Công - Thương phục hồi sau đại dịch Covid-19
Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Long An, sau 2,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), sản xuất công nghiệp (CN) đạt tốc độ tăng trưởng bình quân gần 4%/năm. Trong đó, CN chế biến luôn chiếm tỉ trọng trên 90%. Quy mô ngành CN không ngừng tăng lên, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước triển khai dự án tại tỉnh và phát triển nhiều ngành nghề mới như điện, điện tử, cơ khí, sản xuất điện năng lượng mặt trời, CN chế biến nông sản. Tỷ lệ số hộ có điện là 99,97%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân khoảng 10%/năm. Hiện, toàn tỉnh có 125 chợ, trong đó có 107 chợ nông thôn; 7 siêu thị; Trung tâm thương mại Vincom Plaza; 282 cửa hàng tiện ích; 474 cửa hàng kinh doanh xăng dầu; 2 dự án logistics; 18 thương nhân kinh doanh mua bán LPG…
Công tác phát triển thị trường được quan tâm thực hiện, nhất là kết nối với các doanh nghiệp (DN) ở TP.HCM để tiêu thụ, bao tiêu nông sản của tỉnh như lúa gạo, thanh long, rau các loại, heo, gia cầm, trứng gia cầm và xuất khẩu; Thực hiện Chương trình hợp tác thương mại, bình ổn thị trường giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và TP.HCM. Tổ chức hội nghị kết nối giao thương, trao đổi tìm hiểu thị trường tiêu thụ hàng hóa giữa DN tỉnh Long An với phía DN Hàn Quốc, Gabon, Australia, NewZealand cùng các nước Đông và Tây Âu. Phối hợp Bộ Công thương tiếp đoàn DN các nước Nam Mỹ đến tìm hiểu chuối Fohla của tỉnh. Triển khai phiếu khảo sát về hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.
Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2022 tăng bình quân 4,89%/năm; 6 tháng đầu năm 2023 giảm 9,15%; Nhập khẩu giai đoạn 2021 - 2022 tăng bình quân 5,8%/năm; 6 tháng đầu năm 2023 giảm 21,8%.
Nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2025
Theo ông Huỳnh Văn Quang Hùng, Giám đốc Sở Công thương Long An, tỉnh được Thủ tướng phê duyệt 28 cụm công nghiệp, 10 trung tâm kho vận và dịch vụ logistics. Từ nay đến năm 2025, Sở Công thương sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành CN; tập trung phát triển các ngành CN hỗ trợ, chế biến, năng lượng. Tiếp tục thực hiện chương trình phát triển CN hỗ trợ giai đoạn 2018 - 2025. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, sớm đưa thêm cụm CN đi vào hoạt động.
Tiếp tục mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ giao nhận, logistics, tạo động lực phát triển các loại hình thương mại văn minh, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa. Đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới. Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tăng cường cầu nối, giới thiệu, liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ, nhất là liên kết hợp tác với các tỉnh, TP.HCM để thúc đẩy tiêu thụ nông sản; chú trọng phát triển chuỗi cung ứng nông sản sạch, an toàn vào kênh phân phối hiện đại của TP.HCM.
Song song đó, tỉnh tập trung hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử nhằm quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường, phát triển giao dịch thương mại điện tử trên các sàn thương mại điện tử uy tín. Hỗ trợ DN tiếp cận thực hiện chuyển đổi số, tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển kinh tế biên giới gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; Nghiên cứu tập quán buôn bán của các thị trường, nội dung của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết như CPTPP, EVFTA, RCEP... để DN tận dụng tốt nhất lợi thế ưu đãi về thuế quan, nâng cao khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường.
Bình luận (0)