TP.HCM xóa nỗi ám ảnh 'sợ' xe buýt: Chất lượng là danh dự

Đình Phú
Đình Phú
24/04/2024 17:12 GMT+7

Xe buýt màu xanh, là hình ảnh rất quen thuộc với người dân và du khách ở TP.HCM. Sự quen thuộc ấy đã hàng chục năm qua. Nhắc đến phương tiện vận tải hành khách công cộng này, không ít người từng thốt lên: "Chà! Xe buýt!" với cảm giác nghiêng về… sợ.

Ở TP.HCM 13 năm, nhiều lần, qua tiếp xúc người thân quen, tôi cảm giác được lý do vì sao lại có nỗi ám ảnh "sợ" ấy. Có những khi, xe buýt cũ kỹ vẫn chạy chở khách hằng ngày trên đường. Lên xe, dù xe có máy lạnh nhưng dường như chỉ nghe… tiếng kêu của quạt gió. Nóng nực, là một nỗi sợ.

Sợ nhất nữa là xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn gây tai nạn, phong cách phục vụ có khi còn "hầm hố" khiến cho hành khách không mấy hài lòng.

Những nỗi sợ ấy, như khiến có cảm giác xe buýt chỉ dành cho người nghèo buộc phải lựa chọn đi để tiết kiệm tiền, mà chưa thật sự trở thành sự lựa chọn phổ biến của đại bộ phận cư dân đô thị có đến 13 triệu dân như TP.HCM.

Công ty cổ phần xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines đầu tư xe mới 100% (xe đời mới B55 Golden Dragon) để tham gia vận tải hành khách công cộng tại TP.HCM

Công ty cổ phần xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines đầu tư xe mới 100% (xe đời mới B55 Golden Dragon) để tham gia vận tải hành khách công cộng tại TP.HCM

ĐÌNH PHÚ

Thay áo mới cho hệ thống xe buýt

Những tồn tại của "bức tranh xe buýt" ấy được TP.HCM tiếp tục nỗ lực khắc phục có hiệu quả. Những việc mà chính quyền TP.HCM đã và đang thúc đẩy, hướng tới mục tiêu phải xóa cho bằng được nỗi ám ảnh "sợ" xe buýt. Những thay đổi qua các bước hành động của ngành giao thông thành phố, nhất là có sự cộng hưởng, trực tiếp tham gia của các doanh nghiệp trong cung ứng dịch vụ phương tiện, như đã thay áo mới cho xe buýt TP.HCM.

Ngày 1.4, Sở GTVT TP.HCM khai trương 11 tuyến xe buýt có trợ giá. Cụ thể, 11 tuyến xe buýt chính thức đưa vào hoạt động trên địa bàn TP.HCM kể từ ngày 1.4 gồm: Mã số tuyến 68: Bến xe buýt Chợ Lớn - Đại học Tài chính Marketing; Mã số tuyến 102: Bến xe buýt Sài Gòn - Nguyễn Văn Linh - Bến xe Miền Tây; Mã số tuyến 29: Phà Cát Lái - chợ nông sản Thủ Đức; Mã số tuyến 57: Chợ Phước Bình - Trường THPT Hiệp Bình; Mã số tuyến 99: Chợ Thạnh Mỹ Lợi - Đại học Quốc gia TP.HCM; Mã số tuyến 141: Khu du lịch BCR - Long Trường - Khu chế xuất Linh Trung II; Mã số tuyến 16: Bến xe buýt Chợ Lớn - Bến xe buýt Tân Phú; Mã số tuyến 41: Bến xe Miền Tây - ngã tư Bốn Xã - Bến xe An Sương; Mã số tuyến 61: Bến xe buýt Chợ Lớn - Khu công nghiệp Lê Minh Xuân; Mã số tuyến 73: Chợ Bình Chánh - Khu công nghiệp Lê Minh Xuân; Mã số tuyến 151: Bến xe Miền Tây - Bến xe An Sương.

Du học sinh nước ngoài đi xe buýt tuyến 102: Bến xe buýt Sài Gòn - Nguyễn Văn Linh - Bến xe Miền Tây

Du học sinh nước ngoài đi xe buýt tuyến 102: Bến xe buýt Sài Gòn - Nguyễn Văn Linh - Bến xe Miền Tây

ĐÌNH PHÚ

Lên xe buýt mã số tuyến 102 từ Bến xe buýt Sài Gòn (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) - Nguyễn Văn Linh (Q.7) - Bến xe Miền Tây (Q.Bình Tân), thú thật lần đầu tiên tôi có cảm giác thật đã khi đi xe buýt. Xe mới, thoáng rộng và nhất là sạch sẽ, máy lạnh mát rượi.

Gặp một bạn sinh viên nữ trên xe, bạn này cho hay nhà ở Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), lên ở TP.Thủ Đức (phía Q.9 cũ) để đi học Đại học RMIT (đường Nguyễn Văn Linh, Q.7). Quãng đường từ nơi ở đến trường, khoảng 30 km. Nữ sinh này nói lâu nay đều chọn xe buýt làm phương tiện đi về mỗi ngày, với 2 chặng xe buýt, từ nơi ở lên Bến xe buýt Sài Gòn và từ bến xe này, theo xe buýt mã số tuyến 102, thì có điểm dừng gần trước cổng trường. "Thuận tiện lắm, giờ xe buýt mới, sạch, mát, tiết kiệm chi phí rất là nhiều", bạn này chia sẻ.

Trên hành trình của tuyến xe buýt 102, nhiều lần tôi nghe hành khách khi mới bước lên xe, liền nói: "Chà! Mát quá!". Những hành khách đó khen thật lòng vì họ bất ngờ khi thấy xe mới, chất lượng, đầy đủ tiện nghi và an toàn. "Lúc trước đi, xe cũ, nóng lắm. Các cửa hông xe phải mở để có gió", một cô cầm trên tay xấp vé số, kể như vậy. Cô cho hay đã đi xe buýt khoảng 20 năm, thường đi từ Q.4 về chợ đầu mối Bình Điền (Q.8) để bán vé số mỗi ngày.

Cũng trên tuyến 102, tôi còn bắt gặp du học sinh nước ngoài, học Đại học RMIT; sau giờ học, đón xe buýt đi về hướng Bình Chánh, Bình Tân. Có bạn đeo tai nghe nhạc, trông rất thư thái.

Thùy Dương, nhân viên xe buýt hỗ trợ hành khách lớn tuổi đi xe buýt an toàn

Thùy Dương, nhân viên xe buýt hỗ trợ hành khách lớn tuổi đi xe buýt an toàn

ĐÌNH PHÚ

Tôi thật sự ấn tượng với Thùy Dương, nhân viên phục vụ xe buýt tuyến 102. Dương có phong cách phục vụ lịch thiệp, nhiệt tình, chu đáo. Khi có khách lớn tuổi lên hoặc xuống xe, Dương đều chủ động phụ giúp an toàn, cầm túi xách…

Xóa được nỗi ám ảnh "sợ" xe buýt, tôi hình dung, sẽ không thể nào thiếu đi những hình ảnh ấy. Chất lượng phục vụ, chất lượng phương tiện phải như là danh dự vậy. Tôi nghĩ nhờ vậy, khách đi xe buýt có cảm giác được phục vụ hơn, được trân trọng hơn, có cảm giác là "thượng đế" hơn khi giá vé chỉ vài ba ngàn đồng mỗi lượt. Và nhất là hình ảnh TP.HCM là thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình sẽ trọn vẹn hơn rất nhiều.

Chất lượng dịch vụ xe buýt cải thiện tích cực

Theo kết quả sát sự hài lòng về chất lượng hoạt động và cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP.HCM năm 2023 do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thực hiện, hành khách sử dụng xe buýt có đánh giá cao về hoạt động xe buýt thành phố, cụ thể tỷ lệ hài lòng chung đạt 85,6%, đạt tỷ lệ hài lòng cao nhất trong 5 dịch vụ công được khảo sát trên địa bàn TP.HCM.

Phương châm tạo giá trị cốt lõi

Khi gặp lãnh đạo Trung tâm quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở GTVT TP.HCM; trung tâm này đang là đầu mối vận hành hệ thống xe buýt của TP.HCM), vị này cho hay toàn bộ xe buýt đưa vào hoạt động vận hành, khai thác 11 tuyến nói trên, là của Công ty cổ phần xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines đầu tư xe mới 100% (xe đời mới B55 Golden Dragon).

Nội thất xe buýt mã số tuyến 102: Bến xe buýt Sài Gòn - Nguyễn Văn Linh - Bến xe Miền Tây, trông rất hiện đại

Nội thất xe buýt mã số tuyến 102: Bến xe buýt Sài Gòn - Nguyễn Văn Linh - Bến xe Miền Tây, trông rất hiện đại

ĐÌNH PHÚ

Theo lãnh đạo trung tâm, hiện nay TP.HCM có 128 tuyến xe buýt (gồm 91 tuyến có trợ giá và 37 tuyến không trợ giá). Mạng lưới tuyến xe buýt có trợ giá với tổng cự ly 1.982 km phân bổ theo khu vực nội thành có 25 tuyến (chiếm 27% tổng số tuyến), khu vực ngoại thành 24 tuyến (chiếm 26% tổng số tuyến), còn lại là các tuyến hoạt động liên khu vực nội - ngoại thành với 42 tuyến (chiếm 47%).

Mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến 22/22 quận, huyện và TP.Thủ Đức (đạt 100%) và 312/322 số xã, phường, thị trấn (đạt 96,9%). Mạng lưới xe buýt cũng đã tiếp cận tới 62 bệnh viện và 236 trường học (từ cấp tiểu học đến đại học).

"Đoàn xe buýt có thời gian sử dụng từ 10 năm trở lại chiếm tỷ lệ 85% tổng số xe, trong đó xe mới đầu tư đưa vào sử dụng và sử dụng dưới 5 năm chiếm tỷ lệ 23,6%. Để có tỷ lệ này là nhờ có hàng trăm xe buýt mới của 11 tuyến mới đưa vào khai thác", vị lãnh đạo trung tâm nói.

Lãnh đạo Trung tâm quản lý giao thông công cộng chia sẻ về mục tiêu của TP.HCM đang hướng tới, là nỗ lực không ngừng để người dân không phải lo lắng "ra đường sợ nhất xe buýt" nữa. Thay đổi tích cực về chất lượng xe, chất lượng phục vụ để đại bộ phận cư dân đô thị lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại, góp phần hạn chế sử dụng xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm chi phí sinh hoạt…

Chất lượng là danh dự! Tôi hình đó cũng nên là một phương châm tạo giá trị cốt lõi trong nỗ lực TP.HCM xóa nỗi ám ảnh "sợ" xe buýt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.