COP29 đến gần, các nước vẫn chia rẽ về cách chi tiền

Bảo Hoàng
Bảo Hoàng
30/08/2024 21:27 GMT+7

Chưa đầy 3 tháng nữa hội nghị về khí hậu COP29 sẽ diễn ra nhưng các quốc gia vẫn chưa thống nhất được mục tiêu về nguồn tiền tài trợ.

Tài liệu đàm phán được cơ quan phụ trách vấn đề khí hậu của Liên Hiệp Quốc công bố ngày 29.8 chỉ ra sự chia rẽ trong lập trường của các quốc gia, trước thềm Hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 29 (COP29) sẽ diễn ra tại Azerbaijan vào tháng 11, Reuters đưa tin ngày 30.8.

Tài liệu đã nêu ra 7 đề xuất về một thỏa thuận tài chính tại COP29. Mục tiêu mới được đặt ra là thay thế cam kết để các nước phát triển tài trợ 100 tỉ USD mỗi năm nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu.

COP29 đến gần, các nước vẫn chia rẽ về cách chi tiền- Ảnh 1.

Bộ trưởng phụ trách vấn đề khí hậu của các nước họp tại Đan Mạch hồi tháng 3

ẢNH: REUTERS

Các nước đang phát triển và dễ chịu tổn thương từ thời tiết cực đoan muốn con số tài trợ lớn hơn 100 tỉ USD. Những quốc gia tài trợ như Canada và những thành viên Liên minh châu Âu (EU) cho rằng tăng thêm ngân sách quốc gia cho tài trợ công là không thực tế.

Một trong 7 đề xuất được đưa ra bao gồm đặt mục tiêu cho các nước phát triển từ năm 2025 - 2029 tài trợ 441 tỉ USD/năm, kết hợp mục tiêu huy động 1,1 tỉ USD/năm nếu tính tài trợ từ mọi nguồn lực, bao gồm nguồn tài chính tư nhân. Đây là lập trường được các nước Ả Rập ủng hộ.

Đề xuất khác phản ánh lập trường của EU là đặt ra mục tiêu tài chính khí hậu 1.000 tỉ USD/năm, bao gồm đầu tư trong nước của quốc gia và nguồn vốn tư nhân. Ngoài ra, trong số tiền 1.000 tỉ USD nêu trên có đóng góp của các nước “có lượng khí thải nhà kính cao và tiềm lực kinh tế mạnh”.

EU đã yêu cầu Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đóng góp vào mục tiêu mới được đưa ra về tài chính khí hậu. Bắc Kinh được Liên Hiệp Quốc phân vào nhóm quốc gia đang phát triển và đã bác bỏ ý tưởng nước này phải chi tiền.

Các nhà đàm phán dự đoán rằng vấn đề quốc gia nào tài trợ cho mục tiêu khí hậu sẽ là một trong những rào cản lớn nhất cản trở khả năng nhất trí một thỏa thuận tài chính tại COP29.

Một đề xuất khác được Canada ủng hộ là thay đổi danh sách những quốc gia cần chi tiền, dựa theo lượng khí thải bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người. Nếu dựa trên cách tính này, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Qatar và một số quốc gia khác sẽ được thêm vào danh sách phải đóng góp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.