CSGT sẽ 'bồi dưỡng' kiến thức cho tài xế nếu giấy phép lái xe trừ hết điểm

25/03/2024 13:58 GMT+7

Nếu giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, tài xế phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng CSGT tổ chức.

Từ 26 - 28.3, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ thảo luận về một số dự án luật, trong đó có luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nội dung đang nhận được nhiều quan tâm, đó là trừ điểm giấy phép lái xe.

CSGT sẽ 'bồi dưỡng' kiến thức cho tài xế nếu giấy phép lái xe trừ hết điểm- Ảnh 1.

Giấy phép lái xe được đề xuất có 12 điểm, tài xế bị trừ điểm nếu vi phạm các lỗi tương ứng

TUYẾN PHAN

Giấy phép lái xe hết điểm, tài xế phải "bồi dưỡng" kiến thức

Dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ dành riêng điều 57 để quy định về điểm và trừ điểm giấy phép lái xe.

Theo đó, mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm. Điểm này được lưu trên hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử, dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của tài xế.

Mỗi khi vi phạm, tài xế sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe tương ứng. Hành vi vi phạm nào bị trừ điểm, trừ bao nhiêu, quy trình, thủ tục trừ điểm… sẽ do Chính phủ quy định chi tiết.

Đề xuất trừ điểm giấy phép lái xe, tài xế sẽ được hưởng lợi?

Vẫn theo dự thảo, giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm bị trừ điểm gần nhất.

Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, tài xế phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng CSGT tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an. Nếu kết quả đạt yêu cầu, tài xế được phục hồi đủ 12 điểm.

Để tránh trường hợp "giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, tài xế báo mất rồi cấp lại", dự thảo luật nêu rõ: giấy phép lái xe mới đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của giấy phép lái xe trước khi đổi, cấp lại, nâng hạng.

CSGT sẽ 'bồi dưỡng' kiến thức cho tài xế nếu giấy phép lái xe trừ hết điểm- Ảnh 2.

Quy định trừ điểm được đánh giá là nhân văn hơn so với tước giấy phép lái xe

HOÀNG TUÂN

Kiểm tra chứ không phải thi sát hạch

Trong báo cáo gửi trước hội nghị, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh (cơ quan thẩm tra) nhận định, trừ điểm giấy phép lái xe là biện pháp quản lý nhà nước nhân văn hơn so với tước giấy phép lái xe như hiện nay.

Mỗi năm, cơ quan chức năng tước hơn 500.000 giấy phép lái xe. Khi bị tước, tài xế không được phép điều khiển phương tiện, tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh, đời sống hàng ngày.

Chưa kể, việc tước giấy phép lái xe đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ giấy phép không đến lấy, dẫn đến tồn đọng, lãng phí nguồn lực quản lý.

Với quy định trừ điểm, nếu giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, tài xế tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống.

Đáng chú ý, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết, nếu giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, tài xế phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Việc kiểm tra sẽ do lực lượng CSGT tổ chức, chứ không phải kỳ thi sát hạch cấp giấy phép lái xe (theo chương trình đào tạo của Bộ GTVT - PV).

CSGT sẽ 'bồi dưỡng' kiến thức cho tài xế nếu giấy phép lái xe trừ hết điểm- Ảnh 3.

Việc kiểm tra kiến thức đối với người có giấy phép lái xe bị trừ hết điểm sẽ do lực lượng CSGT tổ chức

HOÀNG TUÂN

Tránh phiền hà, tiêu cực

Trao đổi với Thanh Niên, nhiều chuyên gia bày tỏ sự ủng hộ đối với quy định về điểm và trừ điểm giấy phép xe. Tuy vậy, các ý kiến cho rằng cần xây dựng quy định sao cho chặt chẽ, minh bạch, nhân văn nhưng cũng tránh "nhờn luật".

Thực tế cho thấy, với những lỗi vi phạm đến mức tước giấy phép xe, ngoài khoản tiền phạt, điều khiến tài xế lo lắng nhất là không thể tiếp tục điều khiển phương tiện giao thông trong thời gian giấy phép xe bị tước. Vì thế, các tài xế sẽ "dè chừng" và cẩn thận hơn khi ngồi trước vô lăng.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, kiến nghị nếu tài xế bị trừ hết điểm giấy phép lái xe thì phải sau một khoảng thời gian nhất định (vài tháng chẳng hạn) mới được "kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ".

Nội dung, hình thức kiểm tra phải đảm bảo thực chất, khách quan và nghiêm túc, đủ sức răn đe để tài xế nhận thức được vi phạm và không muốn tái phạm. Nếu kiểm tra mang tính hình thức hoặc không khách quan, hiệu quả chính sách sẽ không đạt như kỳ vọng.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT (Bộ GTVT), chuyên gia giao thông đô thị, cho rằng nên tận dụng các cơ sở sát hạch giấy phép lái xe do Bộ GTVT đang quản lý, thay vì xây dựng thêm hạ tầng chỉ để phục vụ việc "kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ" sẽ dẫn tới tốn kém, lãng phí.

Quá trình trừ điểm giấy phép lái xe cũng như kiểm tra kiến thức khi giấy phép lái xe bị trừ hết điểm phải áp dụng triệt để các giải pháp công nghệ, không gây phiền hà cho người dân, hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra tiêu cực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.