Bệnh viện Thể thao VN (VHS) đang bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng sau khi đưa vào sử dụng không lâu.
Chất lượng công trình quá kém
VHS nằm sau lưng Sân vận động Mỹ Đình là một trong những công trình trọng điểm quốc gia phục vụ SEA Games 22 có tổng mức đầu tư trên 52 tỉ đồng. Tuy nhiên, dù được khởi công từ năm 2001 nhưng VHS không kịp hoàn thành để phục vụ SEA Games vào năm 2003 mà mãi đến năm 2007 mới được đưa vào sử dụng.
Sau 6 năm, bệnh viện từng được coi là hiện đại nhất Đông Nam Á về y học thể thao đã xuống cấp thảm hại. Quan sát từ bên ngoài dễ dàng nhận thấy phần sân nền bao quanh bệnh viện đã lún sụt, lồi lõm, trong đó hệ thống thoát nước với nhiều khối bê tông bị sụp xuống, vặn vẹo. Một bảo vệ tại đây cho hay, do bị lún nên hệ thống thoát nước không hoạt động được, nhiều khi nước thải bị tắc chảy tràn ra sân.
|
Bên trong bệnh viện, ngay từ khu vực sảnh là nhiều phòng ốc, gạch lát sàn bị sụp xuống, bong tróc, chỗ thì được vá víu tạm bợ nhưng có chỗ được “giữ nguyên hiện trường” trông rất phản cảm. Hiện tượng thấm dột xảy ra tại nhiều khu vực trong bệnh viện, hầu như ở tầng nào cũng bị thấm, kể cả khu vực chống nhiễm khuẩn.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, không phải bây giờ mới xảy ra tình trạng xuống cấp mà ngay thời điểm VHS đưa vào sử dụng đã có hàng loạt tình huống dở khóc dở cười vì chất lượng công trình. Vào tháng 8.2009, nhiều bác sĩ và y tá VHS hú vía khi phát hiện 2 mảng thạch cao bị bong ra khỏi khung đỡ và rơi từ trần xuống nền nhà phòng hậu phẫu nát vụn. Đây được coi là may mắn cho VHS bởi sự việc xảy ra vào ban đêm và tại phòng hậu phẫu lúc đó không có bệnh nhân. Nguyên nhân sau đó được xác định, do bị ngấm nước mưa nên thạch cao bị mủn, gẫy.
Đáng chú ý, từ nhiều năm trước VHS đã đưa vào sử dụng máy cộng hưởng từ, trị giá khoảng 7 tỉ đồng nhưng thiết bị này liên tục bị “đắp chiếu” bởi nền nhà bị lún, máy không hoạt động được hoặc có hoạt động nhưng không chính xác.
|
Quyết toán rồi vẫn hư
Trao đổi với Thanh Niên, bác sĩ Nguyễn Văn Quang, Giám đốc VHS cho biết, cũng do chất lượng công trình nên năm 2011, Viện Khoa học thể dục thể thao (Bộ Văn hóa - Thể thao -Du lịch), chủ đầu tư và bên thi công là Công ty Vinaconex 15 mới quyết toán xong. Điều éo le là kể từ khi quyết toán xong với đơn vị thi công mọi hư hỏng, xuống cấp VHS phải tự lo, không được “bắt đền” như trước đây nữa. Và đây cũng là một khó khăn lớn đối với bệnh viện khi nguồn thu còn hạn chế.
Đối với hiện tượng lún nứt, VHS chọn cách “sống chung với lũ”, tại khu vực đặt máy cộng hưởng từ, hiện đã bị lún xuống 20-30 cm so với nền. “Nói thật thì bạn có thể không tin, nhưng nếu dỡ để làm lại nền rồi đưa vào, một là có thể không dùng được vứt đi luôn, hai là tốn tiền bằng mua máy mới. Hiện giờ tụt đến đâu thì chúng tôi kê lên đến đấy cho... cân”, ông Quang nói.
Nỗi lo thường xuyên của VHS hiện nay theo bác sĩ Quang là phải tìm kiếm kinh phí để chống xuống cấp bệnh viện với nhiều hạng mục như sửa chữa lại toàn bộ hệ thống nhà vệ sinh, hệ thống thoát nước thải: “Để làm những thứ này sẽ mất nhiều tiền trong khi bệnh viện thì không có, xin nhà nước phải chờ lâu, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chuyên môn”, bác sĩ Nguyễn Văn Quang cho biết.
Cũng theo quan sát của phóng viên Thanh Niên, trong khi các bệnh viện tại Hà Nội cũng như trong cả nước đang phải đối mặt với tình trạng quá tải, 2-3 người chung một giường bệnh thì tại VHS đang có “xu thế” ngược lại. Năm 2006, VHS được công nhận bệnh viện đa khoa hạng II (tương đương bệnh viện cấp tỉnh), ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ công chức ngành thể thao, còn có chức năng phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân. Với quy mô trên 100 giường bệnh nhưng bệnh nhân đến đây khám chữa bệnh khá thưa thớt. Thống kê của VHS chi biết, mỗi ngày VHS có khoảng 100 bệnh nhân đến khám và điều trị, cách đây vài năm chỉ có 40-50 người đến khám mỗi ngày.
An Giang xin tổ chức vài môn ASIAD Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Lên - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh An Giang. Ông Lên cho biết: “Tỉnh An Giang sẽ làm mới các công trình xây dựng để phục vụ đại hội thể thao toàn quốc mà Bộ VH-TT-DL đã đồng ý cho tỉnh đăng cai, không có phục vụ ASIAD năm 2019. Tuy nhiên địa phương chỉ tranh thủ xin Bộ cho phép tổ chức một vài môn ASIAD thi đấu tại địa phương như canoeing kayak, rowing...”. Ông Phạm Thế Triều, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh cũng nêu chủ trương: “Các công trình thể thao của An Giang nếu đến thời điểm năm 2018 đủ tiêu chuẩn hiện đại, đăng cai tốt Đại hội thể thao toàn quốc, và nếu Bộ VH-TT-DL, BTC ASIAD đồng ý, chúng tôi sẽ xin “chia lửa” với Hà Nội và vài địa phương trong việc tổ chức. Ví dụ một vài trận bóng đá cùng với TP.HCM hay vài môn võ ở nhà thi đấu khang trang...”. Đây là điều khá lạ lùng vì khi đăng cai ASIAD theo quy định chỉ tập trung vào một thành phố được chọn và nếu có chỉ thêm các vệ tinh xung quanh, có điều kiện thuận lợi về di chuyển. Trong khi An Giang ở cách xa Hà Nội gần 2.000 km, nếu xin tổ chức vài môn rõ ràng sẽ gây khó cho các đoàn tham dự. Được biết, tổng kinh phí dự toán cho các công trình xây mới của An Giang là 3.452 tỉ đồng, trong đó vốn T.Ư hỗ trợ 1.690 tỉ đồng, vốn địa phương 1.710 tỉ đồng, còn lại vốn xã hội hóa 25 tỉ đồng... (Thanh Dũng - T.K) |
Thái Sơn
>> Công trình thể thao biến thái
>> Công trình thể thao biến thái - Hoang tàn nhà thi đấu
>> Công trình thể thao biến thái: Xuống cấp trầm trọng
Bình luận (0)