Từ 1.1.2025, Thông tư 73/2024 của Bộ Công an sẽ có hiệu lực thi hành, thay thế cho Thông tư 32/2023, quy định về công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của CSGT.
Thông tư mới dành riêng một điều để quy định về việc thu thập, sử dụng dữ liệu (thông tin, hình ảnh vi phạm giao thông) có được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp.
Theo đó, các đơn vị tiếp nhận, thu thập dữ liệu gồm: Cục CSGT, phòng CSGT thuộc công an cấp tỉnh, đội CSGT - trật tự thuộc công an cấp huyện.
Các đơn vị nêu trên có trách nhiệm thông báo công khai địa điểm, địa chỉ bưu chính, hộp thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị, thông tin về cài đặt, sử dụng app VNeTraffic để cá nhân, tổ chức biết cung cấp thông tin.
Đặc biệt, Bộ Công an yêu cầu các đơn vị này phải tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận, thu thập dữ liệu từ người dân, tổ chức cung cấp.
Sau khi tiếp nhận dữ liệu, cán bộ CSGT sẽ xem xét, phân loại, nếu bảo đảm yêu cầu quy định thì ghi chép vào sổ và báo cáo thủ trưởng đơn vị.
Trường hợp dữ liệu phản ánh hành vi vi phạm đang diễn ra thì tổ chức lực lượng dừng phương tiện, kiểm soát, phát hiện vi phạm, xử lý. Trường hợp không dừng được phương tiện hoặc hành vi vi phạm đã kết thúc thì thực hiện biện pháp xác minh, xử lý theo quy định.
Trường hợp không thuộc tuyến, địa bàn phụ trách thì thông báo cho đơn vị CSGT có thẩm quyền thực hiện biện pháp xác minh, xử lý theo quy định.
Hiện nay, dữ liệu vi phạm giao thông do người dân cung cấp dần trở thành một kênh quan trọng giúp lực lượng CSGT nâng cao hiệu quả đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trao đổi với báo chí trước đây, lãnh đạo Cục CSGT cho biết từng đề xuất cơ chế trả tiền cho người dân để mua lại các hình ảnh, video về vi phạm giao thông. Tuy nhiên, đến nay cơ chế này chưa được áp dụng.
Hồi tháng 8.2023 vừa qua, Công an TP.Hà Nội công khai trang Zalo "Phòng Cảnh sát giao thông CATP Hà Nội" và số điện thoại đường dây nóng, đề nghị người dân tích cực cung cấp các thông tin, hình ảnh, video phản ánh về vi phạm giao thông. Nhưng việc kêu gọi chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện, chưa có cơ chế trả tiền để mua thông tin.
Để khuyến khích tham gia công tác bảo đảm, trật tự an toàn giao thông đường bộ, tại dự thảo nghị định quản lý, sử dụng kinh phí xử phạt giao thông và đấu giá biển số xe (đăng tải tháng 8.2024), Bộ Công an đề xuất cơ chế khen thưởng cho tập thể, cá nhân nếu cung cấp thông tin có giá trị.
Theo đó, nếu mua tin thì mức chi mỗi vụ việc bằng 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân nhưng không quá 5 triệu đồng. Trường hợp tập thể, cá nhân đã cung cấp thông tin có giá trị giúp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thì mức chi không quá 5 triệu đồng mỗi vụ việc.
Đề xuất của Bộ Công an nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, cho rằng việc này sẽ khích lệ người dân tích cực tham gia tố giác các hành vi vi phạm, từ đó nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Bình luận (0)