Vì sao ngày càng nhiều hãng phần mềm giá trị hơn 10 tỉ USD?

Thu Thảo
Thu Thảo
26/09/2019 08:43 GMT+7

2019 không phải là năm có nhiều hãng công nghệ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) nhất, nhưng là một năm có nhiều IPO công nghệ lớn.

Sau ngày giao dịch cổ phiếu lần đầu hồi tuần trước, hãng cung cấp công cụ phân tích và giám sát Datadog trở thành công ty phần mềm đám mây thứ tư lên sàn trong năm nay và đạt mức vốn hóa ít nhất 10 tỉ USD. Ba cái tên còn lại là hãng hội nghị video Zoom, ứng dụng trò chuyện Slack và nhà cung ứng an ninh mạng Crowdstrike.
Thành công của Datadog nâng số doanh nghiệp phần mềm đám mây có giá hơn 10 tỉ USD lên 16. Dù 14 trong số các hãng này đã IPO từ đầu năm 2012, đây là năm đầu tiên thế giới đón hơn hai doanh nghiệp phần mềm leo lên ngưỡng 10 tỉ USD giá trị thị trường. Theo CNBC, đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy các nhà đầu tư thích và sẵn sàng trả tiền cho các hãng công nghệ tăng trưởng cao, miễn là hoạt động kinh doanh và tình hình lợi nhuận, tài chính của họ chấp nhận được.

Các hãng phần mềm đám mây có giá 10 tỉ USD trở lên từ trước năm 2012 đến nay

Ảnh: CNBC

Jason Lemkin, nhà đầu tư tại SaaStr, cho rằng thị trường đám mây ngày càng có nhiều danh mục và nhìn chung là mở rộng. Theo Gartner, thị trường các dịch vụ đám mây công cộng toàn cầu sẽ tăng 17,5% trong năm nay lên mức 214,3 tỉ USD. Số tiền này trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ ứng dụng năng suất, công cụ dành cho nhà phát triển cho đến bảo mật, an ninh và cơ sở hạ tầng phụ trợ.
"Có 100 danh mục đám mây có thể kiếm được 1 tỉ USD doanh thu thường niên. Tất cả IPO đang đi đúng hướng để đạt con số này. Ít nhất là tất cả những IPO tốt", ông Lemkin nhận định.
Các hãng phần mềm IPO trong năm 2019 đặc biệt hấp dẫn với giới đầu tư vì các hãng lớn nhất ghi nhận tỷ lệ duy trì khách hàng cực kỳ cao. Điều này đồng nghĩa với việc họ sử dụng ngân sách cho hoạt động bán hàng và tiếp thị một cách hiệu quả. Không chỉ giữ được chân khách hàng mà các hãng còn tăng quy mô hợp đồng. 

CEO Zoom Video Communications, ông Eriz Yuan

Ảnh: Reuters

Datadog ghi nhận tỷ lệ duy trì của khách hàng trong quý gần nhất là 151%, hay nói cách khác là một khách hàng chi 100 USD năm ngoái hiện chịu chi 151 USD để sử dụng dịch vụ của hãng. Crowdstrike báo cáo tỷ lệ này là 147%, trong khi Slack đạt 143% và Zoom đạt 140%. Theo chuyên gia Tomasz Tunguz của hãng Redpoint Ventures, bất cứ doanh nghiệp nào có tỷ lệ 140% trở lên đều nằm trong nhóm dịch vụ đăng ký hàng đầu.
Doanh thu Datadog tăng 82% lên 83 triệu USD trong quý kết thúc vào tháng 6, đưa hãng lên cùng với nhiều công ty công nghệ khác IPO trong năm nay. Đơn cử, Zoom có mức tăng doanh thu 96%, Crowdstrike 94% và Slack thì hơi thấp một chút với mức 58%. Song dù với giá trị thị trường chục tỉ USD, Zoom, Crowdstrike và Datadog đến nay đều chưa phải là các hãng phần mềm đắt đỏ nhất trên thị trường nếu xét theo cơ sở giá cổ phiếu trên doanh số.
Dù sớm hay muộn, các nhà đầu tư cũng sẽ muốn chốt lời, có thể tạo ra "dòng lũ" cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và giá cảnh giá cổ phiếu giảm nhanh. Thời hạn khóa hậu IPO của Zoom kết thúc vào tháng tới, cho phép nhiều người đầu tư sớm có cơ hội bán ra giữa lúc giá cổ phiếu tăng hơn 100% kể từ ngày hãng lên sàn vào tháng 4. Thời hạn khóa hậu IPO của Crowdstrike thì kết thúc vào tháng 12.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.