CSGT kiểm tra nồng độ cồn, tài xế tự thú: ‘Em chỉ mới uống 4-5 chai bia…’

Bích Ngân
Bích Ngân
16/01/2022 16:54 GMT+7

CSGT phát hiện nhiều người điều khiển ô tô sử dụng rượu bia. Khi bị kiểm tra, tài xế trình bày vừa đi… tất niên về. Có tài xế “tự thú”, chỉ mới uống 4-5 chai bia.

Tối 15.1, Đội CSGT Bến Thành thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP.HCM tổ chức lực lượng thực hiện chuyên đề xử phạt vi phạm về nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế.

Tổ công tác thuộc Đội CSGT Bến Thành lập chốt kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế

Bích ngân

Theo ghi nhận của Thanh Niên, khoảng 22 giờ 15 phút cùng ngày, tổ công tác gồm 7 cán bộ CSGT, 4 chiến sĩ Cảnh sát cơ động có mặt tại giao lộ Võ Văn Kiệt - Nguyễn Thái Học (Q.1, TP.HCM) lập chốt xử phạt nồng độ cồn. Chủ yếu tổ công tác ra lệnh dừng xe kiểm tra đối với các tài xế lái ô tô.

Sau khoảng 1 giờ lập chốt tại đây, tổ công tác đã dừng khoảng 70 trường hợp xe ô tô để kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế. Nếu không có vi phạm, CSGT sẽ cảm ơn và mời người chạy xe tiếp tục hành trình. Trong tối 15.1, một số trường hợp tài xế sử dụng bia, rượu bị lực lượng chức năng lập biên bản, tạm giữ xe.

Theo chân tổ công tác, chúng tôi ghi nhận nhiều tình huống “dở khóc, dở cười”. Cụ thể, khoảng 22 giờ 35 phút, ông P.Q.A. (45 tuổi, ngụ Q.11) lái xe ô tô 4 chỗ lưu thông trên đường Võ Văn Kiệt hướng đi Cầu Ông Lãnh (Q.1) thì tổ công tác ra lệnh dừng xe kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế.

Thời điểm làm việc với CSGT, ông A. không xuất trình được giấy phép lái xe. Ông này giải thích do dịp cuối năm nên tham gia tất niên có uống vài lon bia với bạn. Sau khi kiểm tra, thiết bị đo hiển thị nồng độ cồn của ông A. là 0,594 miligam/lít khí thở. Ông A. chấp hành hiệu lệnh của CSGT, cán bộ lái xe ông A. về trụ sở Đội CSGT Bến Thành để lập biên bản và tạm giữ phương tiện theo quy định.

Tổ công tác thuộc Đội CSGT Bến Thành lập chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế. Theo đó, tài xế chỉ cần dừng xe vào làn đường kiểm tra, không cần xuống xe, nhìn CSGT trả lời một số câu hỏi như: "Anh chạy xe có mang theo giấy tờ không?", "Quê anh ở đâu?", hoặc đếm từ 1 - 5 là máy đo nồng độ cồn trên tay CSGT sẽ cảnh báo có nồng độ cồn hay không...

BÍch ngân

Khoảng 23 giờ 24 phút, anh N.T.H. (27 tuổi, quê Đồng Tháp) cũng lưu thông trên đường Võ Văn Kiệt (hướng đi cầu Ông Lãnh) cũng bị tổ công tác dừng xe kiểm tra. Lúc này, anh H. cho biết chỉ mới uống có 4 - 5 chai bia rồi chạy xe về. "Em quên mang giấy tờ xe, nếu anh cần kiểm tra thì em sẽ gọi người nhà mang qua vì nhà em gần đây", anh H. nói với CSGT. Sau khi kiểm tra, thiết bị đo hiển thị thông số cho thấy nồng độ cồn của anh H. là 0,907 miligam/lít khí thở. Sau đó, tổ công tác đã đưa anh H. cùng xe ô tô về trụ sở Đội CSGT Bến Thành để lập biên bản, đồng thời tạm giữ phương tiện. Lúc này, anh H. vội lấy điện thoại gọi cầu cứu người thân mang giấy tờ đến trụ sở Đội CSGT Bến Thành, thì được cán bộ nhắc nhở anh H. sẽ xuất trình giấy tờ vào ngày được hẹn lên làm việc ghi trong biên bản xử phạt vi phạm hành chính.



Mức xử phạt hành chính lỗi nồng độ cồn vượt mức

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển phương tiện mà có nồng độ cồn trong cơ thể có thể bị xử phạt tối đa đến 8 triệu đồng (đối với xe gắn máy); đến 40 triệu (đối với xe ô tô) và bị tước giấy phép lái xe đến 24 tháng, đồng thời phương tiện sẽ bị tạm giữ 7 ngày.

Kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế là gì?

Mô hình kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế là phương pháp được triển khai áp dụng từ năm 2014. Mô hình này giúp cho CSGT kiểm tra được nhiều người điều khiển phương tiện hơn mà không bị dồn ứ.

Trước đây, CSGT dùng máy do nồng độ cồn cũ phải yêu cầu tài xế xuống xe thổi vào máy đo nồng độ cồn ở chế độ định lượng mới có thể phát hiện được, nên mất nhiều thời gian và số lượng người được kiểm tra ít hơn. Trong khi đó, việc kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế chỉ cần tài xế dừng xe vào làn đường kiểm tra, không cần xuống xe, nhìn CSGT trả lời một số câu hỏi như: “Anh chạy xe có mang theo giấy tờ không?”, “Quê anh ở đâu?”, hoặc đếm từ 1 - 5 là máy đo nồng độ cồn trên tay CSGT sẽ xác định được có vi phạm về nồng độ cồn hay không. Nếu không có vi phạm, CSGT sẽ cảm ơn và mời người chạy xe tiếp tục lưu thông. Còn trường hợp phát hiện có vi phạm máy sẽ hiện dòng chữ “Cảnh báo”. Lúc này tài xế sẽ được yêu cầu xuống xe thổi vào máy đo nồng độ cồn chuyên dụng để xác định được cụ thể mức độ vi phạm. Nhiều trường hợp tài xế ô tô khi nói chuyện với CSGT máy báo “Cảnh báo” nhưng khi kiểm tra định lượng để xác định mức độ vi phạm thì không có cồn. CSGT giải thích, đây có thể là do xe đang chở người có sử dụng rượu, bia hoặc có mùi rượu, bia. Còn trong tình hình dịch Covid-19, đây có thể là do người trên xe sử dụng nước rửa tay có chất cồn...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.