Những năm gần đây, thú chơi mô hình tĩnh ngày càng phổ biến hơn ở VN. Nhiều điểm bán đã bắt đầu hình thành nhưng chủ yếu được quảng bá thông qua truyền miệng bởi những người cùng đam mê hoặc một số diễn đàn trên internet.
Càng lớn càng đắt
Thú chơi mô hình tĩnh ngày càng phát triển đa dạng, trải dài từ mô hình xe hơi, máy bay dân sự cho đến chiến đấu cơ, xe tăng, tàu chiến. Với người đam mê thì có thể theo đuổi mọi thứ mô hình phỏng từ đời thật, dù đó là chiếc xe đạp hay thậm chí xe đẩy bán hủ tiếu.
Giá trị của một mô hình dựa vào mức độ tinh xảo, chi tiết và độ lớn của mô hình. Trong đó, độ lớn tính dựa theo tỷ lệ tương quan với sản phẩm thật. Ví dụ mô hình xe Lamborghini Aventador có tỷ lệ 1/24 có nghĩa là nó có kích thước bằng 1/24 so với kích thước chiếc Lamborghini Aventador. Tùy theo nhóm sản phẩm, mô hình có tỷ lệ tương quan với kích thước thật khác nhau. Với nhóm mô hình xe hơi, kích thước thông thường có tỷ lệ 1/24, 1/18, 1/12 và 1/6. Máy bay dân sự thì 1/400, 1/200. Chiến đấu cơ thường có tỷ lệ 1/72, 1/48 và thậm chí là 1/32. Xe tăng hoặc xe chiến đấu bộ binh thường có tỷ lệ 1/35, 1/42. Tàu chiến thì tỷ lệ thường là 1/700 và 1/350.
Cứ tỷ lệ càng lớn thì càng đắt nếu mô hình cùng thương hiệu. Ví dụ, một xe mô hình Lamborghini Aventador của Hãng Maisto tỷ lệ 1/24 có giá chỉ khoảng 500.000 đồng thì chiếc cùng loại tỷ lệ 1/18 lên đến vài triệu đồng.
|
Hơn 500 chi tiết cho một mô hình
Tiêu chí quan trọng để quyết định giá trị của một mô hình là độ tinh xảo. Ví dụ như nhóm mô hình xe hơi vốn đang tạo ra sự thu hút lớn thì một chiếc xe tinh xảo hàng đầu phải có thân xe làm bằng kim loại. Nội thất bên trong làm bằng nhựa dẻo với các chi tiết màu sắc gần giống như thật. Bánh xe phải được làm bằng cao su và mâm xe cũng bằng hợp kim. Tất cả chi tiết từ vô lăng, ghế ngồi, cần số... đều được chế tác tỉ mỉ, càng giống thật càng đắt. Khả năng đóng mở cửa hay nắp capo là bình thường, có mẫu xe mô hình cao cấp còn cho phép gấp mui xe đối với phiên bản mui trần. Một chiếc xe mô hình tỷ lệ 1/18 có thể được ráp từ hơn 500 chi tiết. Tất cả được mô phỏng như thật từ kính chiếu hậu đến tem xe.
Độ tinh xảo thường phụ thuộc vào giá trị thương hiệu của mô hình. Đối với nhóm mô hình tĩnh xe hơi đang phổ biến, thì thương hiệu chế tác mô hình được phân chia theo các nhóm sau: nhóm thấp nhất gồm Maisto, BBurago, Welly (đều của Trung Quốc)... có giá bán mô hình tỷ lệ 1/24 vào khoảng vài trăm ngàn đồng; cao cấp hơn thì có AUTOart (Hồng Kông), Kyosho (Nhật), Minichamps (Đức)...; cao cấp nhất phải kể đến các tên tuổi: BBR (Ý), CMC (Đức), Exoto (Mỹ)... với giá bán một chiếc mô hình tỷ lệ 1/18 có thể lên đến gần 10 triệu đồng, còn tỷ lệ 1/12 thì phải hàng chục triệu đồng. Bởi thế, việc sở hữu những bộ sưu tập vài chục chiếc “xe đồ chơi” cao cấp có thể ngốn hàng trăm triệu đồng.
|
Kỳ công
Với nhiều người đam mê, không chỉ mua xe mô hình nguyên chiếc mà còn phải mua thêm các chi tiết để tự lắp ráp và rộng hơn là lắp ráp thành một tiểu cảnh như garage xe với các vật dụng sửa chữa. Kèm theo đó còn có thể là hình ảnh các kỹ thuật viên đang làm việc bên một chiếc xe đua thể thức 1.
Với nhóm mô hình khí tài quân sự như: chiến đấu cơ, tàu chiến..., thì việc tự tay lắp ráp là khá phổ biến. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ bởi phải ráp nối những chi tiết cực nhỏ. Người chơi phải mua các bộ kit gồm hàng trăm, thậm chí hàng ngàn chi tiết. Các thương hiệu cung cấp bộ kit nổi tiếng có thể kể đến là: Tamiya, Italeri, Meng, AFV. Bộ kit tàu chiến thông thường có thể có giá từ 4 - 6 triệu đồng nhưng cao cấp thì có thể lên đến hàng chục triệu đồng. Giá trị của bộ kit cũng dựa vào độ tinh xảo, số lượng chi tiết phức tạp. Chiến đấu cơ thì có thêm khoang chứa bom, bộ phận đóng mở bánh máy bay...
Bộ kit càng đắt làm người ráp càng phải cẩn thận khi kết nối hàng ngàn chi tiết. Quá trình này tốn khá nhiều thời gian. Theo anh Phạm Kiến Quốc - chủ nhân trang mohinhchientranh.com chuyên bán mô hình, việc lắp ráp một mô hình hàng không mẫu hạm có thể mất từ 3 - 4 tuần. Bởi thế, có những người đam mê mô hình nhưng không đủ thời gian hay khả năng lắp ráp phải đặt hàng ở các cơ sở chuyên lắp ráp. Khi đó, mức giá hoàn thành phải tính giá trị bộ kit lẫn tiền công lắp ráp.
Việc lắp ráp không chỉ dựa trên sơ đồ hướng dẫn mà còn phải có cả sự sáng tạo. Người ráp có thể phải chọn cách sơn để tạo ra hiệu ứng như những vết gỉ sắt, bị ăn mòn để tăng tính thực tế cho các sản phẩm như một số mẫu tàu chiến cũ. Với nhóm mô hình chiến tranh thì còn có thể sáng tạo nên những sa bàn quân sự, tiểu cảnh chiến tranh...
|
Bình luận (0)