Cỏ dại mọc đầy
Dự án nói trên được UBND tỉnh Kon Tum giao cho Trung tâm giống nông lâm nghiệp và thủy sản (Sở NN-PTNT Kon Tum) làm chủ đầu tư, hoàn thành vào cuối năm 2011. Với tổng mức đầu tư hơn 17,4 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp cá giống cho toàn bộ vùng Tây nguyên. Dự án rộng hơn 20 ha, gồm 45 ao, hồ nuôi cá lớn nhỏ khác nhau, trong đó hồ lớn nhất rộng hơn 4.000 m2, các hồ nhỏ từ 600 - 800 m2/hồ.
Trạm giống có năng lực cung cấp khoảng 1 triệu con cá giống/năm. Ngoài ra, một phần diện tích trong dự án để trồng lúa giống cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong, vì không có nguồn nước phục vụ sản xuất nên công trình bị bỏ hoang từ đó đến nay.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nhiều dãy nhà bị bỏ hoang nên cây cỏ che kín lối đi. Bên trong nhiều căn nhà đã xuất hiện tình trạng xuống cấp nặng nề, lớp trần bằng gỗ bị hoai mục, gãy đổ. Ngoài ra, trong khu vực ấp cá giống, những bể chứa trơ đáy, mạng nhện bám đầy trên các thiết bị, máy móc. Những máy móc phục vụ việc nhân giống thủy sản đã bị hoen gỉ. Phía bên ngoài, 45 hồ chứa phục vụ việc chăn nuôi cá giống cạn trơ đáy, lòng hồ trở thành nơi phát triển của cỏ dại.
“Huề” cả làng ?
Ông Phạm Tài Nam, nhân viên bảo vệ tại dự án Trung tâm giống thủy sản nước ngọt tỉnh Kon Tum, cho biết mặc dù đã hoàn thành từ lâu, nhưng dự án không thể phát huy hiệu quả vì thiếu nguồn nước. Khi xây dựng dự án, người ta tính toán sẽ lấy nước từ đập Cà Sâm, nhưng kênh dẫn nước từ đập này trước khi về đến dự án đã bị hàng loạt "trạm" tự phát dẫn nước vào ruộng lúa của người dân. Một số ít nước còn lại khi về đến hồ đều bị thẩm thấu hết vào lòng đất. Còn nếu lấy nước từ ruộng lúa, với tình trạng phun, bón thuốc bảo vệ thực vật như đang diễn ra, thì nguồn nước này không thể dùng nuôi cá được.
Trước việc trung tâm bị bỏ hoang, không phát huy được hiệu quả trong nhiều năm gây lãng phí, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành văn bản thu hồi dự án và giao về cho UBND H.Đăk Hà quản lý. Theo ông Nguyễn Văn An, Chánh văn phòng UBND H.Đăk Hà, trước đây trung tâm do Sở NN-PTNT quản lý nên có nhiều vấn đề huyện vẫn chưa nắm được. Huyện đang giao cho Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tiếp nhận, quản lý.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hà Tiến, Chủ tịch UBND H.Đăk Hà, cho biết: “Sự việc đã xảy ra từ lâu, qua nhiều đời lãnh đạo, nhiều người cũng đã nghỉ hưu. Tỉnh cũng mới chỉ đạo giao trung tâm này cho huyện quản lý”.
“Hiện địa phương đang quy hoạch trung tâm này làm khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chỉ sau 2 ngày UBND tỉnh giao đất cho huyện, đã có một doanh nghiệp liên hệ để thuê đất làm nông nghiệp công nghệ cao với ý tưởng đầu tư 200 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư hạ tầng, làm lại các ao để nuôi thủy sản. Riêng các diện tích trồng lúa sẽ tiếp tục làm theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gắn với phát triển du lịch nông nghiệp”, ông Tiến nói.
Liên quan đến trách nhiệm trong việc bỏ hoang dự án hơn 17 tỉ đồng, ngày 30.8, ông Nguyễn Tấn Liêm, quyền Giám đốc Sở NN-PTNT Kon Tum, cho hay cá nhân ông mới nhận nhận nhiệm vụ từ năm 2019 nên không nắm rõ. “Sự việc đã diễn ra từ lâu, qua nhiều thời kỳ, nhiều lãnh đạo”, ông Liêm nói thêm.
Bình luận (0)