Lăng kính bạn đọc:

Lo lắng kẻ xấu ngụy trang thành CSGT

Kim Lan
Kim Lan
(tổng hợp)
11/09/2023 05:38 GMT+7

Nhiều bạn đọc lo lắng kẻ xấu sẽ mạo nhận là CSGT mặc thường phục, khiến người dân gặp khó khăn khi cần phân biệt.

Như Thanh Niên đã đưa tin, Bộ Công an vừa quy định 3 hình thức tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT, trong đó CSGT được quyền mặc thường phục khi phối hợp xử lý vi phạm giao thông.

Theo đó, Thông tư 32/2023 (chính thức có hiệu lực từ 15.9) của Bộ Công an quy định tổ CSGT được bố trí một bộ phận cán bộ hóa trang (mặc thường phục), phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai theo kế hoạch.

Người dân 'than trời' đăng ký xe mới theo biển số định danh, Cục CSGT nói gì?

Quy định về việc CSGT hóa trang tham gia xử lý vi phạm giao thông không mới, tuy nhiên, thời gian qua từng xuất hiện một số đối tượng giả danh CSGT để "thổi còi" người dân nhằm chiếm đoạt tài sản. Điều này khiến bạn đọc (BĐ) lo lắng.

Lăng kính bạn đọc: Lo lắng kẻ xấu ngụy trang thành CSGT - Ảnh 1.

Lực lượng CSGT mặc thường phục phối hợp xử lý vi phạm giao thông

Phúc Bình

Làm sao để phân biệt ?

Phát biểu trên Thanh Niên, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an), khẳng định người dân không cần lo lắng CSGT mặc thường phục sẽ lạm quyền vì theo quy định sẽ không thể có, vì lực lượng CSGT hóa trang khi làm việc phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, được cấp thẩm quyền ban hành, phê duyệt. Bên cạnh đó, CSGT hóa trang sẽ không được xử phạt người vi phạm mà chỉ giám sát, phát hiện để phối hợp ngăn chặn hành vi sai phạm.

Tuy nhiên, nhiều BĐ cho rằng một khi kẻ gian đã rắp tâm mạo danh CSGT mặc thường phục thì trong từng trường hợp cụ thể, người vi phạm giao thông không hề dễ dàng để phân biệt. BĐ tanphaihatu lo lắng: "Có cách nào để biết được đâu là CSGT đang hóa trang làm nhiệm vụ? Như thế bắt buộc CSGT phải chứng minh mình đang làm nhiệm vụ. Nhưng nếu rơi vào trường hợp kẻ xấu mạo danh thì việc chứng minh này người dân cũng thật khó biết đúng sai".

BĐ LeQuang cũng cho rằng: "Không trang phục công an, đứng chặn xe lại đưa ra thẻ ngành sợ cũng không ai dám tin". Thậm chí, BĐ Anh còn cho rằng "CSGT hóa trang" có thể sa vào những hiểu lầm đáng tiếc: "Tôi e rằng CSGT hóa trang nhiều lúc tự mình đặt mình vào thế nguy hiểm khi thi hành công vụ. Trang phục, phù hiệu cũng là để bảo vệ mình khi làm công vụ, chứ tụi côn đồ vin cớ hành hung luôn CSGT thì sao?"

Ngược lại, BĐ Minh Nghĩa phân tích: "Nếu dễ dàng phân biệt được một CSGT hóa trang đang làm nhiệm vụ thì mục đích giám sát, ngăn chặn vi phạm của tổ hóa trang lại không đạt hiệu quả".

Người dân có được đăng clip không chuẩn mực của CSGT lên mạng xã hội?

Tôi nghĩ chỉ hóa trang khi tham gia ngăn chặn, truy bắt các nhóm đua xe thôi, còn mọi việc khác thì không nên vì dễ bị kẻ xấu lợi dụng giả danh.

Phuc1969

CSGT khi mặc sắc phục công an làm nhiệm vụ có ý nghĩa rất tốt đẹp là nhắc nhở, động viên người tham gia giao thông thực hiện đúng luật. Còn hóa trang để phát hiện lỗi thì sợ là không có ý nghĩa răn đe, giáo dục.

Phương Lê

Hóa trang liệu có làm mất hình ảnh của người CAND. Việc gì phải mai phục, phải ngụy trang ? Muốn hiệu quả chỉ cần công nghệ cao là đủ. Xử lý vi phạm là để giáo dục, nâng cao ý thức của người dân về an toàn giao thông.

Thu Trịnh Ngọc

Tuân thủ luật thì có gì phải lo

Nêu ý kiến về những lo lắng trên, BĐ Trường An lưu ý: "Theo quy định thì CSGT hóa trang chỉ hỗ trợ, chứ không được trực tiếp xử lý vi phạm. Như vậy, nếu chúng ta vi phạm luật giao thông, chúng ta chỉ cần lưu tâm làm việc với những cán bộ CSGT đầy đủ trang phục, phù hiệu thôi".

Cũng theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, càng ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp vi phạm giao thông phức tạp như những trường hợp gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép, bỏ hai tay lạng lách trên đường, đi xe vào đường cao tốc... nên cần có lực lượng CSGT hóa trang kết hợp công khai để ngăn chặn, xử lý.

Mặc dù có những lo lắng, nhưng đa số BĐ đều cho rằng "nếu ý thức người tham gia giao thông đều được nâng cao, thì không việc gì phải ngại CSGT hay CSGT hóa trang cả". BĐ My Anh nhận xét: "Tham gia giao thông đúng luật, kể cả lúc có hay không có CSGT thì không việc gì phải lo". Tán thành, BĐ Lê Duy Hảo nêu: "Hóa trang hay không là nghiệp vụ của CSGT, mình cứ đi đúng luật, có ý thức nhịn nhường mọi người khi tham gia giao thông, là ổn thôi".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.