Năm 2009, công trình thủy lợi Đăk Rơ Ngát, xã Tân Cảnh, H.Đăk Tô (Kon Tum) được đầu tư 128 tỉ đồng xây dựng. Từ đó đến nay, công trình này xây dựng dở dang rồi đắp chiếu, lãng phí tiền của nhà nước.
Hệ thống kênh mương công trình thủy lợi Đăk Rơ Ngát bị bồi lấp, cỏ mọc đầy - Ảnh: Hoàng Ngọc
|
Theo Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh, ông A Chiến, đến nay công trình này chỉ mới hoàn thành đập đầu mối, hệ thống kênh dẫn nước bằng đất rồi dừng lại, không thấy thi công nữa.
Cũng theo ông A Chiến, địa phương rất mong đợi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng để tưới tiêu cho hàng chục ha diện tích lúa nước và các loại cây công nghiệp trong vùng. Thế nhưng đợi mãi, công trình vẫn không thi công, nhiều diện tích sản xuất của địa phương người dân phải chuyển sang trồng cây ngắn hạn, hoặc trồng mì.
"Chính quyền xã và cử tri đã phản ảnh lên cấp trên nhiều lần qua văn bản và tiếp xúc cử tri về sự chậm trễ của công trình thủy lợi này", ông A Chiến giãi bày.
Mục sở thị công trình nước này, chúng tôi thấy hệ thống kênh mương bằng đất thì đã bị bồi lấp khá nhiều, thậm chí cả hệ thống kênh mương bê tông hóa cũng được phủ xanh cỏ và đất đá đã bồi lấp gần kín lòng kênh. Nhiều nơi ở hai bên đường kênh, hàng chục ha người dân lẽ ra trồng lúa và cây công nghiệp, nhưng thiếu nước tưới nên phải trồng mì.
Theo Ban quản lý Dự án các công trình thủy lợi (Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum), công trình thủy lợi Đăk Rơ Ngát được bắt đầu thi công từ năm 2009 với tổng nguồn vốn được phê duyệt ban đầu là 190 tỉ đồng, nhưng sau đó cắt giảm vốn xuống còn trên 128 tỉ đồng, xây dựng các hạng mục gồm: đập đầu mối dung tích 6 triệu khối nước; hệ thống kênh chính và kênh nhánh gần 10 km, dự kiến tưới khoảng 500 ha cây công nghiệp và 300 ha lúa nước.
Theo ông Trần Ngọc Tuấn - Trưởng ban quản lý Dự án các công trình thủy lợi, năm 2009 thi công xong đập đầu mối thì bị bão số 9 làm hư hỏng, đến năm 2010 mới khắc phục được.
Vào năm 2011 bắt đầu thi công tiếp các hạng mục khác lại thì bị cắt giảm vốn 60 tỉ đồng, không đầu tư xây dựng bê tông kiên cố 3 km kênh mương chính, phải dừng thi công.
Bởi vậy ông Tuấn cho rằng, nguyên nhân công trình chậm trễ là do thiếu vốn và chậm trễ trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Cũng theo ông này, nếu mở nước thời điểm này thì nguy cơ vỡ và sạt lở hệ thống mương, vì mương thi công bằng đất nên không đảm bảo. Vì thế, việc đầu tư làm bê tông kiên cố hệ thống kênh mương chính của công trình là điều cần thiết.
"Tỉnh Kon Tum đã cho chủ trương bố trí nguồn vốn hoàn thiện công trình giai đoạn 2016-2020. Khi đó sẽ hoàn thiện hệ thống kênh chính bằng bê tông thì lúc đó mới dám xả nước", ông Tuấn cho hay.
Điều này đồng nghĩa với việc: khi chưa có vốn thì người dân xã Tân Cảnh cứ chờ… nước.
Bình luận (0)