CSGT không còn phải công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát

15/09/2023 06:25 GMT+7

Từ hôm nay (15.9), Thông tư 32/2023 của Bộ Công an sẽ chính thức có hiệu lực. Thông tư này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng CSGT. Một trong những điểm mới được Bộ Công an đề cập là việc công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT.

Theo quy định trước đây tại Thông tư 65/2020, lực lượng CSGT phải thông báo công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát. Nội dung thông báo công khai gồm: đơn vị làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; tuyến đường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; loại phương tiện, hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện kế hoạch.

CSGT không còn phải công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát - Ảnh 1.

Thông tư 32/2023 của Bộ Công an có hiệu lực từ hôm nay 15.9

Phúc Bình

Tuy nhiên với thông tư mới, Bộ Công an không còn quy định nội dung trên. Thay vào đó, cơ quan này quy định chi tiết về việc phân cấp tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát của CSGT. Ví dụ, thẩm quyền tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của Cục CSGT là trên các tuyến đường cao tốc đi qua địa giới hành chính từ hai tỉnh trở lên; của phòng CSGT là các tuyến cao tốc chỉ nằm trong phạm vi địa giới một tỉnh, các tuyến quốc lộ trọng điểm, tuyến đường đô thị thuộc TP trực thuộc T.Ư; của công an cấp huyện là các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện không thuộc phạm vi quản lý của phòng CSGT…

CSGT không còn công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát từ ngày 15.9

Giải thích về sự thay đổi trên, đại diện Cục CSGT Bộ Công an cho biết kế hoạch tuần tra, kiểm soát là mệnh lệnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, trong đó có nhiều nội dung nằm ngoài công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, điển hình như phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Những nội dung này cần giữ kín nhằm đảm bảo bí mật công tác, tránh việc tội phạm lợi dụng.

Đại diện Cục CSGT cũng lưu ý người dân có quyền giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng CSGT theo quy định, tuy nhiên cần phân biệt giữa "kiểm tra" và "giám sát". Có trường hợp người vi phạm đề nghị CSGT phải cho xem chuyên đề, kế hoạch, điều này là không phù hợp. Bởi lẽ việc kiểm tra thuộc về cơ quan chức năng có thẩm quyền; còn người dân có quyền giám sát, nắm bắt thông qua những biểu hiện ra bên ngoài, có thể thực hiện bằng việc quan sát trực tiếp, ghi âm, ghi hình (nhưng phải đúng quy định)... 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.