Covid-19 diễn biến khó lường

15/03/2021 06:00 GMT+7

Dù đã triển khai tiêm vắc xin nhưng đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và khó lường, nhiều nơi hứng chịu làn sóng lây nhiễm mới và phải tái phong tỏa.

Nhiều nước chật vật

Từ hôm nay 15.3, nhiều vùng đô thị lớn ở Ý trong đó có Rome, Milan, Venice sẽ bước vào đợt phong tỏa mới cho đến ngày 6.4 để ngăn dịch Covid-19. Người dân trong những vùng báo động đỏ sẽ không được rời khỏi nhà trừ đi làm hoặc lý do sức khỏe, trong khi toàn bộ các hoạt động kinh doanh không thiết yếu đều bị đóng cửa.
Quy định phong tỏa sẽ được áp dụng trên toàn quốc trong 3 ngày cuối tuần dịp lễ Phục sinh từ ngày 3 - 5.4. Thủ tướng Mario Draghi cho rằng các biện pháp này là cần thiết vì cả nước đang đối diện làn sóng mới, cộng với sự lây lan của các biến thể vi rút nguy hiểm. Trong một tuần qua, Ý có tổng cộng 150.175 ca nhiễm mới, cao hơn gần 15% so với tuần trước.

Cảnh sát lăm lăm tiểu liên phá tiệc 600 người giữa lúc dịch Covid-19 hoành hành Brazil

Ở diễn biến tích cực, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong cuộc phỏng vấn với BBC dự đoán nước này có thể mở cửa biên giới vào cuối năm nay. Hiện tại, Singapore đang đàm phán với Úc để khôi phục việc đi lại giữa hai nước từ tháng 7 mà không cần công dân phải cách ly.
Những dấu hiệu hồi phục cũng được ghi nhận tại các sân bay ở Mỹ. Theo số liệu của Cơ quan An toàn giao thông vận tải Mỹ, số lượng hành khách làm thủ tục tại các sân bay ngày 12.3 đạt mức 1,35 triệu người, con số cao nhất kể từ ngày 15.3.2020.
Tại Pháp, Thủ tướng Jean Castex không loại trừ khả năng phong tỏa thủ đô Paris và các khu vực lân cận khi tình hình bị cho là ở mức nguy cấp. Một số bệnh viện tại khu vực này mới đây đã phải chuyển bớt bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt sang những nơi khác để giảm tải.
Tại Đức, hàng ngàn người biểu tình tại các thành phố cuối tuần qua nhằm phản đối các biện pháp phòng chống Covid-19 của chính phủ, bất chấp số ca nhiễm đang tăng lên và cơ quan phòng dịch cảnh báo làn sóng thứ ba đã bắt đầu.
Tại châu Á, nhà chức trách Campuchia báo động về tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh. Tờ Khmer Times hôm qua đưa tin vừa có thêm 41 ca nhiễm liên quan đến một ổ dịch bùng phát hồi tháng 2. Ổ dịch này đến nay đã lan ra 10 tỉnh thành với 792 ca dương tính. Tính đến hôm qua, Campuchia có tổng cộng 1.305 ca bệnh trong đó 647 ca đã hồi phục và chỉ 1 trường hợp tử vong.
Tại Philippines, nhà chức trách hôm qua thông báo có gần 4.900 ca nhiễm mới trong khi tổ chức nghiên cứu OCTA dự báo số ca nhiễm mỗi ngày có thể tăng lên mức 8.000 ca vào cuối tháng 3 nếu tình hình hiện tại không được kiểm soát. Tính đến hôm qua, có 98 ca nhiễm biến thể mới P.3, được phát hiện đầu tiên tại Philippines. Nhà chức trách cho biết vẫn cần thêm dữ liệu để xác định biến thể này có lây lan mạnh hay gây triệu chứng nặng hơn hay không.

Biến thể Covid-19 mới tại Anh dễ lây lan, gây tử vong cao hơn

Ngoài ra, 3 biến chủng B.1.1.7 phát hiện đầu tiên tại Anh, B.1.351 tại Nam Phi và P.1 tại Brazil đều đang hiện diện tại Philippines. Những biến chủng này đều có khả năng lây nhiễm cao, đặc biệt là biến chủng B.1.351 được cho là có khả năng gây vô hiệu hóa các vắc xin. Hiện chưa rõ mức độ nguy hiểm của biến chủng tại Philippines nhưng Kyodo News dẫn lời giới chuyên gia cho rằng biến chủng này cũng có thể gây nguy cơ tương tự các loại ở Anh, Nam Phi và Brazil.

Lo ngại về vắc xin

Trong khi đó, Hồng Kông đang đối diện đợt sóng thứ năm khi ghi nhận hàng chục ca nhiễm mới mỗi ngày, liên quan đến một phòng gym tại khu Tây Doanh Bàn ở quận Tây, theo tờ South China Morning Post.

Không tìm thấy nguy cơ tăng đông máu khi tiêm vắc xin AstraZeneca

Cùng ngày, các quan chức y tế đặc khu tiết lộ vừa có thêm 2 trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc xin của Sinovac. Trong đó, một trường hợp là người đàn ông 80 tuổi có bệnh tiểu đường và tăng huyết áp. Ông này bị đột quỵ sau khi tiêm vắc xin nhưng nhà chức trách nói nguyên nhân tử vong là bệnh thiếu máu ruột cục bộ. Trường hợp còn lại là một phụ nữ 67 tuổi bị bệnh tiểu đường, tăng huyết áp và mỡ máu cao.
Mặt khác, Cơ quan Quản lý sản phẩm y tế Ireland hôm qua khuyến cáo tạm ngừng sử dụng vắc xin của AstraZeneca sau khi vừa xuất hiện thêm 3 trường hợp tại Na Uy mắc triệu chứng đông máu sau khi tiêm vắc xin của hãng này. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng chưa tìm ra sự liên quan giữa những triệu chứng này với việc tiêm vắc xin và nhấn mạnh không có lý do gì để ngừng triển khai vắc xin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.