Công tác xã hội trong trường học, tuy lạ mà quen

28/04/2024 11:00 GMT+7

Cụm từ "Công tác xã hội ở trường học" nghe có vẻ lạ lẫm nhưng thực chất ra các thầy cô đã và đang làm cho học sinh của mình lồng ghép vào những hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường.

Theo Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT: Mục đích của công tác xã hội trong trường học là nâng cao kiến thức và kỹ năng để người học tự giải quyết các khó khăn, căng thẳng, khủng hoảng tạm thời về tâm lý. Bảo vệ người học trước nguy cơ bị xâm hại, phòng tránh các tệ nạn xã hội và hạn chế tình trạng bỏ học, vi phạm pháp luật. Nâng cao nhận thức, kỹ năng của cha mẹ hay người giám hộ trong việc hiểu, chia sẻ, đồng hành cùng người học. Kết nối nguồn lực từ cộng đồng tham gia, phối hợp cùng cơ sở giáo dục thúc đẩy hoạt động công tác xã hội trong trường học.

Phát động cuộc thi viết và ảnh “Công tác xã hội trong trái tim tôi”

Với những mục đích trên, những cơ sở giáo dục đã có những động thái tích cực trong qua những việc làm cụ thể. Những kiến thức và kỹ năng như phòng chống bạo lực gia đình, học đường, xâm hại tình dục... được lồng ghép vào những hoạt động sư phạm với nhiều hình thức khác nhau để học sinh thẩm thấu dần những bài học và cách thức tự bảo vệ mình. Những văn phòng tư vấn học đường hay các đường dây nóng, thậm chí là số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm, cán bộ Đoàn, Đội chính là kênh tư vấn, giải đáp thông tin và hỗ trợ học sinh khi cần thiết.

Tổ chức những hoạt động trải nghiệm cũng là một hình thức của công tác xã hội trong trường học

Tổ chức những hoạt động trải nghiệm cũng là một hình thức của công tác xã hội trong trường học

LÊ TẤN THỜI

Các bậc phụ huynh học sinh cũng không đứng ngoài cuộc với công tác xã hội trong nhà trường khi trực tiếp tham gia những hoạt động trải nghiệm cùng con em mình. Đó là tham gia những diễn đàn, các buổi trò chuyện cùng thầy cô để tạo mối liên hệ mật thiết với nhà trường và quan trọng hơn hết là hiểu con em mình thêm để chung tay cùng giáo viên trong việc giáo dục học sinh. Những nguồn tài trợ đúng đối tượng để giúp các em phát triển năng lực và phẩm chất cá nhân chính là minh chứng đích thực trong công tác xã hội tại đơn vị.

Tuy nhiên, có nhiều vấn đề phức tạp mà học sinh, tùy theo từng lứa tuổi phải đối mặt và chịu ảnh hưởng đến môi trường cũng như việc học tập. Kết quả không được như kỳ vọng, áp lực thi cử, khối lượng kiến thức quá nặng và cạnh tranh trong học tập là những khó khăn mà học sinh phải đối mặt.

Lứa tuổi học sinh đang trong giai đoạn phát triển về tâm sinh lý nên việc thích ứng với những mối quan hệ xung quanh cũng rất quan trọng và khó khăn trong mối quan hệ với giáo viên cũng là một vấn đề với học sinh.

Không ít học sinh cho rằng, các em không được giáo viên quan tâm, động viên hay khích lệ. Thậm chí, có em còn cho rằng thầy cô gây khó dễ, gây áp lực, phân biệt đối xử... Ở góc độ gia đình, sự khác biệt về nhận thức, quan niệm, suy nghĩ và cách sinh hoạt giữa cha mẹ và con cái đôi khi tạo thành những khoảng cách dẫn đến xung đột.

Gia đình gặp khó khăn về kinh tế, cha mẹ ly hôn hay bạo lực gia đình... là một số nguyên nhân dẫn đến những sự xung đột này. Xã hội càng phát triển, thì học sinh càng gặp nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý. Việc lạm dụng mạng xã hội làm cho các em không có thời gian tâm sự hay chia sẻ cảm xúc với những người thân khi gặp những vấn đề về tâm sinh lý là một yếu tố không thể bỏ qua trong việc hình thành nhân cách của chính mình. Bên cạnh đó, một số em còn lo lắng hay thiếu tự tin về ngoại hình của mình với bạn bè xung quanh khi nhu cầu về cái đẹp được các em hiểu đơn giản chỉ là hình dáng bên ngoài.

Trong thời gian sắp tới, ngoài việc tuân thủ theo những hướng dẫn của cơ quan cấp trên, thiết nghĩ các cơ sở giáo dục cần nên nâng chất hoạt động công tác xã hội ở trường học thông qua những định hướng, kế hoạch để phù hợp với sự phát triển của cuộc sống trong thời đại công nghệ số. Những giáo viên tham gia công tác này phải chủ động hơn trong việc nâng cao trình độ kiến thức và kỹ năng liên quan đến công tác xã hội và tư vấn tâm lý để hỗ trợ học sinh tốt hơn.

Các hoạt động trải nghiệm cần được tổ chức sáng tạo với không gian bên ngoài nhà trường để học sinh có thêm kinh nghiệm, từ đó rút ra được những bài học cho riêng mình. Tổ tư vấn công tác xã hội ở nhà trường cần phối hợp chặt chẽ giữa các nguồn lực bên trong và bên ngoài nhằm phát huy các thế mạnh nội lực về công tác này. Những buổi trò chuyện với những người có tầm ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực sẽ cung cấp cho học sinh nhiều thông tin bổ ích, bên cạnh việc tiếp nhận kiến thức từ sách vở.

Hoạt động công tác xã hội trong trường học và tư vấn tâm lý phải song hành cùng nhau, không những giúp đỡ học sinh mà còn hỗ trợ các thầy cô giảm căng thẳng trong công việc, thúc đẩy công tác phối hợp với phụ huynh học sinh để hiểu hơn về những yếu tố văn hoá và cộng đồng. Từ đó, công tác giáo dục sẽ hiệu quả và quan trọng hơn nữa là cùng chung tay để hoạt động công tác xã hội trong trường học đúng thực chất, đi vào chiều sâu là lan tỏa tính tính cực vào cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.