Công nhân PouYuen sau ca nhiễm Covid-19: Bật khóc sợ hãi, bế con cùng cách ly

11/06/2021 12:40 GMT+7

Vừa nhận tin đồng nghiệp là công nhân PouYuen nhiễm Covid-19 , con trai 9 tháng tuổi cũng đang sốt, ho, chị Hòa hốt hoảng bế con đến trạm y tế phường, rồi vào BV bệnh nhiệt đới khám bệnh, cùng cách ly.

“Nín mẹ thương”, “mẹ thương, mẹ thương mà”, chị Trần Thị Hòa (33 tuổi, quê Nghệ An) vừa xoa lưng vừa bế con đi quanh phòng cách ly của BV bệnh nhiệt đới dỗ dành. Em bé 9 tháng tuổi đầu vẫn nóng ran, khóc ré lên trong vòng tay mẹ. Chị Hòa là F1 của công nhân PouYuen (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM) nhiễm Covid-19, và con trai của chị đang sốt, ho.

Bắt đầu dẹp chợ tự phát giữa dịch Covid-19 quanh công ty PouYuen

“Cả chuyền ai cũng khóc”

Ngày 8.6, chị Hòa khai báo với y tế phường vì là F2 liên quan đến ca nhiễm là chồng của nữ công nhân PouYuen. Ngày 9.6, nhận tin đồng nghiệp dương tính, con trai 9 tháng tuổi đang bị ho, sốt nên chị sợ hãi bế cả con ra trạm y tế để khám. Vừa đi chị vừa run, cầu mong mọi chuyện bình an, con chị vẫn còn quá nhỏ.
Được hướng dẫn ở trạm, chị đưa con đến BV bệnh nhiệt đới, sau khi khai báo y tế, con trai chị được chụp phổi, lấy máu xét nghiệm, còn chị xét nghiệm dịch mũi. Trong thời gian chờ kết quả, hai mẹ con được ở trong phòng cách ly của Khoa Lây nhiễm.

Hàng trăm công nhân PouYuen phải đi cách ly tập trung để phòng dịch

Ảnh: Độc Lập

Chị kể: “Tôi tới viện, bác sĩ la là F1 sao không đi cách ly tập trung mà vào đây. Nhưng tôi tới phường được hướng dẫn như vậy. Giờ con tôi cũng đang ho, sốt nên tôi ôm con vào đây khám rồi cùng cách ly luôn chứ quăng con ở nhà nó có mệnh hệ gì tôi biết làm sao. Vào đây khám rồi mẹ con cùng cách ly”.
13 năm trước, chị Hòa vào TP.HCM nộp đơn xin làm công nhân công ty PouYuen, vài năm sau, chồng chị cũng trở thành đồng nghiệp. Hơn chục năm trời, hai vợ chồng ở trọ, gửi 1 con về quê nhờ bà nội chăm, 1 con anh chị chăm. Mới đây, vỡ kế hoạch, chị có thêm bé thứ ba – cũng là bé cùng chị trong BV.
Vào phòng cách ly bệnh lạ lẫm, không có võng, em bé cứ khóc ré lên trên tay mẹ, dỗ con từ sáng đến chiều, chị Hòa lo vì đầu con vẫn nóng, chị cũng thấm mệt nhưng chưa được nghỉ một phút nào.

Bên trong PouYuen, công nhân chấp hành nghiêm quy định đeo khẩu trang

Ảnh: Độc Lập

Tiền lương công nhân ở PouYuen hai vợ chồng nhòm nhèm được 16 triệu thì hết 2 triệu gửi về nội chăm con, 2 triệu tiền nhà trọ, hơn 3 triệu tiền giữ trẻ, tiền sữa, tiền tã, tiền chợ,… Cứ vậy, 13 năm trời không dư được đồng nào. Trước khi đưa con vào BV, chị cũng phải mượn tiền của người quen để lo liệu.
Chị Hòa chia sẻ: “Có ca nhiễm Covid-19 là đồng nghiệp chung phân xưởng ai cũng lo. Từ tối qua đến nay, mọi người nhắn tin, điện thoại cho nhau suốt, cả chuyền đều khóc vì toàn mấy chị em, xa con chịu không nổi đâu. Có điều vừa qua ở công ty ai cũng đeo khẩu trang, chia ca ra ăn nên giờ chỉ biết nín thở chờ kết quả xét nghiệm”.
Chị cũng cho hay, hơn chục năm trời dù trầy trật, vợ chồng chị vẫn bám trụ ở đất Sài Gòn là vì ở đây còn có việc làm, có thu nhập để lo cho con. Còn về quê, cả hai chỉ có thể làm ruộng. Giờ chị F1, chồng chị F2 cách ly tại nhà, hai vợ chồng nghỉ việc, “tháng này chết đói”, chị thở dài.
Cuộc trò chuyện của PV và nữ công nhân PouYuen bị ngắt quãng liên tục vì tiếng khóc ré của em bé 9 tháng tuổi. Đến 17 giờ hơn, con vẫn đang sốt, chị nín thở chờ kết quả xét nghiệm, thầm mong chỉ là sốt mọc răng. Bác sĩ kéo vào phòng bệnh riêng có một cây quạt mở cho em bé.

TP.HCM lấy 53.255 mẫu xét nghiệm Covid-19 ở khu công nghiệp, kết quả ra sao?

Tủi thân, nhớ con

Chiều 10.6, nói chuyện với PV Thanh Niên qua điện thoại, chị Đoàn Ngọc Nhãn (33 tuổi, quê Kiên Giang) vẫn còn nấc nghẹn, nước mắt vẫn cứ thế chảy dài trên khuôn mặt. “Khóc vì ở trong này một mình, tủi thân, nhớ con, lo nữa”, chị sụt sùi nói.
Ngày 7.6, chị và chồng cùng là công nhân PouYuen xin nghỉ phép về Đồng Tháp vì mẹ chồng bệnh nặng. Chiều tối 9.6, nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ kín, đi xe cứu thương đến nhà đưa chị đi cách ly vì làm cùng chuyền với ca nhiễm. Hàng xóm quanh nhà lo sợ, một mình trên xe cấp cứu, chị cố mím chặt môi, nhưng nước mắt lại chảy dài.

Nhiều công nhân PouYuen hồi hộp chờ kết quả xét nghiệm

Ảnh: Độc Lập

Chị kể: “Cả đêm tôi không chợp mắt được vì nhớ con, con mới 4 tuổi thôi. Nói chuyện điện thoại con cứ hỏi mẹ đi đâu vậy, chừng nào mẹ về khiến tôi sốt ruột. Nay mẹ chồng bệnh nặng nên mới về, mà giờ lỡ có chuyện gì lại vô tình ảnh hưởng đến cả người thân của mình, nỗi lo chồng nỗi sợ”.
13 năm cày cuốc, vợ chồng chị vẫn bám trụ ở khu trọ công nhân gần công ty. Từ khi có dịch Covid-19, cả xóm trọ đều hạn chế ra ngoài, con nít ra sân chơi thì tự nhắc nhau mang khẩu trang. Ở công ty, cả hai đều thực hiện nghiêm quy định phòng dịch nên không quá lo. Chỉ mới từ 9.6, họ mới sợ hãi, sợ liên lụy tới con nhỏ, gia đình…

Chen chân trong giờ tan tầm ở cổng PouYuen

Ảnh: Độc Lập

“Vô cách ly cả đêm tôi không ngủ được, trong đầu chỉ tưởng tượng đến các tình huống xấu, lỡ mình mà nhiễm bệnh thì sẽ thế nào, con mình, chồng mình, cha mẹ mình ra sao… Cứ vậy rồi không ngủ được. Chồng tôi nhắn suốt, kêu thoải mái tinh thần, chờ có kết quả xét nghiệm, lo quá lại đổ bệnh. Nhưng tôi vẫn không thoát được những nỗi sợ kia”, vừa kể chị vừa lau nước mắt.
Suốt đêm qua, chị và những người công nhân PouYuen liên tục nhắn tin nói chuyện với nhau về lịch trình, về nỗi lo. Không ai ngủ được, quay qua quay lại trằn trọc vì lo, vì nhớ con….
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.