỗi cung ứng Trung Quốc.
Nhà máy 10 tỉ USD của hãng Foxconn Technology Group ở Wisconsin (Mỹ) không thể thay được dù chỉ 10% năng suất nhà máy cũng của Foxconn nhưng ở Trung Quốc, trong trường hợp giả định cơ sở ở Mỹ đạt đến quy mô được đề xuất. Tiến độ chậm sau hơn một thập niên phát triển tự động hóa cho thấy robot chưa đủ sức tạo nên sự khác biệt. Nhiều doanh nghiệp có thể tìm nhiều nơi khác để tiến về, trong số này có Việt Nam, Đài Loan và Mexico. Song di dời cũng tốn thời gian và trớ trêu thay, rất cần nguồn tài trợ Mỹ để tăng tốc.
Khi giới chính trị gia Mỹ tranh luận về việc phong tỏa một số sản phẩm đến Trung Quốc, họ cũng nên nghĩ về cảnh ngược lại. Tương tự, Trung Quốc cũng chẳng thể tấn công ngược vào lợi ích của Mỹ mà không làm tổn thương chính nền kinh tế nước nhà. Tại thời điểm tăng trưởng chậm lại và nhiều yếu tố khó khăn đang lên cao trên thế giới, quốc gia Đông Á khó lòng trụ được khi chịu tác động.
Song nếu Mỹ tiếp tục làm khó Huawei, “nhà vô địch” quốc gia kiêm thành viên chủ chốt trong tham vọng công nghệ chiến lược Trung Quốc, đừng loại trừ khả năng Bắc Kinh ít nhất là sẽ nhắc nhở Mỹ về các loại “đạn dược” mà họ giữ kín trong tủ. Mỹ có thể thành công trong việc “còng tay” một công dân Trung Quốc, song Trung Quốc có ngành công nghiệp Mỹ đứng sẵn vào xâu chuỗi cung ứng của nước này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.