Công nhân, giáo viên kiến nghị không tăng tuổi nghỉ hưu

Thu Hằng
Thu Hằng
15/05/2019 17:06 GMT+7

Tại hội thảo góp ý dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi) do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức sáng nay, 15.5, đại diện cho khối công nhân lao động, giáo viên tiếp tục kiến nghị không nên tăng tuổi nghỉ hưu.

 

2/400 ý kiến đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu cho nữ

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động từ 55 lên 60 đối với nữ và 60 lên 62 đối với nam là nội dung người lao động quan tâm nhất, đặc biệt là công nhân lao động khối sản xuất, khi Bộ LĐ-TB-XH lấy ý kiến góp ý cho dự thảo bộ luật lao động (sửa đổi).
Bà Phạm Hải Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), cho biết để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo, công ty đã phát phiếu khảo sát tới 400 người lao động, bao gồm công nhân trực tiếp và gián tiếp, cán bộ quản lý. “Kết quả khảo sát, chỉ có 2/400 ý kiến đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 60 đối với nữ. 2 ý kiến còn lại là đồng ý đều là lao động gián tiếp, quản lý. Đối với nam, kết quả có 5/400 ý kiến đồng ý. Ngoài lý do người lao động lo ngại sức khỏe không thể đáp ứng được yêu cầu công việc, người lao động không muốn tăng tuổi nghỉ hưu còn có lý do sợ chủ doanh nghiệp không nhận lao động lớn tuổi”, bà Hà cho biết.
Bà Phạm Hải Hà cho biết chỉ có 2/400 người lao động của công ty khi đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu cho nữ ẢNH D.VĂN
Là công nhân trực tiếp sản xuất, bà Nguyễn Thị Thu Hiền (48 tuổi, công nhân may tại tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ, nguyện vọng cá nhân không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. “Đặc thù công việc của chúng tôi ngồi 8 tiếng/ngày. Càng có tuổi xương khớp lão hóa, mắt càng mờ, nhìn càng không rõ. Nếu kéo dài thời gian làm việc và nghỉ hưu muộn, liệu người lao động có đáp ứng được yêu cầu không? Tôi e rằng rất khó đủ sức khỏe để đáp ứng yêu cầu công việc. Do đó, không nên tăng tuổi nghỉ hưu với lao động trực tiếp”, bà Hiền bày tỏ.
Không chỉ lao động trực tiếp sản xuất đề nghị không tăng tuổi nghỉ hưu, giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non cũng đề nghị xem xét lại phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Bà Đinh Bích Hà, Phó hiệu trưởng Trường mẫu giáo Việt Triều (Hà Nội), cho biết khi lấy ý kiến góp ý, đa số các giáo viên đều cho rằng khó có thể làm việc đến 55 chứ chưa nói là đến 60 tuổi.
Bà Hà bộc bạch: “Tính chất công việc của chúng tôi thiên về chăm sóc, dạy dỗ các cháu nhỏ, ngày nào cũng bắt đầu từ 7 giờ sáng với các công việc từ dọn lớp, đón trẻ, hoạt động giáo dục, hoạt động ngoài giờ, đến trưa lại cho các con ăn rồi ngủ. Tính ra mỗi ngày phải làm việc từ 10 - 11 giờ chứ không phải 8 giờ như quy định. Nhiều giáo viên mầm non đang lo ngại sẽ phải tăng tuổi nghỉ hưu, sau 55 tuổi, các cô giáo không thể còn khả năng múa đẹp, hát hay, nhanh nhạy trong cập nhật các phương pháp giáo dục mới... Vì thế, các cơ quan cần linh hoạt trong điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu với đối tượng này cho phù hợp”.

Đề nghị chưa tăng tuổi nghỉ hưu đối với khối công nhân trực tiếp sản xuất

Trước những băn khoăn của người lao động, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết: “Quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình, giải quyết việc làm, thất nghiệp... không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động, đảm bảo số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số, bình đẳng giới... Đặc biệt là cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn. Các đối tượng là công nhân, người lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù... có thể xem xét chưa tăng tuổi nghỉ hưu hoặc có lộ trình tăng chậm hơn hoặc có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động đến thị trường lao động”.
Còn theo ông Đặng Quang Điều, nguyên Trưởng ban Chính sách kinh tế - xã hội và Thi đua khen thưởng (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), tăng tuổi nghỉ hưu chỉ nên áp dụng vào khối hành chính sự nghiệp, chưa thể áp dụng vào khối sản xuất kinh doanh do điều kiện, môi trường làm việc khác nhau.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng những ý kiến xác đáng của người lao động sẽ được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận, tiếp thu, tổng hợp gửi ban soạn thảo để tránh tình trạng “chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất”.

2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu

Dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi) được Bộ LĐ-TB-XH công bố ngày 28.4.2019 đưa ra 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu. 
Phương án 1: kể từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam, và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Kể từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam, và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Dự thảo cũng quy định người lao động được nghỉ hưu sớm không quá 5 năm, do suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Đồng thời, người lao động cũng được nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.