Cổng vào Phong Nha - Kẻ Bàng: Lãng phí, không cần thiết

17/01/2018 05:07 GMT+7

Theo PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, việc làm cổng vào Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vừa lãng phí, vừa không có tác dụng trong bảo tồn khu di sản.

Bệnh mê cổng chào
KTS Nguyễn Hoàng Mạnh (người 2 năm liền được Hội Quy hoạch đô thị VN trao giải thưởng Kiến trúc sư của năm 2016, 2017) đã bật cười khi nhìn thấy thiết kế của cổng vào dự kiến được xây dựng ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Theo ông Mạnh, tại khu di sản thiên nhiên do UNESCO công nhận này, tốt nhất là không nên làm một cái cổng nào. Thiết kế cổng hiện tại của khu vực nếu được xây dựng sẽ vừa xấu, vừa tốn tiền, lại hủy hoại cảnh quan tự nhiên. “Cảnh quan tự nhiên đã là một cái cổng đẹp nhất rồi. Làm bất cứ cái gì mới thì chỉ làm xấu đi thêm”, ông Mạnh nói.
KTS Nguyễn Hoàng Phương, người từng được nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế, cho rằng chiếc cổng này chỉ phá hoại cảnh quan. “Có cả cái chữ to đùng trên núi rồi, của UNESCO. Như thế đã quá đủ, xây cổng chào làm gì nữa”, ông Phương nói. Trên thực tế, đã có một hàng chữ “Phong Nha - Kẻ Bàng”, bên cạnh là logo di sản của UNESCO trên núi Voi tại đây. Từ xa, du khách đã có thể nhìn thấy.
Ông Mạnh cũng cho biết, trên thế giới, nếu cần chỉ báo, tạo ranh giới một cách tự nhiên, có thể trồng một khu rừng hoặc thảm hoa để nhận biết nơi đến. Một cổng ở Vancouver (Canada) được ông Mạnh đưa ra để ví dụ về sự thân thiện và có đối thoại với cảnh quan. Ở đó, hoàn toàn chỉ có những chậu cây nhỏ đặt san sát thành giàn. “Không nên làm một cổng chào sến, xấu và quê mùa như vậy được”, ông Mạnh nói về cổng vào Phong Nha - Kẻ Bàng.
Quan trọng hơn, ông Mạnh cho rằng văn hóa cổng chào là tư duy quá cũ, “thế giới đã bỏ tư duy cổng chào từ lâu”. Trong khi đó, KTS Lê Việt Hà, Phó tổng biên tập Tạp chí Quy hoạch đô thị, nói: “Thiên nhiên đã là đẹp nhất rồi, cần gì cái kiến trúc kia. Nếu cần phân định ranh giới của khu đó thì cắm cái biển nhỏ là được rồi”.

Cảnh quan tự nhiên đã là một cái cổng đẹp nhất rồi. Làm bất cứ cái gì mới thì chỉ làm xấu đi thêm

KTS Nguyễn Hoàng Mạnh

Cần những thứ khác cấp bách hơn
Theo bà Phạm Thanh Hường, Văn phòng UNESCO tại VN, việc thêm cổng chào lớn ở một khu di sản thiên nhiên là không cần thiết. Ở những khu di sản như vậy, việc giữ nguyên trạng là điều rất quan trọng. Chính vì thế, đưa thêm bất cứ điều gì không phải di sản vào cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng. Đưa một cổng chào lớn như vậy có thể làm sai lạc nhận thức về yếu tố gốc của di sản, ảnh hưởng tới cảnh quan. Thậm chí trên thế giới, việc làm giả thiên nhiên để làm cổng chào cũng không được hoan nghênh.
PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, nguyên Cục trưởng Cục Di sản, đặt ra hàng loạt câu hỏi về lợi ích của việc làm cổng chào: “Mục tiêu làm cổng chào là gì? Cổng chào đó có góp phần phát triển bền vững, phục vụ yêu cầu thực hiện kế hoạch quản lý di sản không? Có góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản, bảo vệ sự toàn vẹn của khu di sản không? Có bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản không? Cần trả lời các câu hỏi đó, chứ không phải là ban quản lý cần một cái cổng mà xây một cái cổng”.
Về khoản tiền lên tới hàng tỉ đồng để làm cổng, ông Bài cho rằng khu di sản này còn nhiều đầu việc cần đến tiền cấp bách hơn nhiều so với việc dựng cổng. “Tập huấn để hỗ trợ cộng đồng, nâng cao trình độ cán bộ, soạn thảo quy chế hướng dẫn cộng đồng, hỗ trợ đời sống của đồng bào xung quanh khu di sản... Bao nhiêu việc cần thiết như thế mà cứ động đến thì bảo là kinh phí không có, nhưng lại đi xây cổng. Cổng có phải là cấp bách nhất? Xét về nguyên lý bảo tồn thì nó không có tác dụng. Tốn tiền vào đó để làm gì!”, ông Bài nói.
Tỉnh sẽ xem xét thật kỹ
Chiều 16.1, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình, cho biết đến thời điểm hiện tại, Sở vẫn chưa tiếp nhận hồ sơ dự án cổng vào vườn quốc gia (VQG) kết hợp Trạm kiểm soát lâm sản khu vực phía bắc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Khi hồ sơ đầy đủ các loại giấy tờ đầu tư theo quy định của pháp luật, Sở Xây dựng mới tiếp nhận và tiến hành các bước thẩm định dự án.
Cũng trong chiều qua, trả lời PV Thanh Niên, ông Trần Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho hay: “Cái này cuộc họp trước đã đưa ra các phương án rồi, nhưng cũng chưa thống nhất. Tính toàn vẹn của di sản là quan trọng nhất. Thiết kế phải phù hợp với cảnh quan môi trường, đảm bảo hài hòa giữa thiên nhiên, trong đó nâng lên ý tưởng bảo vệ, bảo tồn di sản và phù hợp với ngân sách của tỉnh”. Còn ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết cổng chào VQG do ban quản lý vườn lập báo cáo kinh tế, kỹ thuật, hiện đang lấy ý kiến các sở, ngành liên quan. "Cá nhân tôi cũng đã xem sơ qua và giao cho các ngành tham mưu cụ thể. Các VQG trong nước đều có cổng. Cổng là nơi để chụp ảnh lưu niệm, cổng cũng nhắc nhở ranh giới của vườn; làm quy mô vừa thôi, tất nhiên là không để ảnh hưởng đến cảnh quan và không được bê tông hóa gây phản cảm. Tỉnh sẽ xem xét thật kỹ”, ông Nguyễn Hữu Hoài nói.
Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.