Ngày 13.5, Công ty CP xe khách Phương Trang (gọi tắt là Công ty Phương Trang - FUTA Bus Lines) gửi văn bản đến Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM và các sở ngành liên quan đề xuất đầu tư xe buýt thuần điện cho mạng lưới giao thông công cộng trên địa bàn TP.HCM.
Trong văn bản, Công ty Phương Trang viện dẫn Quyết định số 876 năm 2022 của Thủ tướng phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Quyết định này đưa ra lộ trình chuyển đổi đối với vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt: "Từ năm 2025 là 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh".
Công ty Phương Trang đề xuất TP.HCM đầu tư xe buýt thuần điện mới 100%
Với mong muốn thực hiện sớm lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh trước 7 tháng và nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, Công ty Phương Trang kiến nghị 2 nội dung.
Thứ nhất, kể từ ngày 10.5, các hồ sơ mời thầu cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại TP.HCM yêu cầu sử dụng xe buýt thuần điện mới 100%.
Thứ hai, trong khi chờ đợi định mức riêng cho xe buýt điện, doanh nghiệp đề xuất sử dụng bộ đơn giá chi phí theo Quyết định số 3677 năm 2019 của UBND TP.HCM cộng thêm mức chênh lệch nhiên liệu, chi phí nhân công tại thời điểm hiện nay để làm cơ sở tính giá gói thầu.
Trường hợp UBND TP.HCM ban hành chính thức đơn giá chi phí vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thuần điện, khi đó sẽ điều chỉnh lại giá gói thầu nhưng không vượt quá 25%.
Cuối văn bản, Công ty Phương Trang cam kết cung ứng đủ số lượng xe buýt thuần điện cho hệ thống xe buýt TP.HCM. Hồi đầu năm 2024, Công ty Phương Trang tham gia hoạt động trên 17 tuyến xe buýt có trợ giá tại TP.HCM.
Sở GTVT TP.HCM cho biết mạng lưới xe buýt trên địa bàn hiện có 128 tuyến (gồm 91 tuyến có trợ giá và 37 tuyến không trợ giá) tiếp cận đến 312/322 xã, phường, thị trấn, 62 bệnh viện và 236 trường học. Trong 2.087 xe buýt đang hoạt động, phần lớn chạy dầu diesel, chỉ có 521 xe sử dụng nhiên liệu CNG và 18 xe buýt điện.
Chất lượng xe buýt tại TP.HCM được nâng lên qua các năm, kể cả chất lượng phương tiện và thái độ phục vụ của nhân viên. Giá vé xe buýt tính theo cự ly, từ 5.000 - 7.000 đồng/lượt, riêng học sinh, sinh viên được ưu đãi 3.000 đồng/vé. Trẻ em dưới 1,3 m và người cao tuổi (đủ 70 tuổi trở lên), người khuyết tật được đi xe buýt miễn phí...
Để bù chi phí hoạt động, hằng năm TP.HCM đều chi ngân sách để trợ giá cho doanh nghiệp, hợp tác xã vận hành xe buýt. Giai đoạn 2020 - 2022, trợ giá trung bình 1.391 tỉ đồng/năm, năm 2023 trợ giá 1.748 tỉ đồng và dự kiến năm 2024 trợ giá khoảng 1.941 tỉ đồng.
Bình luận (0)