Cột thiêng nơi địa đầu Tổ quốc - Kỳ 5: Vì một đường biên bình yên

21/02/2012 03:50 GMT+7

Ngày 14.7.2010, Hiệp định biên giới trên đất liền VN - TQ và đường biên giới mới chính thức đi vào cuộc sống khi ba văn kiện quan trọng sau phân giới cắm mốc (PGCM) có hiệu lực. >> Kỳ 4: Dù chỉ vài centimet...

Ngày 14.7.2010, Hiệp định biên giới trên đất liền VN - TQ và đường biên giới mới chính thức đi vào cuộc sống khi ba văn kiện quan trọng sau phân giới cắm mốc (PGCM) có hiệu lực.

>> Kỳ 4: Dù chỉ vài centimet...

Theo thống kê của UBND Hà Giang, từ năm 2000 đến nay, lực lượng quản lý bảo vệ biên giới 2 bên đã tiến hành trao đổi 2.394 lượt thư, tổ chức 1.081 lần hội đàm, qua đó đã “góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, giải quyết tốt các vụ xảy ra trên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác PGCM tại thực địa trên đoạn biên giới tỉnh Hà Giang, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương biên giới 2 nước”.

Tuy nhiên, tình hình an ninh biên giới vẫn có những diễn biến phức tạp. Tháng 9.2010, chỉ hai tháng sau khi ba văn kiện biên giới “hậu PGCM” chính thức có hiệu lực đã xảy ra một vụ xâm phạm chủ quyền đặc biệt nghiêm trọng. Lợi dụng thỏa thuận tận thu cây kinh tế lâu năm ở khu vực quy thuộc (1), phía TQ đã ra tay chặt phá một diện tích cây rừng lớn ở khu vực các xã Tùng Vài, Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ).

Chỉ trong vài ngày họ đã huy động hàng trăm người dùng cưa máy triệt hạ cây rừng trên một diện tích hàng chục km2 không phân biệt cây to, cây nhỏ. Do khu vực bị chặt phá nằm sát tuyến đường vành đai biên giới của TQ nhưng lại thuộc khu vực vùng sâu của VN (từ huyện Quản Bạ vào Đồn biên phòng Tùng Vài là 10 km, từ đồn ra khu vực bị chặt phá thêm 20 km nữa, đường rất khó đi) nên phải mất vài  ngày các lực lượng của ta mới hoàn toàn ngăn chặn được hoạt động này.

Theo đại tá Nguyễn Xuân Bốn, Tham mưu trưởng BCH bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang, khả năng xung đột thậm chí đã được xác định có thể xảy ra vì phía TQ tỏ thái độ quyết lấy còn ta cương quyết giữ.

“Nhưng cuối cùng họ đã không dám vì thấy ta thể hiện thái độ mạnh mẽ”, đại tá Bốn nói.

Sau quá trình đấu tranh quyết liệt từ cấp xã, cấp đồn đến cấp châu/tỉnh, cuối cùng phía TQ đã phải chấp nhận để nguyên số gỗ mà họ vừa chặt phá tại hiện trường cho VN. Nhưng phía VN cũng chịu hậu quả nặng nề khi mà một diện tích rừng tự nhiên, nguyên sinh lên đến hàng chục héc ta bị chặt phá. Tổng số gỗ mà phía TQ triệt hạ mà ta thu giữ được lên tới hơn 1.000m3.

Đến ngày 15.7.2011 lại xảy ra vụ việc gây bức xúc lớn. Bốn công dân Việt Nam gồm 1 thanh niên và 3 cháu nhỏ ở xã Phố Là (huyện Đồng Văn) khi đi cắt cỏ khu vực mốc 382 đã bị lực lượng tuần tra TQ bắt giữ và có hành vi đánh đập thô bạo. Cháu Hầu Như Tro, 12 tuổi, dân tộc Mông, phải đi cấp cứu tại Bệnh viện H.Đồng Văn, sau phải chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang do bị chấn thương nội tạng nặng.


Tuần tra bảo vệ biên giới - Ảnh: Trường Sơn

Chủ quyền là ở lòng dân

Từ cuối năm 2003, UBND Hà Giang đã có Chỉ thị số 39 về “Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm bản khu vực biên giới”. Sau khi PGCM hoàn thành, các xóm, bản, hộ gia đình có nhà cửa hoặc nương rẫy gần khu vực đường biên, cột mốc đã được bàn giao quản lý, bảo vệ các phần đường biên, cột mốc này. Khi có bất cứ vấn đề gì phát sinh thì bà con báo ngay cho các lực lượng chức năng của xã hoặc đồn biên phòng để kịp thời giải quyết.

Trung úy Nguyễn Huy Quyết, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy, cho biết không chỉ cung cấp, thông báo các thông tin mới nhất liên quan đến đường biên, bà con còn dành chỗ nghỉ ngơi cho cán bộ, chiến sĩ.“Bà con dân tộc các xã biên giới có điều kiện sống còn rất nghèo nhưng ý thức bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới rất cao”, trung úy Quyết nói.

Một công tác khác quan trọng khác được Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang thường xuyên thúc đẩy đó là tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng. Việc tăng cường công tác đối ngoại biên phòng, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin tình hình có liên quan, theo đại tá Bốn đã “giúp hai bên có những xử lý, giải quyết hiệu quả với các loại tội phạm đặc biệt là tội phạm bắt cóc, buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới”.

Trong quy chế quản lý biên giới sau khi ký hai bên sẽ có những cuộc tuần tra chung của lực lượng biên phòng để phối hợp quản lý biên giới. Nhưng theo Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang thì “Hà Giang chưa thực hiện được buổi tuần tra chung nào”.

Theo đại tá Bốn, đã khá nhiều lần phía TQ chủ động đề xuất mượn đường của ta, mời ta tuần tra chung. Khi phía VN chấp nhận, xây dựng kế hoạch, lên các phương án chuẩn bị thì đến sát ngày, thậm chí nhiều lần chỉ 1, 2 tiếng trước thời điểm xuất phát, phía TQ lại “lịch sự” thông báo vì lý do đột xuất nên xin hoãn lại. Đề xuất tuần tra chung được đưa ra từ hai năm nay rồi nhưng chưa thực hiện được lần nào vì liên tục phía TQ lặp lại chuyện đó. Lý do thực ra cũng không có gì khó hiểu: hầu hết các vụ vi phạm trên đường biên đều do phía người dân TQ gây ra. Việc cùng với lực lượng biên phòng Việt Nam xử lý các trường hợp này dường như đẩy phía đối diện vào một tư thế khó.

“Có lẽ vì thế mà lực lượng bảo vệ đường biên của TQ vẫn chưa mặn mà với việc tuần tra chung lắm”, đại tá Bốn kết luận.

Nguyên Phong

(1) Mặc dù đường biên giới mới đã có hiệu lực nhưng cũng tồn tại những khu vực quy thuộc (trước thuộc bên này nay thuộc bên kia và ngược lại) chưa được bàn giao chính thức mà các bên tự căn cứ vào các văn kiện pháp lý để quản lý. Tại Hà Giang, một số khu vực quy thuộc vẫn còn những cây kinh tế lâu năm do người dân hai bên trồng từ  nhiều năm qua. Hai bên đã thống nhất cho phép tận thu lâm sản ở các khu vực quy thuộc là tới trước thời điểm 30.10.2010.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.