Quốc hội mới đây thảo luận về dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Luật này được tách một phần từ luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Được dừng xe mà không cần "chuyên đề"?
Điều 61 dự thảo quy định 4 trường hợp CSGT được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm tra, kiểm soát.
Trong số trên, CSGT được dừng phương tiện đối với những hành vi mà buộc phải dừng phương tiện để kiểm soát trực tiếp thì mới phát hiện được, gồm: điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, trong cơ thể có chất ma túy hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng; điều kiện của phương tiện tham gia giao thông đường bộ; điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; quy định về bảo đảm TTATGT trong vận tải đường bộ.
CSGT có được quyền dừng xe khi không vi phạm gì?
Quy định này của dự thảo có phần khác biệt so với Thông tư 32/2023 của Bộ Công an (đang có hiệu lực) quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát của CSGT.
Theo đó, CSGT được dừng xe khi thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm TTATGT đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm TTATGT đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành.
Như vậy, dự thảo không còn nhắc tới quy định CSGT dừng xe theo kế hoạch tuần tra đã được cấp thẩm quyền ban hành, thay vào đó là được dừng xe để kiểm tra các hành vi "buộc phải dừng phương tiện để kiểm soát trực tiếp thì mới phát hiện được".
CSGT chịu trách nhiệm về quyết định của mình
Vừa qua, công dân gửi thắc mắc tới Bộ Công an về việc đang lái xe ô tô trên đường, không vi phạm gì nhưng vẫn bị CSGT yêu cầu dừng xe để thổi nồng độ cồn, làm mất thời gian. Việc dừng xe như vậy có đúng không, theo quy định nào; nếu tài xế thấy mình không vi phạm nên không chấp hành hiệu lệnh dừng xe thì có bị xử phạt?
Trả lời vấn đề trên, Bộ Công an dẫn quy định tại điều 87 luật Giao thông đường bộ năm 2008. Theo đó, CSGT thực hiện việc tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Tại điều 60 dự thảo luật TTATGT đường bộ, tinh thần này tiếp tục được khẳng định, thông qua quy định lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ (trong đó có CSGT) phải chịu trách nhiệm về quyết định, hành vi của mình theo quy định pháp luật.
Vẫn theo Bộ Công an, Thông tư 32/2023 của Bộ Công an quy định cụ thể các trường hợp cán bộ CSGT được dừng phương tiện để kiểm soát, gồm: trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác; thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề; có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác…
Trường hợp không chấp hành mệnh lệnh, theo quy định tại Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021), người điều khiển xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông thì bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng; nếu vi phạm mà gây tai nạn giao thông thì bị tước giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 15.11
Cần cơ chế kiểm soát, tránh tùy tiện
Nêu quan điểm về việc dự thảo luật TTATGT đường bộ không còn nhắc tới quy định CSGT dừng xe theo chuyên đề, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng nếu luật này được thông qua thì Thông tư 32/2023 sẽ không còn hiệu lực. Lý do, thông tư trên được ban hành căn cứ vào luật Giao thông đường bộ năm 2008, trong khi đó luật TTATGT được ban hành sau, phải áp dụng theo luật mới.
Luật sư nhận định, quy định như dự thảo có thể góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm; đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của người dân.
Tuy nhiên, luật sư đề nghị cần có sự giải trình về mục đích, tác động và hiệu quả từ sự thay đổi nêu trên; cùng với đó là xây dựng các cơ chế kiểm soát để tránh tình trạng lạm dụng, tùy tiện.
Bình luận (0)