Thông tin được ông Nguyễn Hồng Sâm, Tổng giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (TTĐT), chia sẻ tại "Hội nghị kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng với cổng TTĐT các bộ, ngành, địa phương năm 2024" sáng 14.11.
Hiện, Cổng TTĐT Chính phủ nằm trong top 10 các website tiếng Việt có nhiều người truy cập. Trên nền tảng web, Cổng TTĐT Chính phủ đang vận hành gần 40 chuyên trang và sản xuất nội dung với 3 ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung.
Thiết lập hệ sinh thái truyền tải thông tin chính thống
"Chúng tôi tổ chức truyền thông những nội dung có ảnh hưởng tới đời sống người dân, cập nhật những thông tin, dữ liệu chính thống một cách nhanh nhất, chính xác nhất, liên tục 24/7, kể cả ngày nghỉ, lễ, tết", ông Sâm cho hay.
Đáng chú ý, bên cạnh nền tảng web, Cổng TTĐT Chính phủ còn chủ động "phủ sóng" thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter, Zalo…
Lượng người truy cập vào Cổng TTĐT Chính phủ nằm trong top 10 các website bằng tiếng Việt có nhiều người truy cập.
Riêng fanpage Facebook "Thông tin Chính phủ" đang có hơn 5,4 triệu người theo dõi thường xuyên, số lượng người truy cập hằng ngày từ 15 - 20 triệu lượt, có ngày cao điểm lên đến 30 triệu lượt.
Kênh YouTube Thông tin Chính phủ có gần 300.000 người theo dõi với gần 7 triệu view hằng tháng, nhiều video đạt trên 1 triệu lượt xem/video.
Các trang thông tin trên Zalo có hơn 10 triệu tài khoản theo dõi, trung bình hằng tháng có 2,3 triệu lượt người tiếp cận thông tin...
Ông Sâm cho hay, hiện có 4 bộ, cơ quan ngang bộ, 1 cơ quan thuộc Chính phủ và 31 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã xây dựng cổng dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã cung cấp thông tin trên các nền tảng Facebook, YouTube và Zalo.
Tuy nhiên, việc quản lý, vận hành cổng TTĐT các bộ, ngành, địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân bởi hầu hết các cổng TTĐT hoàn thành trước khi Nghị định 42/2022/NĐ-CP ban hành nên chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí.
Cạnh đó, cũng chưa có cơ chế, hướng dẫn về chi kinh phí thù lao, nhuận bút cũng như khó khăn về nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin cũ, lạc hậu…
Nhấn mạnh vai trò kết nối giữa các cổng TTĐT, theo ông Sâm, Cổng TTĐT Chính phủ và cổng TTĐT bộ, ngành, địa phương cần thiết lập hệ sinh thái lớn mạnh để truyền tải thông tin chính thống về chỉ đạo, điều hành, các chính sách quan trọng, thiết thực đến người dân, doanh nghiệp.
Nhận diện các mối đe dọa chính
TS Nguyễn Viết Phan, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và giám sát an ninh mạng (Ban Cơ yếu Chính phủ), cho biết đang có một số mối đe dọa chính đối với các cổng TTĐT.
Theo ông, những mối đe dọa này không chỉ làm gián đoạn hoạt động của các hệ thống thông tin mà còn có thể dẫn đến tổn thất dữ liệu quan trọng, gây mất niềm tin của người dân vào hệ thống quản lý của Nhà nước.
Trong đó, đe dọa lớn nhất là mã độc (malware). Mã độc có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như Ransomware, Trojan, Worms, Spyware và Adware… Ngoài ra, các lỗ hổng bảo mật là một trong những mục tiêu chủ yếu của tin tặc. Những lỗ hổng này nếu không được vá kịp thời, hệ thống công nghệ thông tin sẽ dễ dàng bị tấn công, khai thác.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Bùi Hoàng Phương cho rằng, các cổng TTĐT, trang TTĐT là "cầu nối" quan trọng giữa chính quyền và người dân trong thời đại số.
Bộ TT-TT đã có Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC). Theo ông Phương, các cổng TTĐT cần khẩn trương thực hiện kết nối với hệ thống này và khai thác số liệu giám sát từ hệ thống, phục vụ cho chính nhu cầu quản lý của mình.
Hàng năm, Bộ TT-TT cũng sẽ thực hiện đánh giá định kỳ về chất lượng và hoạt động của các cổng TTĐT của cơ quan nhà nước trên toàn quốc. "Các cơ quan nên học tập Cổng TTĐT Chính phủ từ hình thức truyền thông, đa dạng cách thức thông tin như mạng xã hội, inforgraphic", Thứ trưởng Phương thông tin.
Bình luận (0)