Ráng mà... sống
Hồi tháng trước, khi gặp chị Lê Thị Tuyết Nhung (31 tuổi, quê Hậu Giang) tại căn trọ ở P.Linh Xuân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), chị bảo đầu năm 2020 về quê sinh con thì vì dịch bệnh Covid-19 nên chị "phải ở dưới, hồi tháng 10.2020 mình mới vô làm lại công ty". Nhưng hôm thứ 7 vừa rồi (9.1.2021) gặp lại, chị nói "mình đã xin nghỉ luôn rồi".
“Lúc mình làm là công ty có hàng trở lại, đang cần người, nhưng mình xin nghỉ một tháng để mổ u nang, công ty không chấp nhận, nên đành xin nghỉ luôn. Giờ ở nhà chăm đứa nhỏ, sẵn tiện lãnh móc quần áo về gia công, giá 3.000 đồng/kg. Mỗi ngày làm được chừng 25 kg, vài chục ngàn đồng, cứ ráng mà sống thôi. Nhưng phòng chật quá, mình phải xin chủ nhà trọ để nhờ sang phòng trống kế bên”, chị Nhung nói thêm. Bây giờ chồng chị không làm phụ hồ nữa mà chuyển sang làm bốc xếp ở Đồng Nai, cứ sáng đi chiều về; còn đứa con trai đầu đã về quê ở với bà nội.
Chị Nhung loay hoay dán móc quần áo, bảo: “Tết này hai vợ chồng chuẩn bị tâm lý sẵn là không về quê rồi đó, mất tết rồi đó, bởi mượn gần 20 triệu đi mổ nên giờ ráng đi làm trước, có tiền sẽ gửi về lì xì ba mẹ. Đứa con tôi dưới quê cứ gọi hoài, bảo nội mới cho con 20.000 đồng, để nữa con đưa cha tiền mua sữa cho em, tôi nhớ nó ghê...”.
Khó có thể diễn tả hết khó khăn mà nhiều hộ gia đình đã đối diện, nhất là khi sinh kế của họ phụ thuộc hoàn toàn vào người lao động làm các công việc dễ bị tổn thương.
Nằm trong hàng "đối tượng cuối cùng được tuyển dụng và là đối tượng đầu tiên bị sa thải”, lao động trẻ như cô gái Lê Hoài Yến (23 tuổi) nằm trong số những người đợt đầu (tháng 3.2020) cho thôi việc khi công ty cắt giảm nhân sự.
Yến sống với mẹ trong một gác trọ trên đường Phạm Văn Chiêu, P.14, Q.Gò Vấp. Cô học tới lớp 9 thì nghỉ, mới xin vào làm ở Công ty Huê Phong được 3 năm, nếu tăng ca cũng được gần 6 triệu đồng/tháng, nhưng rồi dịch Covid-19 tới, Yến mất việc luôn.
|
“May mắn, em lãnh được 3 tháng trợ cấp thất nghiệp mới xoay sở kịp. Chứ từ lúc nghỉ việc tới nay, em đành ở nhà, đi theo phụ mẹ nấu ăn ở các đám tiệc, tuần chừng 2 buổi, em đợi cho qua tết rồi đi tìm việc tiếp”, Yến nói.
Còn mẹ Yến - bà Huê vào Sài Gòn ngót nghét hơn 20 năm, làm đủ nghề như bán vé số, phụ bếp... để nuôi con. Trong ký ức của mình về nguyên quán, bà vẫn nhớ như in tiếng còi tàu ngày ngày lướt qua căn nhà của gia đình bà ở Đức Phổ (Quảng Ngãi), lúc tết còn sôi động hơn. Đã lâu lắm rồi bà không về quê ăn tết...
“Ở quê hồi đó họ hàng ưa gói bánh tét chung, giờ ba mẹ tôi mất hết, cũng không còn về làm gì, chỉ có đám dỗ tôi mới về. Ở đây, mỗi đêm 30 cứ bày biện vài món ra cúng đất mình đang ở thế thôi, nhưng dưới quê chắc chắn vui hơn rồi...”, bà vừa ngẫm vừa kể.
Lo “mất tết”
Là lao động nhập cư gần hai chục năm nay, chị Nguyễn Thị Hoài Ân (45 tuổi, quê Đà Nẵng) cho hay mình mất việc từ tháng 6.2020. Lúc bị cắt giảm nhân sự, chị Ân được nhận trợ cấp của công ty, và sống qua ngày nhờ tiền bảo hiểm thất nghiệp.
Mãi một thời gian sau chị mới có được việc ở một công ty làm ngũ cốc gần nhà trọ. “Làm cả ngày được 120.000 đồng, nhưng làm ở đây bữa được bữa không, có hôm chỉ nửa buổi rồi về, có khi tháng được 4 triệu, tháng được 2 triệu đồng. Thật ra, tôi đã định về quê luôn ngay hồi mất việc, nhưng rồi dịch tới nên tôi ở đây luôn, nghĩ thôi cứ ráng làm loay hoay, kiếm chút đỉnh cho tới tết, rồi về”, chị Ân nói.
Chị Ân bảo tết này mình nhất định về, vì năm rồi chị ở lại Sài Gòn, buồn hiu, nhớ nhà chịu không nổi.
“Vé ngày tết về Đà Nẵng cao, mình tốn nhiều lắm, Năm trước là mất tết, nhưng năm nay quyết về, ở quê mình nó có không khí tết hơn, họ hàng mình cũng ở đó”, chị Ân nói, rồi tiếp lời “Tết tôi về quê thường đi phụ gia đình gói bánh tét. Không về quê ăn tết có một năm, mà tự dưng thấy buồn buồn, chảy nước mắt... Giờ chỉ đang lo vé xe về Đà Nẵng thôi...”.
Cách đó vài căn trọ, dù đã tối muộn, chị Dương Thị Kim Chi (45 tuổi, quê An Giang) vẫn miệt mài dạy đứa cháu của mình viết chữ. Chị bảo, mẹ của đứa cháu mất mấy năm nay nên chị đem về nuôi. Chị Chi cũng là lao động của Công ty Huê Phong, mất việc trong đợt cắt giảm nhân sự cuối của công ty này.
“Do tôi cũng lớn tuổi và làm lâu nên trụ được tới đợt cuối. Sau khi mất việc, tôi cũng không lãnh được bảo hiểm thất nghiệp vì sổ tôi đã mất, làm lại trễ. Đành chịu cảnh ai kêu gì làm đó, chồng tôi cũng chỉ đi phụ hồ năm ba bữa. Tôi có đi rửa chén, tháng được 2 triệu đồng. Sau đó chị Trang chủ nhà trọ thấy vậy mới cho tôi mượn máy may, kêu tôi lấy đồ về may gia công, một cái được 300 đồng, ngày may chừng 300 cái là hết sức”, chị Chi thở than, bảo năm nay thể nào cũng... “mất tết”.
|
Chị Chi nói dưới H.Thoại Sơn (An Giang) của chị, bà con, làng xóm cũng đi xa làm ăn. “Chắc năm nay là năm thứ hai tôi không về quê, chỉ đám giỗ ba tôi mới dám về. Hai vợ chồng tôi không có con nên xem đứa cháu như con ruột, khó khăn phải nhín nhút. Nhưng rồi, chắc tết này thằng nhỏ cũng không có bộ đồ mới nào đâu...”.
Là thành viên tích cực công tác trong các hoạt động của Liên đoàn lao động Q.Gò Vấp, chị Đào Thị Hoa, chủ nhà trọ khu phố 6 (P.14) thường xin hỗ trợ gạo, mì tôm, vé xe về Tết... từ nhiều nguồn về tặng công nhân thuê trọ của mình, lẫn lối xóm.
Chị Hoa cho hay: “Chỗ này có nhiều công nhân tứ xứ thuê trọ lắm. Lúc trước cứ hễ tan tầm là đường chật kín, nay công ty cắt giảm nhân sự, lối xóm tự nhiên vắng hoe mà nhà trọ cũng đìu hiu. Công nhân họ tứ tán, nhiều đứa trẻ mới học mầm non hay tiểu học cũng chuyển trường theo ba mẹ, còn nhiều người khác trụ ở lại đây kiếm đủ nghề. Nhiều chủ nhà trọ như tôi gắng hỗ trợ, trước mắt là xin vé xe về Tết cho công nhân đã”...
Theo số liệu về tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý IV và năm 2020 của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 12.2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, giảm giờ làm, thu nhập… do dịch Covid-19.
Covid-19 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm đồng thời khiến cho nhiều người buộc phải trở thành lao động có việc làm phi chính thức.
Các chỉ tiêu về tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức đều tăng cao trái ngược hẳn với xu thế giảm trong các năm gần đây. Tuy vậy thị trường lao động tại Việt Nam đang có thay đổi tích cực từ quý IV/2020
|
Bình luận (0)