Công nhân PouYuen 'đêm trắng' vì ca nhiễm Covid-19: Xách đồ đi cách ly, con ngơ ngác...

10/06/2021 12:29 GMT+7

Sau khi nữ công nhân ở công ty TNHH PouYuen Việt Nam mắc Covid-19 , nhiều đồng nghiệp được cách ly tập trung, họ mất ngủ cả đêm vì lo lắng, nói cười động viên nhau, mà cười ra nước mắt không biết những ngày tới ra sao...

Ngày 9.6, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM) đã phối hợp với ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ sau khi nữ công nhân làm việc ở phân xưởng may mắc Covid-19.
Trong chiều tối cùng ngày, hơn 100 công nhân PouYuen được đưa đi cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm. Cả đêm, mọi người nhắn tin hỏi thăm, động viên nhau, nhưng ai nấy đều hồi hộp, lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình.

Bản tin Covid-19 ngày 10.6: Hồi hộp chờ kết quả xét nghiệm công nhân Công ty PouYuen

“Nghe điện thoại mà tay chân tôi rụng rời”

Chị Nguyễn Thị Hồng (41 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) - làm việc chung phân xưởng may với nữ công nhân nhiễm Covid-19 tại PouYuen đang cách ly tập trung tại KTX Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, suốt 2 ngày qua, cả phân xưởng đều nơm nớp lo sợ.

Hơn 100 công nhân PouYuen được cách ly tập trung từ chiều tối 9.6 để phòng dịch

Ảnh: Độc Lập

Theo lời chị Hồng, chiều 8.6, nữ công nhân nhận điện thoại của chồng nên vội vàng chạy về, cả phân xưởng bắt đầu nháo nhào lo sợ. Đến tối 8.6, chị được cán bộ gọi điện thoại báo ngày mai không cần đến công ty. Tiếp tục trưa 9.6, chị nhận được điện thoại của nhân viên y tế báo đưa đi cách ly tập trung.
“Qua vừa nghe tin, tôi cũng gọi hỏi thăm chị đồng nghiệp xem sức khỏe chị thế nào, chị nói là bối rối vì nhiều người gọi hỏi thăm quá. Chúng tôi động viên lẫn nhau và nhiều đồng nghiệp khác cũng vậy. Ai cũng đi cách ly nên thường gọi hỏi nhau nơi cách ly ra sao rồi cùng nhau cố gắng chứ giờ cũng không biết sao”, chị Hồng nói.
14 năm trước, chị Hồng lên TP.HCM làm công nhân, hiện đang thuê trọ ở với chị gái. Con cái gửi ở quê Gò Công, Tiền Giang nhờ ông bà chăm, cuối tuần chị lại về thăm con. Nghe tin chị đi cách ly, cả nhà điện thoại liên tục hỏi thăm tình hình. Sốt ruột lo cho mình, lo cả cho những người xung quanh, lòng dạ chị Hồng luôn nóng như lửa đốt. Nghe giọng con 9 tuổi động viên “Mẹ ráng lên”, chị lại ứa nước mắt.

Dù trong lúc làm việc được sắp xếp ngồi giãn cách, nhưng đến giờ tan tầm, công nhân đổ ra rất đông ở khu vực cổng

Ảnh: Độc Lập

Chị Trương Thị Hồng Nhung (39 tuổi, ở trọ Q.Bình Tân) làm cùng phân xưởng may với công nhân nhiễm Covid-19 cũng được đưa đi cách ly từ chiều qua. Nói chuyện qua điện thoại với PV, chị không giấu được nỗi lo vì con chị ở nhà mới 13 tháng tuổi.
15 năm làm công nhân PouYuen, chị Nhung vẫn ở nhà trọ giá 1,2 triệu đồng/tháng, chồng đi làm xa. Ngày 9.6 được nghỉ làm, đến trưa nhân viên y tế gọi báo chị phải đi cách ly tập trung nên chị gọi chồng nghỉ làm về trông con.
“Nghe điện thoại mà tay chân tôi rụng rời, xếp đồ đi cách ly mà bao nhiêu suy nghĩ cứ chất chồng lên nhau. Lo cho mình một, lo cho con mười, lỡ mình bị gì lây cho con thì tội nghiệp con lắm, giờ phải xa mẹ không biết con ăn, ngủ sao. Chồng về tới nhà trọ, tôi vội xách giỏ đồ đi, con ngơ ngác nhìn theo không hiểu chuyện gì”, chị Nhung nghẹn giọng.
Chưa đêm nào dài như đêm đầu trong khu cách ly, nhớ con quay quắt, chị gọi video nhìn con nằm trằn trọc, nước mắt lại ướt cả gối. Cha mẹ chị ở quê cũng gọi liên tục để hỏi sức khỏe, khu cách ly và đồng nghiệp.

TP.HCM yêu cầu công ty PouYuen tổ chức lại việc đưa đón công nhân, phòng Covid-19

Được nghỉ làm mà cười ra nước mắt

Chị Nhung kể, trong khâu may có khoảng 60 người, vị trí làm việc của mỗi người được bố trí giãn cách, đeo khẩu trang suốt giờ làm. Ai cũng chấp hành quy định, vừa để bảo vệ bản thân, vừa để tránh bị công ty phạt 3 triệu đồng. Chỗ ngồi cách xa nhau nên dù làm chung nhưng ai cũng ít nói chuyện với đồng nghiệp.

Công nhân PouYuen thường mua đồ ăn ở chợ gần cổng công ty

Ảnh: Độc Lập

Khu nhà ăn được sử dụng chung và mọi người cùng đi ăn từ 11 giờ 30 phút, nhưng từ khi có dịch Covid-19 năm ngoái, công ty làm vách ngăn từng chỗ ngồi, cho công nhân ăn theo phần.
Chị nói: “Trước đó thì nhà ăn sắp xếp ăn chung, 8 người một bàn. Nhưng có dịch nên mọi thứ đều khác. Mạnh ai nấy ăn, ăn xong mạnh ai nấy đeo khẩu trang nghỉ trưa, không ngồi gần nhau nên cũng đỡ lo đôi chút”.
Theo lời chị Nhung, trong giờ làm công nhân được sắp xếp ngồi xa nhưng vì đông nhân sự nên giờ tan ca, khó tránh được tình trạng đông ở khu vực cổng. “Tôi cũng thường ghé chợ ở cổng mua đồ ăn rồi về nhà nấu, giờ nghĩ lại cũng sợ. Làm xong, ai cũng lo về, thấy người quen thì cười qua lớp khẩu trang vậy đó. Được nghỉ làm mà cười ra nước mắt. Bệnh không ai muốn nhưng cũng ớn. Người nhà gọi suốt, hỏi tôi ở cách ly ra, giờ tôi cũng không biết trả lời sao”, chị tâm sự.

TP.HCM hồi hộp chờ kết quả xét nghiệm Covid-19 của công nhân công ty PouYuen

Chủ động phòng từ trước, mà vẫn lo

Chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên (20 tuổi, ngụ Tiền Giang) – công nhân khâu thả đế trong PouYuen đang cách ly tập trung từ tối 9.6 để phòng dịch. Trước đó, chị hoang mang, lo sợ khi nhận điện thoại báo tin của đồng nghiệp có ca nhiễm Covid-19 trong công ty.
Chị Duyên cho biết, khâu của chị chỉ có vài người, đứng cách xa nhau và chỉ đứng với máy từ đầu giờ làm đến cuối buổi, nhưng chị thường tiếp xúc với cán bộ - người đi tới lui lo ký giấy tờ, kiểm tra nên lo lắng.

Theo công nhân PouYuen trong công ty có quy định không đeo khẩu trang phạt 3 triệu nên ai nấy đều chủ động đeo khẩu trang suốt giờ làm

Ảnh: Độc Lập

Cả tuần qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị đã tự nấu cơm mang theo để không phải xuống nhà ăn tập thể. “Giờ nghỉ trưa trong công ty mỗi người chọn một góc, ăn xong rồi đeo khẩu trang ngủ, ai cũng chủ động tự phòng dịch cho chính mình. Trước khi công ty có ca nhiễm, chúng tôi luôn nhắc nhau cẩn thận. Còn qua nay ai cũng đi cách ly hết rồi”, chị chia sẻ.
Làm công nhân PouYuen hơn 1 năm, thu nhập của chị Duyên khoảng 6 triệu đồng/tháng. Để tiết kiệm chi phí, 3 giờ rưỡi sáng mỗi ngày chị dậy để chuẩn bị ra xe đưa rước lên công ty, và về tới nhà vào khoảng 18 giờ 30 phút. Mỗi lượt di chuyển gần 2 tiếng, chị tranh thủ chợp mắt, dù có đau nhức người vì ngồi xe nhiều, nhưng chị vẫn chọn cách này để đỡ tốn tiền nhà trọ ở TP.HCM.
“Suốt đêm qua, công nhân PouYuen chúng tôi nói chuyện, động viên nhau mà thấy ai cũng lo hết. Công nhân tháng nào ăn tháng đó, giờ cách ly lương không biết sao. Nhưng ít ra, tôi còn ở với gia đình, không tốn tiền thuê trọ hay lo con cái như đồng nghiệp ở TP.HCM”, chị bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.