Theo nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung, nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào các nhãn hàng và nhà tài trợ. Đây là ý kiến của ông trong Hội thảo quốc gia “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, diễn ra tại Bắc Ninh sáng nay 17.12, do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VH-TT-DL và tỉnh Bắc Ninh tổ chức.
Festival âm nhạc Gió mùa là một thương hiệu văn hóa của Hà Nội |
BTC Gió mùa cung cấp |
Theo nhà sản xuất - nhạc sĩ Quốc Trung, gặp khó khăn trong việc kinh doanh từ bán vé hay doanh thu từ người hâm mộ và khán giả, các nghệ sĩ và nhà sản xuất đã tìm đến các nhãn hàng, các nhà tài trợ. Điều này đã xảy ra trong suốt 30 năm qua.
“Cũng từ đó, nền công nghiệp âm nhạc của chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào các nhãn hàng và nhà tài trợ. Hầu như tất cả những dự án âm nhạc có chất lượng đều phải có nhà tài trợ”, nhạc sĩ Quốc Trung nói.
Ông Trung cho biết, ở những nước có nền công nghiệp âm nhạc phát triển, nhà nước đều bảo trợ cho âm nhạc đỉnh cao như nhạc cổ điển hay dân gian. Nhờ tài trợ, dàn nhạc giao hưởng quốc gia diễn đều đều và có số lượng khán giả gần như kín khán phòng. Tuy nhiên, tỷ lệ phổ cập còn chưa cao và đời sống của các nhạc công vẫn còn rất nhiều khó khăn khiến họ phải làm thêm nhiều việc và không thể tập trung hoàn toàn cho công việc của dàn nhạc.
“Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam (VNSO) vẫn đang loay hoay với các chế độ lương và bồi dưỡng có tuổi đời vài chục năm và có tốc độ chậm hơn lạm phát hàng chục lần”, ông Trung nói.
Nhạc sĩ này chỉ ra: một trong những rào cản cho sự phát triển hay nâng cao chất lượng nghệ thuật chính là chế độ công chức và tiền lương, điều mà dứt khoát cần phải có sự thay đổi. “Mọi dàn nhạc giao hưởng trên thế giới dù được bao cấp một hay toàn phần đều phải có quy trình sàng lọc nhân sự hàng năm mà thường gọi là audition. Mọi nhạc công đều phải luyện tập thường xuyên và có chuyên môn tốt nhất, từ đó tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh. Việc này liệu có thực hiện được ở Việt Nam, khi mà nhạc công tốt vẫn thiếu và các vấn đề khác như quan hệ, nể nang và cả những tiêu cực đã trở thành thói quen”, ông Trung phân tích.
Tuồng, chèo, cải lương cần đầu tư của Nhà nước |
trinh nguyễn |
Một hiện trạng âm nhạc cũng đau lòng là kho tàng âm nhạc dân gian phong phú hiện đang trở thành những món “fast-food” phục vụ du khách theo những cách nghiệp dư hay dịch vụ một cách suồng sã.
“Các nghệ sĩ dù làm đủ các công việc từ hát lên đồng, đám cưới, đám hỏi, hội chợ nhưng vẫn có đời sống khá khó khăn nhất là những nghệ sĩ sân khấu đặc thù như tuồng, chèo... Cho dù đời sống của các nghệ sĩ dân tộc, nhất là tại các thành phố lớn đã có những cải thiện vượt bậc, nhưng họ vẫn không làm được những vở diễn có tính sáng tạo cao hay thực sự độc đáo… Do vậy, việc tồn tại của các nhà hát dân gian như hiện nay cũng khó mà gìn giữ được những kho tàng quý báu chứ chưa nói đến việc phát triển”, ông Trung cho biết.
Cũng theo nhạc sĩ Quốc Trung, những hội diễn chuyên nghiệp được Bộ VH-TT-DL tổ chức vài năm một lần cũng khó có vở diễn thuyết phục được công chúng, hay thu hút đồng nghiệp. “Mục tiêu cho những vở diễn tham gia hội diễn đó là gì? Nó có đến được với công chúng không? Nó có thật sự là những dự án nghệ thuật mang tính tiên phong, có tính định hướng, dẫn lối hay tạo cảm hứng cho nền âm nhạc”, ông Trung nêu câu hỏi.
Nhạc cổ điển sẽ khó sống nếu không có đầu tư |
tl |
Liên hệ với kinh nghiệm thế giới, ông Trung cho biết nền công nghiệp âm nhạc của Hàn Quốc không chỉ có những ngôi sao pop - rock mà còn có nhạc indie hay điện tử cũng rất phát triển. Âm nhạc dân gian, jazz hay cổ điển của họ cũng có nhiều ngôi sao tầm cỡ thế giới và được hỗ trợ từ nhà nước rất nhiều. Tại Anh, dàn nhạc giao hưởng London LSO, festival âm nhạc như Celtic Connection hay The Great Escape cũng được tài trợ thường xuyên.
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, đầu tư này có tác động rộng lớn tới mọi phong cách hay chuyên ngành âm nhạc khác nhau trên toàn bộ đất nước của họ; góp phần tạo nên một nền công nghiệp âm nhạc phát triển thuộc hàng đầu trên thế giới.
“Có đến hàng trăm không gian âm nhạc lớn nhỏ được hỗ trợ kinh phí của chính phủ để có thể dành sự hỗ trợ cho các thể nghiệm mới, các nghệ sĩ trẻ, gương mặt mới… với mục đích là nâng cao năng lực sáng tạo cho nghệ sĩ của nước nhà”, ông Trung nói.
Bình luận (0)