Giao thông là lĩnh vực đội vốn đầu tư nhiều nhất - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Đó là ý kiến của các ĐBQH khi thảo luận tại hội trường về việc thi hành luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012.
Thất thoát nhiều nhưng chưa xử lý ai
|
Là một trong những người bấm nút đầu tiên, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên), nói: “Có lẽ không ai không cảm thấy xót xa khi con số thất thoát luôn là đơn vị nhiều tỉ đồng, mà thực chất đây cũng là tiền thuế của dân. Tôi có một đề nghị, chúng ta nên có lời xin lỗi đối với dân về tất cả những thất thoát, lãng phí trong sử dụng nguồn TPCP trong giai đoạn vừa qua”.
ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) cũng điểm lại một loạt sai phạm, thất thoát theo báo cáo giám sát, nhưng lại không xử lý được ai. Bà Dung kiến nghị, những nội dung vi phạm đã nêu trong báo cáo thì QH cần giao Chính phủ chỉ đạo thanh tra làm rõ trách nhiệm tại một số dự án, có hình thức xử lý nghiêm khắc và báo cáo kết quả khắc phục tại kỳ họp tới.
ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế) cũng cho rằng, việc không chỉ ra đơn vị, cá nhân nào vi phạm sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề chống lãng phí. Vì vậy, cần phải có một cuộc thanh, kiểm tra để chỉ rõ ai làm sai, chỉ rõ “để ông bộ trưởng, chủ tịch tỉnh này dù có về hưu rồi thì cũng để cho ông bộ trưởng khác nhìn vào rút kinh nghiệm”.
ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng QH là cơ quan quyền lực cao nhất, cơ quan giám sát cao nhất nhưng chỉ quyết định chủ trương chung chung, khiến các bộ, địa phương tranh thủ nảy sinh dự án. Đáng ngại hơn, khi thực hiện, lại được dung túng bằng chủ trương cho tăng mức đầu tư, hệ quả là việc phân bổ vốn bị lợi ích nhóm chi phối, là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực phát sinh và thuật ngữ “chạy dự án” đã đi vào các văn kiện chính thức.
“Tôi không tin, dân cũng không tin”
|
Nhiều ĐB cũng chưa đồng tình với báo cáo giám sát của QH. ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nêu những công trình xây dựng đạt 1/2, 1/3 hay 2/3 tiến độ dự án bị cắt, hoãn kéo dài, phơi mưa, phơi nắng; có những bệnh viện huyện xây xong hàng trăm tỉ đồng không có vốn đầu tư trang thiết bị, không thể đi vào hoạt động được, trong khi nhân dân vẫn mong đợi. “Các trường hợp này có phải chăng là một sự lãng phí vô tội vạ. Tôi muốn biết nguyên nhân của sự chồng chéo, sai trái này là gì? Có phải chăng do năng lực cán bộ, do dễ dãi thiếu trách nhiệm hay do lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm”, ĐB Khá đề nghị.
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) lo ngại: Nhiều năm qua ai cũng biết dư luận hễ có công trình xây dựng cơ bản thì phải chi bao nhiêu %, có người nói 10%, có người bảo 30%, thậm chí chưa có đồng nào, doanh nghiệp đã phải rải tiền các cửa. “Chúng ta vẫn kêu về tội bôi trơn, nhưng qua giám sát cho thấy tham nhũng trong xây dựng cơ bản từ nguồn vốn TPCP dường như không có, có tin được không?
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) khách quan đánh giá, nguồn vốn TPCP đã giải quyết được các vấn đề bức xúc của xã hội, thông qua một ví dụ sinh động: Hàng trăm ha đất ở vùng hoang mạc Ninh Thuận, Phú Yên vốn chỉ có thể cho thuê đóng phim, nhưng người dân nay đã sinh sống được. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng bất cập nhất nằm ở cơ chế xin - cho, mà nguyên nhân do thiếu tiêu chí khách quan, nên đầu tư chủ yếu từ quyết định chủ quan của nhà quản lý, dẫn đến tùy tiện.
Dù phê phán, bức xúc với tình trạng lãng phí, nhưng trước bối cảnh hàng trăm dự án còn dang dở nếu dừng lại sẽ còn lãng phí hơn gấp bội phần, vì vậy các ĐB cũng đề nghị QH tiếp tục cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để hoàn thành, nhưng phải giám sát thật chặt chẽ, phải chống được lãng phí. Theo ĐB Quyền, hàng trăm công trình dở dang nằm mấy năm rồi mà không hoàn thiện đưa vào sử dụng là có lỗi với nhân dân. ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề nghị phát hành 30.000 - 40.000 tỉ đồng/năm cho giai đoạn 2013 - 2014, còn ĐB Lê Nam nói: “Nếu dừng phát hành bổ sung vốn, thì các bệnh viện đã làm dở dang, nằm đắp chiếu. Quốc lộ 1A bây giờ cần hơn 50.000 tỉ đồng cân đối bằng nguồn nào? Đó là chưa nói hơn 4 triệu ngư dân là trụ cột, chủ quyền trên biển Đông cũng đang rất cần được nguồn vốn hỗ trợ”.
Chưa làm tốt công tác tham mưu Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhìn nhận: “Với tư cách là Bộ tham mưu cho Chính phủ triển khai chương trình vốn TPCP trong ngành giao thông, chúng tôi xin nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, cử tri cả nước để kịp thời có giải pháp khắc phục tồn tại. Tính hết 2011, TMĐT vốn TPCP ngành GTVT là 111.675 tỉ đồng, tăng 44.448 tỉ đồng so với TMĐT ban đầu được giao. Chúng tôi thấy rằng để tăng TMĐT cũng có trách nhiệm của Bộ GTVT, khi chưa làm tốt công tác tham mưu trình Chính phủ kế hoạch, quy hoạch các dự án sử dụng vốn do Bộ phụ trách. Chỉ đạo, phê duyệt dự án chưa cân đối với nguồn vốn TPCP, trong đó, có dự án, công trình chưa thực hiện đúng quy trình còn gây ra lãng phí. Công tác thanh tra chưa thường xuyên, hiệu quả, đặc biệt trong công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực nên chậm phát hiện xử lý, khắc phục kịp thời. Ngoài ra, cũng có nguyên nhân do chuẩn bị đầu tư, chất lượng thẩm định chưa tốt. Anh Vũ (ghi) |
“Mỗi lần chi sai đã băn khoăn suy nghĩ” Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Về kết quả việc thực hiện TPCP trên lĩnh vực kiên cố hóa trường lớp học và nhà cho giáo viên, phần kinh phí dự kiến 24.800 tỉ đồng cho thời gian 2008 - 2012. Nhưng thực tế qua 4 năm thì tổng chi là 30.894 tỉ đồng, trong đó ngân sách T.Ư chi đảm bảo 100% và ngân sách địa phương rất nhiều tỉnh đã cố gắng huy động thêm cho ngân sách địa phương chi kế hoạch đạt 180%. Kết quả đã xây dựng thêm 93.000 phòng học, góp phần cho 3 triệu học sinh, nhất là những vùng khó khăn có được phòng, lớp học mới đảm bảo được việc học tập được tốt hơn. Đã xây dựng được 22.997 phòng ở góp phần cải thiện điều kiện sống cho 88.000 giáo viên ở vùng khó khăn. 2 chỉ số này rất quan trọng và thể hiện tính đúng đắn chương trình của Chính phủ. Vấn đề quan tâm là sai phạm bao nhiêu, chi không đúng bao nhiêu trong quá trình này. Đây là một dự án liên quan đến khoảng 20.000 dự án trường, lớp học, nhà công vụ, chúng tôi rất mừng theo sự chỉ đạo của QH, Thanh tra Chính phủ có một đợt thanh tra suốt năm 2012 về vấn đề kiên cố hóa trường, lớp học. Qua thanh tra trên 10 tỉnh, thành và hàng trăm dự án được xác định, tỷ lệ chi chưa đúng quy định nhà nước của các địa phương mà thẩm tra chiếm gần 1,7%. Theo tôi, mỗi lần chi sai là đã băn khoăn suy nghĩ, tỷ lệ như vậy chứng tỏ Chính phủ, các địa phương chỉ đạo khá chặt chẽ”. |
Anh Vũ
>> “Vẽ” vốn đầu tư dự án không chỉ là lãng phí mà có thể là tham nhũng
>> Xử lý nghiêm với các quyết định gây lãng phí
>> Chỉ thị của Ban Bí thư về tiết kiệm, chống lãng phí
Bình luận (0)