Công nhận GS, PGS: Cuộc đua đầy may rủi

Quý Hiên
Quý Hiên
05/02/2018 07:06 GMT+7

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, 'cái dở nhất' của chuyện xét công nhận giáo sư, phó giáo sư ở VN là vàng thau lẫn lộn nên công chúng nhìn vào không biết 'đâu thật đâu dỏm', khiến việc xét công nhận tiêu chuẩn này trở thành một cuộc đua đầy may rủi.

Như Báo Thanh Niên đã có bài phản ánh, 1.226 là con số ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm nay, bằng gần đúng số lượng của hai năm 2016 và 2015 cộng lại. Lý giải hiện tượng này với báo giới, GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh GS nhắc tới Quyết định 174 (quy định tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, được ban hành từ năm 2008) và ví von đợt xét năm nay như “chuyến tàu chót mang số hiệu 174”, từ đó nảy sinh tâm lý mong muốn được lên “chuyến tàu” này của nhiều ứng viên.
Chia sẻ với Thanh Niên, nhiều cán bộ, giảng viên các trường ĐH cho biết đúng là có tâm lý đó.
Tức tốc chạy nước rút
PGS Lê Minh Quý, Viện Cơ khí - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nói: “Tuy nhà nước không có văn bản chính thức nào nói rằng đợt xét năm nay là đợt cuối xét theo Quyết định 174 nhưng anh em trong trường cũng kháo nhau về việc sang năm có thể phải làm theo quy định mới”. Theo PGS Quý, khó có thể nói quy định mới sẽ khó hơn quy định hiện nay, mà quy định nào cũng sẽ khó với người này nhưng dễ với người kia. “Ví dụ quy định mới có thể có lợi với những người nhiều bài báo ISI mà chính vẫn những người ấy lại sẽ gặp bất lợi nếu nộp hồ sơ xét năm nay”, PGS Quý nói.
PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng thông tin: “Người ta cho rằng năm tới nếu thực hiện quy định mới thì yêu cầu tiêu chuẩn PGS sẽ cao hơn nên nhiều thầy tức tốc chạy nước rút”. Ai cũng vội vàng đến mức theo ông, có một trường hợp làm hồ sơ GS mà thiếu hẳn 2 tiêu chuẩn cứng rất quan trọng là viết sách và nghiên cứu sinh. Đã vậy hồ sơ còn rất sơ sài nên đã bị loại ngay từ cấp cơ sở.
Theo nhiều cán bộ giảng dạy các trường ĐH, những năm trước đây, thường các ứng viên chỉ nộp hồ sơ khi đã đủ sự tự tin, nghĩa là họ tự tính toán được điểm hồ sơ của mình đã đạt mức khá so với các tiêu chuẩn trong quy định của nhà nước. Còn năm nay, vì tâm lý chạy đua với đợt cuối, nhiều người điểm hồ sơ chỉ mới đạt ngang sàn cũng mạnh dạn đăng ký. Đăng ký xong, có người “chạy”, có người phó mặc cho may - rủi.
Tiêu cực tùy từng ngành !
Một chuyên gia ngành luật nêu ý kiến: “Hội đồng chức danh GS nhà nước chỉ công bố tên các ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn mà không hề công khai lý lịch khoa học của các vị này, nên xã hội muốn giám sát cũng khó. Chẳng hạn mấy hôm nay tôi nghe mọi người cứ bàn tán việc một giảng viên bảo vệ tiến sĩ được 2 năm, trong khi quy định là phải từ 3 năm trở lên, mà giờ đã thấy tên trong danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn PGS”.
Một cán bộ Trường ĐH Giao thông vận tải ở Hà Nội tâm sự: “Trường có hơn 30 ứng viên nộp hồ sơ, đều được hội đồng cơ sở cho qua hết. Lên ngành thì chỉ bị trượt 1 người. Đúng là khó tin rằng nền khoa học VN vươn vai một phát là thành Phù Đổng nhưng tôi nghĩ là do tâm lý 'tháo khoán' của các hội đồng nói chung thôi chứ không phải vì ứng viên năm nay 'chạy' nhiều hơn mọi năm. Với lại mức độ nghiêm túc còn tùy vào từng ngành. Chẳng hạn bạn trượt của trường tôi ở ngành điện - điện tử, mà ngành ấy cũng có tiếng là có hội đồng nghiêm túc. Nhưng so với các đồng nghiệp khác trong trường bạn ấy trượt 'oan'. Về mặt chuyên môn bạn ấy thuộc diện khá, là một trong số ít ứng viên của trường có bài báo ISI”.
Trong khi đó, một thành viên hội đồng công nhận GS ngành công nghệ thông tin cho biết ngành này năm nay không một người nào đạt GS. Có 45 ứng viên PGS nhưng chỉ được 29 người. Trong đó có những người xét năm nay là năm thứ 3. Các ứng viên đã đạt ở hội đồng cơ sở nhưng lên đến hội đồng ngành thì bị loại hầu hết là do khâu tín nhiệm không đạt số phiếu quy định.
PGS Ngô Huy Cương, Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết ngành luật những năm trước quá nhiều lùm xùm trong việc xét GS, PGS thì năm nay có bao nhiêu ứng viên từ các cơ sở đề xuất đều được thông qua hết. “Vì thế mà một số người mất lòng tin, năm nay không nộp hồ sơ ứng cử nữa, tỏ ra nuối tiếc sau khi biết kết quả”, PGS Cương nhận xét. Khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội có 4 ứng viên thì bị loại 1 người. Ứng viên bị loại không phải vì thiếu cơ sở cứng mà do thiếu số phiếu tín nhiệm.
Xung quanh những nghi vấn tiêu cực, nhiều chuyên gia đồng ý rằng “còn tùy từng ngành, hoặc tùy từng trường hợp”, chứ không nên nghĩ trường hợp nào cũng tiêu cực.
Thêm nửa năm mà hồ sơ tăng ồ ạt là phi lý
Theo PGS Ngô Huy Cương, giải thích của GS Trần Văn Nhung về lý do tại sao số người được xét PGS, GS năm nay tăng đột biến là không thỏa đáng, và hạ thấp giá trị của những ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn PGS, GS năm nay so với những năm trước.
PGS Cương phân tích: “Đã sinh ra quy định tiêu chuẩn PGS, GS nghĩa là cần có sự công bằng trong việc xét không chỉ giữa ứng viên này với ứng viên khác trong một lần xét mà phải giữa lần xét này với lần xét khác. Việc GS Nhung nói thế sẽ khiến dư luận hiểu rằng có một sự hạ thấp tiêu chuẩn trong đợt xét này, nên khiến nhiều người đạt hơn. Phát biểu này của GS Nhung giờ trở nên ầm ĩ trong giới và tôi cho rằng đây là một phát ngôn bất ổn. Còn nói rằng vì việc nộp hồ sơ xét kéo dài thêm nửa năm nên có nhiều ứng viên hơn đạt yêu cầu hơn là không thỏa đáng. Để đủ hồ sơ làm PGS, GS, một nhà khoa học cần có thời gian tích lũy nhiều năm trời, chứ nhờ được thêm nửa năm mà số lượng tăng ồ ạt là phi lý. Cho dù nhờ có nửa năm đó mà người ta kịp có công trình đủ để làm PGS, GS thì cũng cần phải xem lại chất lượng của các công trình đó”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.