Công ty gia đình ‘vượt bão’

12/11/2013 09:00 GMT+7

Theo Hội đồng Doanh nhân gia đình Việt Nam, 1/4 GDP của cả nước là từ khoảng 100 công ty gia đình lớn nhất Việt Nam. Trong cơn bão khủng hoảng kinh tế, nhiều công ty gia đình đã “chung thủy” với chiến lược phát triển theo mô hình quản trị gia đình và đối diện không ít thách thức...

Công ty gia đình ‘vượt bão’
Với Công ty Đại Đồng Tiến, năm nay mọi cái đang ở mức khiêm tốn - Ảnh: Diệp Đức Minh

Tăng chiết khấu đổi “gối đầu”

Cơn tai biến đột ngột của ông Trịnh Đồng, chủ Công ty nhựa Đại Đồng Tiến năm 2007, năm bắt đầu cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến công ty như con tàu mất lái. Cậu con trai cả Trịnh Chí Cường, vừa du học ngành quản trị và làm việc ở Singapore về được chọn ngồi vào ghế thuyền trưởng. Thiếu kinh nghiệm lại tiếp quản công ty trong bối cảnh khó khăn, thế hệ thứ hai của Đại Đồng Tiến đã bắt đầu trong nỗi lo lắng của nhiều người... Trịnh Chí Cường đã áp dụng một loạt các giải pháp ngược đời để cùng công ty “vượt bão”.

Đầu tiên là tăng chi phí marketing, quảng cáo. Trong khó khăn, hầu hết doanh nghiệp đều chọn giải pháp cắt giảm các chi phí này nhưng Cường thuyết phục HĐQT tăng, thậm chí tăng gấp mấy lần để làm cho tới. "Tới" của Cường là việc định vị lại trong ngành nhựa và xuất khẩu bằng thương hiệu Đại Đồng Tiến. Đến năm 2011, Trịnh Chí Cường đã đưa ra quyết sách lớn làm thay đổi cục diện tài chính của công ty. Đó là giảm bớt gánh nặng tài chính theo cách, công ty sẽ bán hàng cho các đại lý với mức chiết khấu cao, đổi lại các đại lý phải trả hết tiền để lấy hàng và tự bán lấy lại vốn thay cho mô hình "gối đầu" (lấy hàng lần sau, trả tiền lần trước) truyền thống. Với cách làm này, từ năm 2011, công ty không bị phụ thuộc vào nguồn vốn vay của ngân hàng. Thậm chí, để áp dụng mô hình “mua đứt bán đoạn” này, công ty phải chấp nhận chia tay các đại lý truyền thống từng chiếm 20 -30% trên tổng doanh thu để chọn đại lý mới cùng chia sẻ đầu tư với công ty.

Từ doanh thu tăng 7% năm 2008, một năm sau đẩy mạnh marketing, năm 2010, doanh thu của công ty tăng hơn 25%. Tuy kế hoạch tăng 40% vào năm 2012 không thành, nhiều kế hoạch chưa thực hiện được và theo ông Cường, mọi cái đang ở mức “khiêm tốn” nhất có thể nhưng với 2 giải pháp trên, Đại Đồng Tiến đã tránh được gánh nặng lãi vay mà hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đang dính vào.

Quyết giữ mô hình gia đình

Chấp nhận hy sinh doanh thu để vận hành lại hệ thống phân phối của công ty theo mô hình linh hoạt hơn, hiện đại hơn, nỗ lực mở rộng ra thị trường nước ngoài bằng thương hiệu Việt, nhưng vị thuyền trưởng Đại Đồng Tiến phải thừa nhận: Cơn bão khủng hoảng đã không chừa một ai, mọi kế hoạch dự toán bị phá sản khi bão kinh tế cứ “đổ bộ” dồn dập như vậy. Vì vậy dù lãi suất ngân hàng đã xuống 9%, nhưng ông Cường vẫn hết sức thận trọng. "Vay để làm gì, vay có sinh lợi tốt hơn hay lại ôm thêm mớ lãi suất hằng tháng, trong khi thị trường với sức mua gần như kiệt quệ..." và cách mà ông Cường lựa chọn tiếp theo sau là thu hẹp chi phí cho marketing để tập trung cho duy trì sản xuất và ổn định thị trường.

Tương tự, ngay tại thời điểm này khi đang gặp khó khăn về vốn, Đại Đồng Tiến cũng chưa bao giờ thay đổi chiến lược bằng cách mời gọi các quỹ đầu tư khác tham gia góp vốn. Trước đó, Đại Đồng Tiến từng tiếp khá nhiều quỹ đầu tư gián tiếp đến đặt vấn đề mua cổ phần nhưng quan điểm của công ty là nếu cổ phần thì cũng chỉ các thành viên trong gia đình làm cổ đông. Ông Cường nói dứt khoát: “Thực tế, quản lý một công ty tốt đã là một áp lực lớn rồi, “gánh” thêm sự giám sát đến từ một quỹ đầu tư khác là vô tình tạo thêm áp lực nữa cho mình, không cần thiết!”.

Trịnh Chí Cường tỏ ra khá “bảo thủ” khi cho rằng, dù trước áp lực mở rộng, công ty vẫn không chọn hình thức mời gọi vốn từ bên ngoài. “Sau này, đời con đời cháu của tôi cũng phải tôn trọng mô hình kinh doanh gia đình này, mô hình công ty gia đình chuyên nghiệp”, ông Cường nói.

Đại Đồng Tiến trước năm 1983 chỉ là cơ sở của hộ gia đình, chuyên sản xuất bút bi. Năm 1983, ông Trịnh Đồng lập tổ hợp Đại Đồng Tiến chuyên sản xuất nhựa gia dụng. Năm 2007, lập công ty cổ phần hoạt động theo mô hình công ty gia đình. Từ chỗ khá hồ hởi với hàng loạt quyết sách về chiến lược kinh doanh, nhân sự, bán hàng, sản xuất được tung ra ngay trước cơn bão, Công ty Đại Đồng Tiến nay tỏ ra khá thận trọng và điềm đạm hơn trong cách “tung đòn” của mình. Hiện tại, nhà máy lớn của công ty tại Bình Dương được Cường túc trực làm việc từ đầu tuần đến thứ năm hằng tuần mới lên thành phố và đang hoạt động “khá ổn định” để làm hàng xuất khẩu và một số mặt hàng trong nước. Ông Cường cho biết, thị trường xuất khẩu của công ty vẫn đang duy trì phong độ tạm ổn, mục đích là duy trì và tăng tốc khi kinh tế hồi phục.

Nguyên Nga

>> Khởi tố “bộ sậu” công ty gia đình lừa đảo hàng chục tỉ đồng
>> Mạng lưới "công ty gia đình" thao túng bệnh viện Chợ Rẫy
>> Doanh nghiệp loay hoay vượt bão

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.