Nữ nghiên cứu sinh phát hiện 17 hành tinh mới

04/03/2020 07:55 GMT+7

Trong đó, bao gồm một hành tinh có kích cỡ như trái đất có thể ở được.

Michelle Kunimoto, nữ nghiên cứu sinh ngành thiên văn học của Đại học British Columbia (Canada), đã phát hiện 17 hành tinh mới, bao gồm một hành tinh có kích cỡ như trái đất có thể ở được, bằng cách quan sát dữ liệu được thu thập từ vệ tinh Kepler của NASA. Trong sứ mệnh 4 năm, vệ tinh Kepler săn lùng các hành tinh giống trái đất, tức có thể có nước lỏng tồn tại trên bề mặt.
Trong phát hiện được công bố trên chuyên san The Astronomical Journal, Kunimoto phát hiện một hành tinh được gọi là KIC-7340288 b, có thể có nước. “Hành tinh này cách chúng ta khoảng 1.000 năm ánh sáng, vì vậy chúng ta chắc hẳn chưa thể đến đó sớm. Nhưng đây là một phát hiện thực sự thú vị vì chỉ có 15 hành tinh nhỏ, được xác nhận trong vùng có thể ở được tìm thấy trong dữ liệu của Kepler cho đến nay”, Kunimoto nói thêm.
Hành tinh KIC-7340288 b có một năm dài 142,5 ngày, quay quanh ngôi sao chủ ở khoảng cách 0,444 đơn vị thiên văn (đơn vị đo khoảng cách giữa trái đất và mặt trời), đồng thời có quỹ đạo lớn hơn của sao Thủy một chút. Theo Kunimoto, lượng ánh sáng mà KIC-7340288 b nhận được từ sao chủ bằng khoảng 1/3 so với ánh sáng từ mặt trời chiếu đến trái đất, được cho là vừa đủ giúp hành tinh này có nhiệt độ và điều kiện phù hợp để nước lỏng tồn tại trên bề mặt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.