Công trình Việt lạm dụng biểu tượng

30/07/2017 14:17 GMT+7

Không ít công trình kiến trúc đã thực hiện hay đang nằm trên bản vẽ đều mang một biểu tượng nào đó khiến không ít người cho rằng công trình Việt đang lạm dụng biểu tượng.

Ám ảnh hoa sen
Tiến sĩ - kiến trúc sư (KTS) Khuất Tân Hưng (ĐH Kiến trúc Hà Nội) không đánh giá cao thiết kế nhà hát hoa sen - nhà hát opera sắp xây dựng tại Hà Nội vì bắt chước hoa sen quá sống sượng. “Trong kiến trúc có một trường phái là phỏng sinh học, tác phẩm kiến trúc có dáng dấp được làm theo và gợi lại hình tượng nào đó. Chẳng hạn, nhìn sang Nhà hát Opera Sydney (Úc), công trình đó có phần nhìn tạo ra những liên tưởng rất mạnh. Người cho là con sò, người lại nhìn ra nó là cánh buồm no gió. Nó truyền cảm và tạo ra biểu tượng tuyệt vời. Còn công trình này hoàn toàn không thấy thế. Cảm giác nó bị ép phải giống hoa sen”, ông Hưng nói. Không chỉ quá giống sen, thiết kế này còn bị cho khá giống một tác phẩm kiến trúc ở Thường Châu, Giang Tô, Trung Quốc. KTS Trần Huy Ánh, Hội KTS Hà Nội, cho biết: “Rất giống, so sánh ảnh 2 công trình thì thấy rõ”.
Công trình mang biểu tượng hoa sen tại Giang Tô, Trung Quốc. ẢNH: T.L
Thạc sĩ Trần Nhật Khôi (giảng viên Khoa Kiến trúc, ĐH Kiến trúc Hà Nội) cho rằng việc tìm kiếm tác phẩm mang nét đặc trưng văn hóa hay biểu tượng bản địa đã diễn ra nhiều năm. Điều đó cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, không nhất thiết lúc nào biểu tượng đó cũng phải là sen, là nón, hay rồng, phượng. “Có lẽ vấn đề của người sáng tác nằm ở đầu bài. Nếu người ra đầu bài yêu cầu làm hình hoa sen thì người vẽ sẽ làm hình hoa sen. Nếu ra đầu bài các phương án khác nhau mô tả truyền thống VN thì có thể mọi thứ sẽ khác”, ông Khôi nói. Trong trường hợp này, ông cho rằng hình tượng hoa sen đang bị lạm dụng.
KTS Nguyễn Hoàng Phương, người từng đoạt giải thưởng của Hiệp hội KTS thế giới (UIA), cho biết: “Việc làm theo hình dạng cụ thể như thế khiến công năng công trình bị ảnh hưởng. Công năng có thể rất ít mà chủ yếu mang tính biểu tượng hình thức”. TS Khuất Tân Hưng thì nói thẳng: “Trên thế giới, đôi khi người ta cũng hy sinh công năng để có được biểu tượng. Tuy nhiên, công trình nhà hát hoa sen thì chả đáng hy sinh gì cả. Nó bắt chước quá dễ dãi và không thể gọi đó là nghệ thuật được. Hy sinh vì một tác phẩm như thế thì hy sinh để làm gì”.
Căn bệnh thời đại
Không chỉ có dự án nhà hát hoa sen mắc bệnh biểu tượng, nhà hát 3 nón lá (Bạc Liêu) cũng mắc bệnh này. Công trình này được thiết kế với các khối nhà tạo hình 3 chiếc nón lá. Nhà hát dự kiến hoàn thành để phục vụ Festival Đờn ca tài tử 2014, song không kịp. Công trình cũng tốn kém đến mức Bạc Liêu đã phải đề nghị T.Ư hỗ trợ 155 tỉ đồng để triển khai tiếp dự án. Hiện nơi đây ít mở cửa do hiếm khi có sự kiện!
Nhà hát 3 nón lá ở Bạc Liêu. Ảnh: Đỗ Hiếu Liêm
Một công trình khác là thiết kế cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành vượt sông Đuống nối hai huyện Tiên Du và Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) cũng mắc bệnh biểu tượng. Công trình được KTS Đặng Tuấn Trung (ĐH Xây dựng) cho là bản nhái trắng trợn của cây cầu Brazil nổi tiếng Juscelino Kubitschek. Tuy nhiên, dựa trên bản gốc này, cầu Phật Tích được thêm vào một số chi tiết như đầu rồng, vây rồng thời Lý. Như thế, khi thuyết minh, cây cầu sẽ trở nên “đậm văn hóa Bắc Ninh” - quê hương triều Lý. “Chúng tôi ngồi với người chuyên làm kết cấu thì thấy rằng nó phải tốn kém gấp đôi. Như thế để thấy phương án đó không tối ưu cả về kiến trúc lẫn kết cấu”, ông Trung nói.
So sánh bản vẽ cầu Phật Tích (trên) và cầu gốc ở Brazil. ẢNH: T.L
Thiết kế phải mang biểu tượng gì đấy thì chủ đầu tư mới yên tâm được. Bệnh này ở VN rất nặng.
KTS Lê Việt Hà
KTS Lê Việt Hà, Phó tổng biên tập Tạp chí Quy hoạch đô thị, cho rằng tư tưởng khao khát có một biểu tượng đã nằm ngay trong đề bài của chủ đầu tư. “Từ khi đặt đề bài đã có tư tưởng đó rồi, nhất là các công trình công cộng lớn như nhà hát, sân bay… Thiết kế phải mang biểu tượng gì đấy thì chủ đầu tư mới yên tâm được. Bệnh này ở VN rất nặng. Từ đó họ ra nhiệm vụ cho KTS, thậm chí là áp đặt cho KTS phải cho ra cái hình gì đấy thì thiết kế mới được chấp nhận. Nhiều năm nay, thuyết minh và thiết kế kiến trúc của công trình phải có biểu tượng gì đó mới yên tâm được, mới báo cáo được, duyệt được”, ông Hà phân tích.
Đáng buồn là từ khi chạy theo biểu tượng như vậy, kiến trúc Việt chưa có công trình nào có tầm cỡ, theo ông Khôi.
KTS Trần Hoàng Kiên (Công ty kiến trúc Pháp AREP) cho biết không thể phủ nhận được việc trong thiên nhiên có những cấu trúc có thể học hỏi để áp dụng cho kiến trúc. Tuy nhiên, phải làm theo cách lấy cái hay mà đưa vào tác phẩm, chứ không phải tả thực. Hoặc nói về hồn kiến trúc dân tộc cũng vậy. Chẳng hạn người Nhật có quan điểm hồn kiến trúc như một viên ngọc. Nếu muốn đưa vào kiến trúc hiện đại thì phải đập ngọc ra rồi xâu thành chuỗi thì mới giữ được cái hồn đấy, tinh thần đấy.
“Trung tâm văn hóa du lịch quận Asakusa (Tokyo) do Kengo Kuma thiết kế hoàn toàn không chép một chi tiết nào của kiến trúc cổ Nhật Bản, nhưng người ta vẫn thấy tinh thần Nhật Bản trong đấy. Nó nằm ở sự tôn trọng bóng tối, thẩm mỹ màu sắc giản dị của người Nhật, những đường nét như những ngôi nhà Nhật xưa với những đường chéo nằm trong tiềm thức… Ta nhìn thấy ngay “chất” Nhật nhưng cả công trình không có chi tiết nào giống truyền thống cả”, ông Kiên nói.
Về bệnh sính biểu tượng trong xây dựng, kiến trúc, ông Việt Hà cho rằng việc các chủ đầu tư cần thông minh hơn là điều rất quan trọng. “Không có KTS tồi, chỉ có đang thiếu nhà đầu tư thông minh”, ông Hà kết luận.
Nhà hát 3 nón lá gây lãng phí lớn
Trung tâm triển lãm văn hóa - nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu (còn gọi là nhà hát 3 nón lá) tọa lạc ở P.1, TP.Bạc Liêu (Bạc Liêu). Công trình được khởi công xây dựng đầu năm 2014 và đưa vào sử dụng năm 2016. Theo thiết kế, nhà hát có hình dáng 3 chiếc nón lá hướng mái vào nhau, với tổng diện tích 2.262 m2, tổng vốn đầu tư lên đến 222 tỉ đồng. Tuy nhiên từ khi nhà hát được đưa vào sử dụng thì thường xuyên đóng cửa vì rất ít khi có sự kiện văn hóa, văn nghệ tổ chức tại đây. Nhiều du khách khi đến TP.Bạc Liêu cũng rất muốn xem công trình độc đáo này, song cũng chỉ đứng nhìn từ bên ngoài.
Trần Thanh Phong
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.