Công nghiệp dăm gỗ tăng trưởng nóng

25/04/2013 03:05 GMT+7

Tại hội thảo về ngành công nghiệp dăm gỗ VN do Hiệp hội Gỗ và lâm sản (HHG-LS) Bình Định phối hợp với HHG-LS VN tổ chức ở TP.Quy Nhơn ngày 23.4, ông Trần Lê Huy, Tổng thư ký Hiệp hội HHG-LS Bình Định cho biết:

Nếu năm 2009, cả nước có 47 nhà máy dăm gỗ với lượng dăm xuất khẩu khoảng 2,3 triệu tấn thì đến năm 2012, cả nước đã có gần 100 công ty dăm gỗ (trên 112 nhà máy, tổng công suất thiết kế khoảng 8 triệu tấn dăm), xuất khẩu khoảng 6,2 triệu tấn dăm khô, kim ngạch đạt 650 triệu USD. Kết quả này đưa VN trở thành nước cung cấp dăm gỗ lớn nhất thế giới. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan là 4 thị trường nhập khẩu toàn bộ lượng dăm xuất khẩu của VN. Nguyên nhân ngành công nghiệp dăm gỗ phát triển bùng nổ do các doanh nghiệp (DN) thu lợi nhuận nhanh trong khi vốn đầu tư nhà máy không lớn, nguyên liệu đầu vào đảm bảo, được hưởng nhiều chính sách ưu tiên của nhà nước...

Công nghiệp dăm gỗ tăng trưởng nóng
Xếp hàng dăm gỗ lên tàu tại cảng Quy Nhơn - Ảnh: Hoàng Trọng

Tuy nhiên nhiều DN đã lo ngại việc phát triển quá nhanh của ngành dăm gỗ làm tăng tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu của ngành sản xuất đồ gỗ nội thất và các nhà máy giấy. Hiện VN có khoảng 3 triệu ha rừng trồng, hằng năm khai thác được 150.000 - 200.000 ha (tương đương 17 triệu m3 gỗ tròn). Tuy nhiên trong đó  chỉ có khoảng 15-20% là cây có đường kính trên 12 cm có thể sử dụng để đưa vào sản xuất đồ gỗ nội thất, còn lại là để làm dăm gỗ. Nhiều DN sản xuất gỗ nội thất, giấy đã kiến nghị hạn chế xuất khẩu dăm gỗ thông qua hạn ngạch và áp thuế xuất khẩu dăm ở mức 5-10%.

Theo TS Tô Xuân Phúc, thuộc Tổ chức Forest Trend (một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ hoạt động vì mục đích bảo vệ, thúc đẩy sự phát triển của rừng), VN hiện chưa có cơ chế, chính sách, quy hoạch đối với ngành công nghiệp dăm gỗ. Việc phát triển ngành dăm gỗ ồ ạt, tự phát sẽ dẫn đến cạnh tranh thu mua nguyên liệu gỗ không lành mạnh, nhiều nhà máy thiếu nguyên liệu để sản xuất, gỗ dăm bị ép giá...

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam lưu ý: Các DN dăm gỗ cần phải chú ý đến khâu mở rộng thị trường, hạn chế dần sự phụ thuộc vào thị trường luôn rủi ro như Trung Quốc (hiện tiêu thụ 60% lượng dăm xuất khẩu của VN). Các DN có ý định xây dựng nhà máy dăm thì nên dừng lại vì công suất ngành hiện đã quá lớn, tương lai sẽ thiếu nguyên liệu và thị trường tiêu thụ.

Hoàng Trọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.