Theo Sở Xây dựng, Quyết định 21 "thoáng" hơn so với Nghị định 64. Đơn cử, thời hạn tồn tại công trình tạm là 5 năm kể từ ngày quy hoạch được công bố, Nghị định 64 quy định sau khi được cấp phép xây dựng (CPXD) tạm, khi thực hiện quy hoạch người dân phải tự tháo dỡ mà không được bồi thường. Tuy nhiên, do nhiều dự án đã treo lâu năm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân nên Thành ủy và UBND TP đã thống nhất sau thời gian 5 năm, nếu quy hoạch vẫn không thực hiện thì người dân vẫn được bồi thường theo quy định hiện hành. Ông Tuyến cho rằng, điều kiện được CPXD tại Quyết định 21 rất thoáng nhưng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần phải kiểm tra, xác nhận thật chính xác để tránh việc lợi dụng chủ trương “mở” này mà CPXD tràn lan, sai quy định. Đối với công trình tạm có diện tích lớn hơn 250 m2 phải nộp thêm bản vẽ kết cấu ngoài các thành phần cơ bản là giấy tờ nhà đất, bản vẽ xin CPXD và đơn xin CPXD theo quy định mới của Nghị định 64.
|
Đối với nhà ở riêng lẻ trên đất nông nghiệp, nếu hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định trước 1.7.2006, được cơ quan chức năng xác nhận không tranh chấp, khiếu nại thì đủ điều kiện CPXD tạm. Còn đối với nhà ở trên đất nông nghiệp được xây dựng sau ngày quy hoạch được công bố, Quyết định 21 chỉ cho phép sửa chữa, cải tạo nhưng không làm thay đổi quy mô căn nhà hiện hữu.
Cấp phép xây nhà trong lộ giới
Đại diện Phòng Quản lý đô thị Q.4 thắc mắc, theo Quyết định 21 về CPXD, nhà nằm trong lộ giới đường, hẻm được CPXD tạm với quy mô tối đa 3 tầng nhưng không được cấp giấy chứng nhận. Như vậy, quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch treo chỉ mới giải quyết được một nửa. Ông Tuyến giải thích, quy định của luật Xây dựng, khu vực lộ giới, hẻm giới lẽ ra không được CPXD. Do có những quy hoạch chậm triển khai khiến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng nên TP cho CPXD tạm, nhưng không thể mở rộng đến mức được cấp giấy chứng nhận cho công trình.
Đối với việc CPXD tạm nhà ở riêng lẻ nằm trong phạm vi quy hoạch lộ giới mở rộng của các tuyến đường, hẻm hiện hữu trong đô thị, ông Tống Đức Tiến, Phó Phòng CPXD Sở Xây dựng, cho biết căn cứ theo quy định tại Quyết định 21, các quận, huyện phải công bố quy hoạch lộ giới các tuyến đường, tuyến hẻm trên địa bàn cho người dân biết. Về quy mô công trình tạm tối đa không quá 3 tầng (không kể tầng lửng tại tầng 1 và mái che cầu thang tại sân thượng nếu có). Tuy nhiên, theo ông Tiến, không phải đương nhiên mọi công trình tạm đều là 3 tầng mà tùy vào tuyến đường, tuyến hẻm đó rộng bao nhiêu cũng như căn cứ vào các quy định hiện hành, địa phương thực hiện CPXD tạm với quy mô tương ứng. “Tùy trường hợp mà quận, huyện có thể CPXD tạm 1, 2 hoặc 3 tầng. Cần phải giải thích rõ để người dân nắm được lý do tại sao một số nơi không được xây dựng 3 tầng. Chẳng hạn như những con hẻm nhỏ dưới 2 m thì không thể được CPXD tạm với quy mô 3 tầng”, ông Tiến lưu ý.
Đình Sơn
>> Nhà lấn chiếm vẫn có thể được cấp phép xây dựng tạm
>> Lùi thời điểm áp dụng Nghị định 64 về cấp phép xây dựng
>> Đất nông nghiệp có thể được cấp phép xây dựng tạm
>> Kiến nghị chưa áp dụng quy chế cấp phép xây dựng mới
>> Cấp phép xây dựng tạm cho 4 loại đất "bị vướng
Bình luận (0)