Sáng 10.11, sau khi nghe tờ trình 2 dự án luật Đường bộ và luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (được tách ra từ luật Giao thông đường bộ 2008), Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về các dự án luật này.
Nêu quan điểm về sự cần thiết ban hành luật, đại biểu Nguyễn Thanh Phong (đoàn Vĩnh Long) cho rằng không nên tách luật Giao thông đường bộ 2008 ra làm 2 luật như đang trình Quốc hội. Lý do là 2 luật này bổ trợ cho nhau, nếu tách ra sẽ chồng chéo, trùng lặp. Thay vào đó, nên xem xét luật Giao thông đường bộ 2008 còn tồn tại, hạn chế gì thì bổ sung, điều chỉnh.
Dù bày tỏ đồng tình với việc tách luật Giao thông đường bộ thành 2 dự án luật Đường bộ và luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, song đại biểu Dương Tấn Quân (bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết dư luận và các đại biểu còn ý kiến khác nhau.
"Một số dư luận đề nghị xem xét có nên tách 2 luật Đường bộ và luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ hay không. Có nhiều ý kiến, trao đổi, bàn tán. Tôi đề nghị ban soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng, tổng kết thi hành luật Giao thông đường bộ 2008, đưa ra cơ sở pháp lý, thực tiễn để đạt được sự đồng thuận cao nhất. Riêng quan điểm của tôi, tôi ủng hộ tách 2 luật để rõ ràng, tách biệt, chuyên sâu", ông Quân nêu.
Tách luật Giao thông đường bộ: 'Bây giờ phải ủng hộ, cơ sở chính trị có rồi, nhưng khó'
"Bây giờ phải ủng hộ rồi nhưng nó khó"
Trong khi đó, đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) nói việc tách luật "bây giờ mình phải ủng hộ rồi, cơ sở chính trị có rồi, nhưng nó khó".
"Hai luật chẻ ra từ một luật, cái gì bóc tách ra, theo tôi phải rà soát kỹ mới chuẩn được. Cái này rất khó, dân đọc vào rất khó hiểu… Tôi nghĩ là khó, phải tính toán chỗ này nếu không là trùng", ông Phàn nói.
Ông Phàn cho biết, luật trước đây theo hướng là giao thông đường bộ, phần đường bộ thì đã có quy hoạch, xây dựng, làm ra sản phẩm bàn giao cho xã hội sử dụng. Khi đó, người ta mới nghĩ tới giao thông trên đường thế nào cho an toàn. Tới nay tách luật ra thì rất dễ trùng lắp.
Ông dẫn ví dụ việc lấn chiếm đường thì là vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ chứ không phải vi phạm luật đường bộ. "Sau này, nếu như lấn chiếm đường thì xử theo luật Đường bộ hay luật Trật tự giao thông đường bộ?", ông Phàn nêu.
Tương tự, Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nói, nếu tách luật ra thì không biết là hệ thống biển báo trên đường, hay hệ thống camera theo dõi trên các tuyến đường thì ai làm. "Ngay cả cái đó hệ thống quản lý nhà nước cũng rối", ông Phàn nhìn nhận.
"Trước đây, chỉ là luật Giao thông đường bộ thôi, bây giờ tách thành 2 luật Đường bộ và luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tôi nói đùa không biết sau này mình có luật Đường thủy và luật Trật tự an toàn giao thông đường thủy không? Rồi luật Hàng không và Trật tự an toàn giao thông hàng không, luật Đường sắt và Trật tự an toàn giao thông đường sắt không?", ông Phàn nói.
Ông cũng gợi mở, theo hướng tách thì nên chăng làm một luật về kết cấu hạ tầng giao thông quy định tất cả các loại đường. Còn sang khai thác, sử dụng thì thuộc lĩnh vực khác và quy định ở một luật khác.
Nhiệm vụ của Quốc hội là thể chế hóa
Báo cáo tại thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trước đây còn tranh luận có nên tách 2 luật hay không, nay Quốc hội đã nhất trí với chủ trương này. Tuy nhiên, ông Tô Lâm cho hay, vẫn còn đại biểu băn khoăn nên ông muốn nói đến căn cứ chính trị rất quan trọng là Chỉ thị số 23 ngày 25.5 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.
"Chỉ thị này mới triển khai được mấy tháng. Trong chỉ thị này nêu rất rõ quan điểm của Đảng và Ban Bí thư là xây dựng 2 luật này", ông Tô Lâm nói, và khẳng định nhiệm vụ, trách nhiệm của Quốc hội là thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm của Đảng về vấn đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo đúng tinh thần của chỉ thị. "Cái đó là rất quan trọng", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Việc tách luật Giao thông đường bộ thành 2 luật Đường bộ và luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV năm 2020. Tuy nhiên, tại kỳ họp này, do còn ý kiến khác nhau về việc tách luận nên sau khi lấy phiếu ý kiến, Quốc hội đã quyết định trả lại luật để Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện.
Bình luận (0)