Ngày 4.9, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM cho biết, từ ngày 16.8-31.8, CSGT TP đã lập biên bản 29 trường hợp người nước ngoài vi phạm luật giao thông, tạm giữ 28 xe máy; phạt theo thủ tục không lập biên bản 9 trường hợp với số tiền 950.000 đồng; nhắc nhở 20 trường hợp.
Tuy nhiên, hiện chỉ có 4 trường hợp đến đóng phạt tại Đội CSGT Bến Thành với số tiền nộp kho bạc là 9.610.000 đồng. (đạt tỉ lệ 13,8%).
|
Ông Thịnh cũng cho hay, CSGT thường mất từ 60-80 phút để giải quyết một trường hợp vi phạm hành chính về giao thông của người nước ngoài. Hơn nữa, có trường hợp người nước ngoài thuê xe máy đi nhưng khi bị lập biên bản thì không đưa biên bản cho chủ cơ sở, khiến CSGT khó xác định được đại diện hợp pháp để thực hiện quyết định xử lý vi phạm.
Theo ghi nhận của phóng viên, một số trường người nước ngoài khi vi phạm bị CSGT thổi phạt thường không xuất trình bất kỳ loại giấy tờ nào. Đến khi CSGT thông báo lỗi vi phạm và lập biên bản thì người vi phạm rút chìa khóa xe bỏ đi. Gặp những trường hợp như vậy, CSGT sẽ nhờ những người có mặt ở đó ký vào phần "người làm chứng" rồi chở xe về đội CSGT gần nhất để xử lý.
Theo Đội CSGT Bến Thành, vì không xuất trình các loại giấy tờ nên người nước ngoài thường bị lập biên bản nhiều lỗi một lúc như: không đội mũ bảo hiểm, chạy xe không có gương chiếu hậu, không mở đèn chiếu sáng, không có bằng lái, đăng ký xe và giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe còn hiệu lực, người nước ngoài đi lại trên lãnh thổ Việt Nam không mang theo hộ chiếu...
Bên cạnh đó, nếu người nước ngoài thuê xe bị phạt lỗi không có bằng lái, chủ cơ sở cho thuê xe cũng bị phạt 900 ngàn đồng vì giao xe cho người không đủ điều kiện lái xe. Tổng mức phạt cao nhất đối với người nước ngoài mà Đội CSGT Bến Thành lập biên bản là 2.540.000 đồng.
Người nước ngoài không ký biên bản vẫn bị xử phạt?
Trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội Tham mưu cho biết, có trường hợp người nước ngoài vi phạm luật giao thông biện lý do không hiểu tiếng Việt nên không ký biên bản xử phạt, thậm chí ký nhưng hôm sau vẫn nói là không hiểu trong biên bản viết gì thì biên bản đó vẫn có giá trị pháp lý. Bởi vì, ngoài việc có người làm chứng ký biên bản, các tổ công tác xử lý người nước ngoài vi phạm giao thông đều được camera cầm tay ghi lại hành vi vi phạm.
Theo ông Bình, pháp luật Việt Nam quy định các văn bản của cơ quan, tổ chức phải ghi bằng ngôn ngữ Tiếng Việt nên CSGT không thể nào tự ý làm biên bản bằng một thứ tiếng khác. Trong khi xử lý vi phạm, CSGT đã giải thích bằng tiếng Anh nội dung biên bản, cách đóng phạt cho người nước ngoài hiểu.
"Đội Tham mưu cũng đang đề xuất mua một máy dịch để dịch sang đúng ngôn ngữ của người nước ngoài vi phạm, từ đó nếu vi phạm họ sẽ không biện minh được là không biết tiếng Anh hay không hiểu CSGT nói gì. Tuy nhiên, máy đó chỉ dịch nội dung biên bản, sau đó người vi phạm vẫn phải ký vào tờ biên bản ghi tiếng Việt", ông Bình thông tin.
Bình luận (0)