Phóng viên Thanh Niên đã mục sở thị nhiều công trình thể thao cũng như trang thiết bị tập luyện lâm vào tình trạng hư hại nặng, sai công năng...
Nhà thi đấu thành bãi giữ xe
Với “tiền thân” là Nhà hát Nhân dân, Nhà thi đấu (NTĐ) quận Hà Đông (P.Quang Trung, Q.Hà Đông, Hà Nội) được nâng cấp để phục vụ SEA Games 22 và nay đang “chấn thương” nghiêm trọng.
|
Mặt trước NTĐ có 2 vết nứt lớn, xé dọc tòa nhà và kéo dài hàng chục mét, nứt thông sang cả mặt sau. Nhiều cột trụ lớn cũng trong tình trạng tương tự, các vết nứt chằng chịt, dọc ngang quanh các bức tường; nhiều đoạn nứt toang hoác, tạo thành các rãnh có độ rộng lên đến 3-4 cm kéo dài đến 2-3 m. Ở nhiều vị trí, trần nhà bong tróc, lở vôi vữa với diện tích lớn khoảng 2 m2. Ngay trước sảnh chính ở tầng 1 tòa nhà, nền gạch đã có hiện tượng lún nứt vài cm, chân tường chi chít các vết nứt nhỏ. Hệ thống ổ cắm, phích điện ở hầu khắp các vị trí trơ mối nối, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho các VĐV, CĐV. Cửa kính bao bọc bên ngoài ở nhiều họng nước chữa cháy bị vỡ nhưng không được thay mới.
Chưa hết, hệ thống ánh sáng phục vụ NTĐ cũng xuống cấp, có đèn đã bị vỡ dẫn đến thiếu ánh sáng. Hầu hết nhà vệ sinh đều trong tình trạng bẩn thỉu, hệ thống điện, nước để phục vụ hỏng gần như toàn bộ. Dưới gầm cầu thang lên tầng 2 phía bên trái tòa nhà, nhiều bồn cầu hỏng vứt la liệt, chỏng chơ vì không có người dọn dẹp. Hệ thống ghế ngồi cho khán giả cũng xuống cấp, có chiếc ghế không còn sử dụng được nữa.
|
Nằm trong khuôn viên khu NTĐ, các phòng trưng bày thuộc khu nhà bảo tàng tổng hợp luôn trong tình trạng trống không, cửa khóa im ỉm cả ngày. Ngoài ra, 1 gian phòng ở tầng 1 phía trái khu nhà biến thành nơi ở cho nhiều người rửa xe, nhân viên phục vụ NTĐ... bừa bộn quần áo, đồ đạc sinh hoạt gây mất mỹ quan. Hiện tại, trên tầng 3 tòa nhà có câu lạc bộ (CLB) thể hình hoạt động cả ngày, thu phí theo ngày hoặc theo tháng.
Toàn bộ khu vực sân trước trong khuôn viên NTĐ được trưng dụng thành bãi gửi xe, luôn chật kín ô tô các loại, trông giữ 24/24 với mức phí 500.000 - 600.000 đồng/tháng. Ngay phía ngoài cổng chính NTĐ (ở mặt đường Quang Trung), lúc nào cũng có 3-4 hàng nước mọc lên, lấn chiếm vỉa hè, đường đi. Hiện ở đây cũng thường xuyên tổ chức chương trình ca nhạc của các ca sĩ mới nổi.
Nhếch nhác CLB đua thuyền
Đó là thực tế đang diễn ra tại CLB đua thuyền Hồ Tây (đường Lạc Long Quân, Q.Tây Hồ, Hà Nội). CLB đua thuyền Hồ Tây do Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội quản lý, được xây dựng, đưa vào sử dụng từ ngày 23.7.2003 với diện tích lên đến 4.000 m2, kinh phí xây dựng 6,7 tỉ đồng do UBND TP.Hà Nội đầu tư, cấp phép xây dựng nhằm phục vụ các bộ môn thi đấu liên quan đến đua thuyền ở SEA Games 22. Từ đó đến nay, CLB đua thuyền Hà Nội đã tổ chức 21 giải trẻ thi đấu bộ môn cấp các CLB và toàn quốc.
Toàn bộ CLB có 5 khu nhà gồm hệ thống nhà hiệu bộ, 2 khu nhà để tổ chức các giải thi đấu và sân chứa khoảng 160 giàn thuyền, ca nô các loại... phục vụ VĐV tập luyện hằng ngày. Hiện tại, số thuyền, ca nô và trang thiết bị cơ sở vật chất này đáp ứng đầy đủ điều kiện luyện tập cho khoảng 100 VĐV trong CLB đua thuyền luyện tập hằng ngày có giờ giấc cố định, buổi sáng từ 6 đến 10 giờ, còn buổi chiều từ 14 đến 18 giờ.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng ban Quản lý cơ sở tập luyện và thi đấu Trung tâm thể dục Lạc Long Quân kiêm Trưởng bộ môn đua thuyền Hà Nội, cho biết trung bình hằng năm, CLB đua thuyền Hồ Tây được Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội (hoặc từ nguồn thu khác của CLB) cấp kinh phí 2 tỉ đồng để mua mới, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị... phục vụ điều kiện tập luyện chuyên môn, chất lượng sinh hoạt, ăn ở tốt nhất cho các VĐV. Năm 2010, CLB được UBND TP.Hà Nội và Sở TT-VH-DL TP.Hà Nội “rót” số tiền lớn lên đến 5 tỉ đồng để cải tạo toàn bộ hệ thống các khu nhà, trang thiết bị. “Sau khi cải tạo, vì số lượng VĐV tăng lên nên 2 khu nhà 2 tầng vốn được xây dựng với mục đích tổ chức các giải đấu trước đây nay cải tạo thành phòng cho VĐV ăn, ở, sinh hoạt”, ông Thắng nói.
Dù CLB được đầu tư với kinh phí lớn để cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất hằng năm, nhưng theo ghi nhận của PV Thanh Niên chiều 11.12, trong khuôn viên CLB đua thuyền Hồ Tây có hàng chục chiếc thuyền, ca nô khác đủ loại lớn nhỏ bị hỏng, hoen gỉ, thủng vỡ được xếp thành nhiều chồng, nhiều lượt nằm la liệt khắp nơi. Có chiếc thuyền hỏng, ghế lái bật tung, trở thành nơi để lưới đánh cá của những người dân câu cá trên hồ...
Chưa hết, bước vào ngay đầu lối cổng chính của CLB đã thấy sắt thép, kim loại, bàn ghế hư hỏng, phế liệu, đệm mút rách... chất thành đống, trông vô cùng nhếch nhác. Tại 2 khu nhà ở dành cho VĐV, xe máy, xe đạp dựng chật cứng lối đi, rác thải bừa bộn, quần áo được phơi mắc dọc lối bước lên cầu thang. Tường gạch ở các khu nhà đã hoen ố, nhiều chỗ bong tróc, rêu mọc xanh rì. Hệ thống nhà vệ sinh vô cùng bẩn thỉu, bốc mùi nồng nặc vì không có người dọn dẹp thường xuyên. Trong khuôn viên CLB còn có 1 sân bóng rổ phục vụ VĐV vui chơi thể thao nhưng đã xuống cấp từ lâu, không còn đủ cột rổ để ném bóng...
Sau khi Báo Thanh Niên đăng tải những bài viết về tình trạng xuống cấp của các công trình thể thao, hôm qua 11.12, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã đến kiểm tra NTĐ Hoàng Mai, Gia Lâm... Một quan chức Tổng cục cho biết: "Mục đích chính xây dựng những NTĐ như Hoàng Mai, Gia Lâm, Hà Đông... là để phục vụ phong trào thể thao quần chúng cấp quận, cấp thành phố. Ngoài ra, đây còn là nơi tổ chức các hoạt động chính trị, các hoạt động phong trào văn hóa nghệ thuật, chứ không chỉ dành riêng để tổ chức các giải đấu quốc tế. Do vậy, các NTĐ này, mỗi năm tổ chức một đến hai giải thi đấu quốc tế cũng là điều bình thường. Và vì các giải đấu quốc tế diễn ra nhanh và ít nên công năng chính của NTĐ là để phục vụ thể thao quần chúng. Sau thời gian dài sử dụng, chuyện xuống cấp rất khó tránh khỏi. Ngành thể thao gặp nhiều khó khăn vì kinh phí để đầu tư sửa chữa, bảo dưỡng là rất ít". Theo quan chức này, chính vì những khó khăn trên nên các NTĐ được phép tổ chức thêm các sự kiện để tăng nguồn thu, giúp cho công tác duy tu, bảo dưỡng. Hà An |
Hà An - Nguyễn Tuấn
>> Công trình thể thao biến thái - Hoang tàn nhà thi đấu
>> Công trình thể thao biến thái
>> Đừng để các công trình thể thao bị teo tóp
Bình luận (0)