|
Ngang nhiên vi phạm
Năm 2007, UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ sắt Phong Hanh, xã An Định, H.Tuy An cho Công ty TNHH luyện kim Sơn Giang (100% vốn Trung Quốc) với diện tích 21 ha, trữ lượng quặng sắt gần 1 triệu tấn. Ông Zhu Yue Jin, quốc tịch Trung Quốc, làm Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty. Đến ngày 31.11.2011, giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn nhưng Sơn Giang vẫn hoạt động tuyển quặng.
Bà Lê Thị Thủy (51 tuổi, ở thôn Phong Hanh) bức xúc: “Nghe nói mỏ sắt phải ngưng hoạt động nhưng hơn nửa năm nay vẫn nghe tiếng máy nổ, xe chạy ầm ầm chứ có nghỉ gì đâu. Nước thải vẫn xả xuống hồ chứa bùn, chảy ra suối làm đục ngầu, ảnh hưởng đến việc sản xuất và chăn nuôi của bà con trong thôn. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị đến HĐND huyện, tỉnh và Quốc hội đóng cửa mỏ sắt này”.
Ngày 3.4.2012, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) H.Tuy An đã kiểm tra thực tế tại mỏ sắt Phong Hanh và yêu cầu Công ty Sơn Giang nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ đóng cửa mỏ, không được xả thải nước bùn vào các hồ phía đông của mỏ và xử lý nước thẩm thấu qua thân đập hồ phía tây mỏ sắt. Tuy nhiên, ngày 23.5, khi chúng tôi có mặt tại mỏ sắt, hoạt động tuyển quặng vẫn tiếp diễn và nước thải chứa bùn tuyển quặng vẫn chảy từ bãi tuyển vào hồ chứa bùn số 2.
Bà Phạm Thị Thùy Lê, Phó chủ tịch UBND H.Tuy An, khẳng định Công ty Sơn Giang vẫn lén lút hoạt động dù giấy phép đã hết hiệu lực. “Tôi đã chỉ đạo Phòng TN-MT huyện đi kiểm tra. Anh em phát hiện công ty này vẫn còn tuyển quặng mà theo giải thích của phía công ty là họ tuyển những phần quặng còn lại trên bãi tập kết và tận thu quặng từ hồ chứa bùn số 1. Trong khi căn cứ vào giấy phép, họ phải dừng toàn bộ hoạt động tuyển quặng, triển khai công tác phục hồi môi trường tại mỏ sắt này, nhưng họ đã làm ngược lại”, bà Lê nói.
Người dân và chính quyền lo lắng
Vì sao giấy phép đã hết hạn mà công ty vẫn hoạt động? Ông Đặng Văn Khanh, Giám đốc Công ty Sơn Giang, giải thích: “Khi giấy phép hết hạn, công ty không khai thác quặng ở dưới mỏ nữa mà chỉ hoạt động tuyển quặng thô đã khai thác tập kết tại bãi. Chúng tôi đang tiếp tục xin gia hạn giấy phép khai thác và tận thu quặng, gia hạn thời gian đóng cửa mỏ đến 30.7.2014. Hiện trữ lượng quặng còn tại mỏ khoảng 100.000 tấn, quặng còn lẫn trong hồ chứa bùn số 1. Nếu chỉ hoàn thổ, phục hồi môi trường thì sẽ làm rất nhanh. Nhưng chúng tôi chưa phục hồi môi trường là vì tiếc số quặng còn lại và chưa tận thu hết số quặng còn lẫn trong hồ chứa bùn số 1”.
|
Việc cố tình kéo dài hoạt động này của Sơn Giang đã khiến 88 hộ dân ở thôn Phong Hanh và chính quyền địa phương hết sức lo lắng. Ông Trần Văn Hưng (53 tuổi, ở thôn Phong Hanh) ngao ngán: “Trận mưa tháng 3.2012, nước bùn từ hồ chứa đã tràn ra ngoài, lấp 2 sào ruộng lúa chín sắp thu hoạch của tôi ở cánh đồng Bờ Đắp ngay dưới chân hồ”.
Theo bà Phạm Thị Thùy Lê, người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh gay gắt với các cơ quan chức năng. “Nếu không xử lý các hồ chứa bùn thì sẽ ảnh hưởng đến người dân và môi trường xung quanh. Việc công ty xin gia hạn khai thác, tỉnh và huyện đều không đồng ý, nhưng đến giờ công ty vẫn chưa thực hiện việc hoàn thổ, khôi phục môi trường tại mỏ sắt. Nếu không khôi phục lại môi trường trước khi mùa mưa lũ đến thì nguy cơ bồi lấp đất đai của người dân khi lũ về là rất cao. Thậm chí có thể xảy ra vỡ hồ, uy hiếp hàng trăm hộ dân ở thôn Phong Hanh nằm ngay dưới chân mỏ”, bà Lê lo lắng.
Liên tục vi phạm
Điều đáng nói, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Công ty Sơn Giang liên tục có những vi phạm nghiêm trọng. Tháng 5.2008, Chánh thanh tra Sở TN-MT Phú Yên đã ra quyết định xử phạt 37,5 triệu đồng đối với công ty này về các hành vi: khai thác khoáng sản trong khi chưa bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ; không ký hợp đồng thuê đất trong hoạt động khoáng sản; vi phạm bảo vệ môi trường. Tháng 7.2011, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ra quyết định xử phạt 130 triệu đồng do Sơn Giang vận hành hệ thống xử lý môi trường không đúng theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tháng 9.2011, Chánh thanh tra Sở TN-MT tỉnh Phú Yên xử phạt công ty này 13 triệu đồng do khai thác khoáng sản ngoài khu vực cho phép. Đến 31.11.2011, khi giấy phép hết hiệu lực, để kéo dài thời gian khai thác, ngày 29.4.2012, Công ty Sơn Giang gửi công văn đến Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Phú Yên xin thời gian đóng cửa mỏ đến 30.7.2014 với mục đích là tận thu quặng còn lẫn trong hồ chứa bùn số 1.
Ngày 9.5.2012, Sở TN-MT tỉnh Phú Yên có công văn phúc đáp đề nghị công ty chỉ được phép thực hiện khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thế nhưng, trong khi cơ quan có thẩm quyền chưa phê duyệt thì Sơn Giang vẫn tiếp tục tận thu quặng ở hồ chứa bùn số 1 phía đông. Chính vì vậy, ngày 8.5.2012, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Phú Yên) kiểm tra, phát hiện công ty này vi phạm nên đã lập biên bản. Ngày 21.5.2012, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự ra quyết định xử phạt Sơn Giang 100 triệu đồng về hành vi không cải tạo, phục hồi môi trường khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản.
Không gia hạn Ông Hồ Văn Tiến, Chánh văn phòng UBND tỉnh Phú Yên, cho biết: “UBND tỉnh sẽ không gia hạn thời gian khai thác khoáng sản tại mỏ sắt Phong Hanh, và đã yêu cầu công ty này phục hồi môi trường. Vì trong hồ sơ đóng cửa mỏ, Công ty luyện kim Sơn Giang có xin tận thu quặng còn lẫn trong bùn khi phục hồi môi trường nên UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN-MT và các ngành liên quan tham mưu đề xuất, nhưng thời gian không phải như công ty này xin mà sẽ ngắn hơn”. |
Đức Huy
>> Một công ty Trung Quốc bị phạt do vi phạm bảo vệ môi trường
>> Lớp “ngụy trang” của hàng Trung Quốc
>> Thu hẹp quyền cấp phép khai thác khoáng sản của địa phương
>> Cấp phép khai khoáng dễ đến đáng lo !
Bình luận (0)