Không chỉ ảnh hưởng đến đà phát triển của kinh tế, xã hội... đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong những tháng gần đây đang tạo nên những “kỷ lục” buồn đối với ngành sản xuất kinh doanh ô tô tại Việt Nam.
Lần đầu tiên nhiều nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô phải tạm dừng hoạt động để phòng dịch. Lần đầu tiên hàng loạt hệ thống đại lý đóng cửa, chuyển sang kinh doanh trực tuyến khiến nhiều lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Lần đầu tiên, doanh số bán ô tô giảm kỷ lục, về mức thấp nhất trong vòng gần 10 năm qua. Và, cũng lần đầu tiên báo cáo bán hàng của Hiệp Hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) lại chỉ ra nhiều con số thể hiện sự khó khăn của các nhà sản xuất kinh doanh ô tô tại Việt Nam như tháng 8 vừa qua!
|
5 tháng liên tiếp sụt giảm, thị trường ô tô chạm đáy
Cụ thể, theo báo cáo bán hàng mới nhất của Hiệp Hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 8.2021, tổng doanh số bán hàng của các thành viên thuộc VAMA chỉ đạt 8.884 xe các loại, giảm 32% tương đương 7.151 xe so với tháng 7.2021. Như vậy, sau cú “quay đầu” từ tháng 4 đến nay, đà sụt giảm doanh số của thị trường ô tô đã kéo dài 5 tháng liên tiếp.
Thị trường ảm đạm, đà sụt giảm doanh số trải đều ở tất cả các phân khúc. Trong đó, ô tô du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi lượng tiêu thụ trong tháng 8.2021 chỉ dừng lại ở mức 6.231 xe, giảm 40% so với tháng 7.2021. Xe thương mại giảm 55% và xe chuyên dụng cũng giảm tới 33%.
|
Theo VAMA, kết quả bán hàng trong tháng 8.2021 vừa qua đã ghi nhận một kỷ lục buồn khi là tháng có doanh số bán ô tô thấp nhấp trong lịch sử của thịtrường ô tô Việt Nam kể từ năm 2015 đến nay. Trước đó, vào tháng 2.2016 - thời điểm sau Tết Nguyên đán sức mua ô tô giảm mạnh nhưng doanh số bán hàng của các thành viên VAMA vẫn đạt mức 11.718 xe.
Cộng dồn số liệu bán hàng của VAMA cũng như các thương hiệu như Hyundai (đạt 2.182 xe) do TC Motor lắp ráp phân phối hay VinFast (đạt 2.310 xe)... Tổng doanh số bán ô tô của toàn thị trường đạt 13.376 xe các loại, giảm 10.472 xe, tương đương 45% so với tháng 7.2021.
|
Những con số này cho thấy diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã gây nên những tác động tiêu cực lên thị trường ô tô Việt Nam. Kinh tế khó khăn cùng với việc hạn chế đi lại… khiến phần lớn người dân không mấy mặn mà với việc mua sắm những tài sản có giá trị lớn như ô tô.
Nhà sản xuất, phân phối ô tô “thấm đòn” Covid-19
Kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát vào ngày 27.4 đến nay, có nhiều nhà máy của thành viên VAMA đã có những quãng thời gian tạm dừng sản xuất. Với những doanh nghiệp đã có thể hoạt động trở lại và các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất bình thường lại gặp một trở ngại như lượng xe tồn kho rất lớn do việc dừng hoạt động của các đại lý.
|
Theo số liệu VAMA ước tính, khoảng hơn 200 đại lý ô tô thuộc thành viên VAMA vẫn đang đóng cửa và chưa thể mở cửa trở lại. Cùng với đó là hơn 200 xưởng dịch vụ cũng không thể hoạt động. Có thể nói chuỗi cung ứng và các hoạt động phân phối đã bị đình trệ và bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều công ty đã ghi nhận mức sụt giảm doanh số trên 60%.
Bất chấp đã nỗ lực làm mới mẫu mã, giảm giá bán bằng nhiều hình thức ưu đãi khác nhau... doanh số bán hàng của nhiều thương hiệu ô tô tại Việt Nam đã giảm về mức “chạm đáy”. Trong đó, doanh số Hyundai - thương hiệu bán nhiều ô tô nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm này chỉ đạt 2.182 xe, giảm gần 50% so với tháng 7.2021.
|
Thương hiệu ô tô Việt - VinFast bán chạy nhất tháng 8.2021 nhưng cũng chỉ ở mức 2.310 xe, giảm gần 40% so với tháng 7.2021. Doánh số Mitsubishi giảm 76%, Ford giảm 70%, Honda giảm 55%, Toyota giảm 38%, KIA giảm 34%, Mazda giảm 28%... so với tháng 7.2021.
Cộng dồn 8 tháng đầu năm 2021, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô giảm 13% so với 2019 (thời điểm chưa có Covid-19). Ở thời điểm hiện tại, nhiều tỉnh, thành phố đã đẩy nhanh kế hoạch tiêm vắc-xin và dần gỡ bỏ các biện pháp giãn cách để mở cửa trở lại. Tuy nhiên, với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ô tô... khó có thể hồi phục trong những tháng cuối năm nếu không có chính sách hỗ trợ giảm thuế phí để kích cầu.
Bình luận (0)