Giữ được đất đai trước nạn lấn chiếm đã khó, bảo vệ được chủ quyền trong suốt quá trình phân giới cắm mốc (PGCM) cũng gian nan không kém.
>> Cột thiêng nơi địa đầu Tổ quốc
>> Kỳ 2: Sức mạnh của lý lẽ
Ngày 30.12.1999 tại Hà Nội, thay mặt hai nhà nước, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triền đã ký Hiệp ước về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc (TQ). Hiệp ước này được coi là nền tảng cho việc xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định lâu dài giữa hai quốc gia.
Tuy nhiên, Hiệp ước 1999 mới chỉ xác định đường biên giới bằng lời văn và trên bản đồ. Để thực thi chủ quyền quốc gia, tiến hành bảo vệ và quản lý lãnh thổ trên thực địa, hai bên cần tiến hành PGCM, chuyển đường biên giới từ lời văn trong hiệp ước và bản đồ ra thực địa.
Ngày 26.7.2002, mốc đôi mang số hiệu 261 đã được cắm tại cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) và Thiên Bảo (Vân Nam, TQ). Đây là cột mốc phân định biên giới đầu tiên được cắm trên tuyến biên giới kéo dài hơn 277 km giữa Hà Giang và các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (TQ).
Lúc ấy có lẽ không ai nghĩ rằng phải mất thêm tới hơn 6 năm nữa cột mốc cuối cùng giữa Hà Giang và Vân Nam/Quảng Tây mới được hoàn thành.
|
Đường biên giữa Hà Giang và Vân Nam, Quảng Tây chỉ chiếm chưa đến 20% trong tổng chiều dài 1.449,566 km đường biên giới Việt Nam - TQ, nhưng lại thuộc một trong những địa bàn khó khăn nhất. Đoạn biên giới thuộc Hà Giang có tới 32 khu vực C (*), địa hình núi đá hiểm trở, chia cắt, lượng bom mìn, vật nổ còn sót lại từ thời kỳ chiến tranh khá lớn. Khí hậu khắc nghiệt, giao thông, đi lại vô cùng gian khổ. Các khu vực cắm mốc phần lớn có cơ sở hạ tầng yếu kém. Nhiều nơi không có đường giao thông, xa khu dân cư. Có những nơi nhóm PGCM phải đi bộ 3-4 ngày mới vào được khu vực đóng trại để thực hiện công tác song phương.
Các loại vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị cùng mốc (trong đó mốc đại 950 kg, mốc trung 500 kg, mốc tiểu 300 kg) phần lớn đều phải vận chuyển bằng sức người đến vị trí mốc giới. Vào mùa mưa các trận lũ ống, lũ quét thường xuyên đe dọa an toàn của các đội công tác. Mùa khô lại thường có sương mù dày đặc, lâu tan, làm hạn chế việc quan sát, định hướng đi của đường biên..
Đó là còn chưa kể đến các lực lượng quân sự mà phía bên kia vẫn duy trì ở các điểm cao mà họ chốt giữ từ năm 1979 thường xuyên có hành động ngăn cản lực lượng rà phá vật cản phục vụ PGCM của ta...
“Ban chỉ đạo của Chính phủ về PGCM biên giới trên đất liền Việt Nam - TQ lúc đó đã xác định Hà Giang hoàn thành công tác PGCM cũng có nghĩa là toàn tuyến hoàn thành”, thượng tá Triệu Quyết Long, nguyên nhóm trưởng nhóm PGCM số 6 nói.
Thâm niên gắn bó với PGCM ở Hà Giang, có lẽ ít ai vượt qua được thượng tá Triệu Quyết Long. Gần 30 năm phục vụ trong quân ngũ thì non nửa quãng thời gian đó ông được biệt phái phục vụ cho công tác đặc biệt này. Lần đầu là giai đoạn khảo sát nắm tư liệu kéo 6 năm (1993-1998) phục vụ cho đàm phán Hiệp ước biên giới trên đất liền. Trong giai đoạn triển khai cắm mốc trên thực địa (2000-2008) ông lại tiếp tục được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ làm nhóm trưởng của một trong ba nhóm công tác PGCM của Hà Giang.
“Một trong những thách thức lớn nhất cho các nhóm PGCM thời điểm đó là làm thế nào để có thể chuyển cột mốc đường biên đã được xác lập trên bản đồ ra thực địa một cách chính xác nhất”, thượng tá Long nhớ lại. Trong Hiệp ước biên giới trên đất liền ký năm 1999, đường biên giới mới chỉ được mô tả bằng lời văn và được vẽ trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50.000. Trên bản đồ chỉ là một chấm kim nhưng khi chuyển ra thực địa có thể sai lệch hàng chục, thậm chí hàng trăm mét.
Trùng trùng áp lực
Trong quá trình đối chiếu bản đồ với thực địa chỉ cần sai lệch với nhau vài chục centimet trên thực địa là các nhóm công tác của Việt Nam và TQ đã phải bàn cãi quyết liệt. Có trường hợp như mốc 499 tại xóm Mỏ Phàng (xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc), các đội công tác của hai bên phải mất 53 ngày tác nghiệp ngoài thực địa để xác định, trong đó có tới 14 lần hai bên cùng ra hiện trường tranh cãi kịch liệt mới định vị được vị trí mốc. Theo thượng tá Long, do cả ta và phía TQ đều tận dụng tối đa các sai số cho phép nên đấu tranh trên thực địa cực kỳ cam go. “Sai số chỉ có giới hạn cho phép, nếu để xảy ra ngoài sai số đó, chúng tôi chắc chắn bị kỷ luật nặng... ”, thượng tá Long nói.
Thực tế cho thấy việc giám sát công tác PGCM đã được thực hiện cực kỳ gắt gao. Trên toàn tuyến có 6 tỉnh (gồm 12 nhóm PGCM) phía VN đã phải thay thế tới 5 nhóm trưởng trong quá trình công tác. Thậm chí có nhóm phải thay đến người thứ bảy. “Khi làm, nếu như có sai số lớn quá mức cho phép sẽ có quyết định thay ngay. Vì nếu sợ làm tiếp sẽ có nhiều bất lợi. Nói chung những thành viên của các nhóm công tác thời kỳ đều chịu những áp lực cực kỳ lớn từ nhiều phía”, thượng tá Long kể lại.
Thời gian đầu việc PGCM trên toàn tuyến biên giới diễn ra vô cùng chậm chạp và căng thẳng. Nhiều điểm mốc không giải quyết nổi vì quan điểm hai bên khác nhau quá xa. Từ năm 2002-2003, Hà Giang chỉ xác định được 18 mốc chính và 18 mốc phụ, trong đó cắm hoàn chỉnh 14 mốc chính. Tổng quãng đường biên chung được xác định trong 2 năm ròng rã ấy chỉ dài vỏn vẹn 6,837 km.
Nếu theo tiến độ này, để hoàn thành PGCM, riêng Hà Giang có thể mất ngót nghét 90 năm!
Và có thể còn lâu hơn nữa...
Nguyên Phong
(*) Là các khu vực có tranh chấp, hoặc nhận thức khác nhau về hướng đi của đường biên giới. Trên toàn tuyến biên giới phía Bắc có 164 khu vực C và các cuộc đàm phán trước khi hai nước ký kết Hiệp ước về biên giới đất liền VN-TQ tháng 12.1999 chủ yếu tập trung vào việc xử lý 164 khu vực C này.
Bình luận (0)