CỐNG MỚI… TỆ HƠN CỐNG CŨ
Năm 2016, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án sửa chữa, nâng cấp kênh tiêu ở xã Nghĩa Khánh, H.Nghĩa Đàn với kinh phí gần 17 tỉ đồng. Dự án với 2 hạng mục gồm nạo vét hơn 3,4 km kênh tiêu và xây dựng lại cống ngăn và thoát lũ, do Ban quản lý (BQL) Dự án đầu tư xây dựng H.Nghĩa Đàn làm chủ đầu tư. Mục tiêu dự án nhằm đảm bảo tiêu úng và bảo vệ hơn 700 ha đất canh tác của xã Nghĩa Khánh, trong đó cống tiêu thoát lũ có 3 cửa (được gọi là cống 3 cửa) được thiết kế đóng mở tự động nhằm tiêu thoát lũ, ngăn lũ từ sông Hiếu tràn vào đồng ruộng.

Cống 3 cửa sau khi nâng cấp không thể tự đóng mở để thoát và ngăn lũ
ẢNH: K.HOAN
Người dân địa phương cho biết cống cũ được xây dựng từ năm 1966. Thời điểm đó, nhà nước đầu tư xây đoạn đê dài 1,5 km cùng cống 3 cửa ngăn nước lũ từ sông Hiếu tràn vào và tự thoát lũ khi nước sông xuống thấp để bảo vệ, giảm tối đa tình trạng ngập úng cho đất canh tác. Sau hàng chục năm sử dụng, cống và đê xuống cấp nên giảm khả năng ngăn, thoát lũ. Tuy nhiên, sau khi dự án nâng cấp cống và đê được thực hiện và đưa vào vận hành cách đây hơn 3 năm, cống 3 cửa này lại không tự đóng mở được, khiến đồng ruộng bị ngập mỗi khi có lũ.
Ông Nguyễn Văn Phượng, xóm trưởng xóm Đồng Đại (xã Nghĩa Khánh), cho biết theo thiết kế, cống 3 cửa tự đóng mở dựa vào áp lực nước chảy. Khi mưa lớn kéo dài, nước trên đồng ruộng bị ngập sẽ theo kênh chảy qua cống 3 cửa đổ ra sông Hiếu. Khi nước sông dâng cao chảy ngược vào đồng thì cống sẽ tự đóng lại, ngăn lũ tràn vào ruộng. Nước sông Hiếu rút, cống lại tự mở để nước lũ thoát đi. Cống 3 cửa cũ được thiết kế nhỏ hơn, đơn giản hơn nhưng hàng chục năm qua vẫn có thể tự đóng mở.
Sau khi cống được nâng cấp, cửa cống rộng hơn, thân đê được bê tông hóa, nhưng do thiết kế các tấm sắt đóng mở quá nặng nên áp lực nước không tự đẩy được. "Khi mưa lớn kéo dài, nước trên đồng dâng cao, chúng tôi phải huy động dân ra cạy miệng cống và chèn gỗ, đá vào cho cống hở để nước chảy ra sông Hiếu. Xóm cũng phải cử người canh ở cống để khi nước sông Hiếu lên cao, chảy ngược vào đồng thì lại huy động người ra chặn miệng cống, rất vất vả, nhất là khi nước tràn vào ban đêm", ông Phượng nói.
Theo ông Phượng, hơn 700 ha đất canh tác của xã Nghĩa Khánh là vùng trũng nên hễ mưa lớn kéo dài là ngập. Mấy năm gần đây, sau khi cống được nâng cấp nhưng không thể tự đóng mở nên cứ mưa lớn là xảy ra ngập. Nước ngập kéo dài vào thời điểm lúa trổ khiến năng suất giảm mạnh, gây thiệt hại lớn cho người dân. "Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, tỉnh, đề nghị kiểm tra và làm lại cửa cống cho phù hợp để cống tự động đóng mở được nhưng vẫn chưa có kết quả", ông Phượng cho hay.
TỈNH YÊU CẦU HUYỆN ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, phản ánh của người dân về cống thoát và ngăn lũ này là có cơ sở. Ngoài ra, thân đê phía trên miệng cống có biểu hiện xuống cấp, xuất hiện vết nứt nẻ.
Mặt khác, dự án nạo vét kênh tiêu và nâng cấp cống 3 cửa đã hoàn thiện, vận hành từ hơn 3 năm qua, nhưng đến nay chưa được nghiệm thu, quyết toán. Ông Phạm Ngọc Lưu, Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng H.Nghĩa Đàn, cho biết nguyên nhân do cơ quan công an đang giữ hồ sơ để điều tra, xác minh dự án nên chưa quyết toán được. Sau khi thi công xong, chủ dự án đã tạm bàn giao công trình cho xã Nghĩa Khánh quản lý. "Để quyết toán được thì phải được Sở NN-MT nghiệm thu, sau đó chính thức bàn giao để vận hành sử dụng. Sau khi bàn giao, chúng tôi sẽ kiểm tra và cho sửa chữa miệng cống để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật vận hành", ông Lưu nói.
Mới đây, trả lời kiến nghị của người dân về công trình này, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu UBND H.Nghĩa Đàn kiểm tra, đề xuất phương án xử lý và báo cáo UBND tỉnh.
Bình luận (0)