CSIS: Chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á gặp khó

20/01/2016 16:30 GMT+7

Sự cân bằng sức mạnh quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương đang dịch chuyển theo hướng bất lợi cho Mỹ, khi Trung Quốc và Triều Tiên thách thức những cam kết an ninh của Mỹ, theo nghiên cứu mới của CSIS.

Sự cân bằng sức mạnh quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương đang dịch chuyển theo hướng bất lợi cho Mỹ, khi Trung Quốc và Triều Tiên thách thức những cam kết an ninh của Mỹ, theo nghiên cứu mới của CSIS.

Tàu khu trục USS Lassen của Mỹ hoạt động tại Thái Bình Dương - Ảnh: ReutersTàu khu trục USS Lassen của Mỹ hoạt động tại Thái Bình Dương - Ảnh: Reuters
Reuters ngày 20.1 dẫn một nghiên cứu mới của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) của Mỹ cho biết chiến lược tái cân bằng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra đang gặp khó và có thể đang không đủ để đảm bảo lợi ích của Mỹ tại khu vực.
Trang web của CSIS công bố nghiên cứu dài 290 trang này vào ngày 19.1. Công trình nghiên cứu này có tựa Tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương 2025 - khả năng, sự hiện diện và các quan hệ đối tác, được thực hiện phục vụ cho Bộ Quốc phòng Mỹ.
Theo nghiên cứu này, những hành động của Trung Quốc và Triều Tiên thường xuyên thách thức độ tin cậy đối với những cam kết an ninh của Mỹ tại khu vực. "Với mức phát triển năng lực hiện tại của Mỹ thì sự cân bằng sức mạnh quân sự tại khu vực đang dịch chuyển theo hướng chống lại Mỹ", nghiên cứu chỉ ra.
Bên cạnh điều kiện khách quan, nghiên cứu còn nhấn mạnh vấn đề hạn chế trong ngân sách quốc phòng của Mỹ. Nghiên cứu của CSIS nêu rõ: "Chi tiêu mạnh là cần thiết để thực hiện chiến lược tái cân bằng. Giới hạn nguồn lực ở các mức ngân sách theo Đạo luật Kiểm soát Ngân sách sẽ hạn chế rất nhiều tới việc thực thi tái cân bằng. Mặc dù thỏa thuận ngân sách năm 2015 là một bước đi tích cực nhưng nó không đủ cho chi tiêu cần thiết lâu dài và ổn định".
Vấn đề tên lửa, hạt nhân Triều Tiên cũng là thách thức đối với chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ - Ảnh: Reuters
Với những nhận định trên, nghiên cứu đưa ra 4 khuyến nghị để chiến lược tái cân bằng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương được thực hiện tốt.
Thứ nhất, chính phủ Mỹ cần làm rõ trọng tâm chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương của mình. Mặc dù Tổng thống Obama và nhiều quan chức từng phát biểu khá nhiều về chiến lược "Tái cân bằng", nhưng chưa có điểm mấu chốt và chưa có quan điểm thống nhất và rõ ràng. Một nghiên cứu do CSIS thực hiện vào năm 2014 cho thấy việc mô tả chiến lược đã nhiều lần thay đổi kể từ khi ông Obama tuyên bố vào năm 2011. CSIS khuyến nghị chính phủ Mỹ cần có báo cáo mang tính chiến lược, tăng cường hợp tác giữa chính phủ và quốc hội, đảm bảo sự gắn kết giữa chiến lược với nguồn lực, phối hợp với đối tác và đồng minh, đồng thời tăng cường xây dựng niềm tin và quản lý khủng hoảng với Trung Quốc.
Thứ hai, giới lãnh đạo Mỹ nên tăng cường năng lực của các đồng minh và đối tác trong khu vực. Theo CSIS, những thách thức an ninh hiện nay đang vượt quá khả năng của nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương. Các thách thức an ninh này có thể là thiên tai, tranh chấp lãnh thổ trên biển hoặc các mối đe dọa tên lửa. Việc nâng cao năng lực và khả năng an ninh của các nước đồng minh và đối tác cũng là lợi ích của Mỹ. Theo CSIS, Mỹ cần giúp Đông Nam Á xây dựng năng lực đảm bảo an ninh hàng hải, xây dựng lực lượng chung chuyên trách về an ninh hàng hải, khuyến khích Nhật Bản tham gia sâu hơn vào hoạt động đảm bảo an ninh trên biển.
Thứ ba, Mỹ phải tiếp tục duy trì và gia tăng sự hiện diện quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương. CSIS cho rằng quân đội Mỹ đóng vai trò là lực lượng ổn định tình hình ở khu vực, bởi họ ngăn chặn nguy cơ xung đột trên bán đảo Triều Tiên, giải quyết các cuộc khủng hoảng từ biển Hoa Đông tới Ấn Độ Dương. Vì thế, duy trì và đa dạng hóa các hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực là việc rất cần thiết, bao gồm cả hiện diện trên biển, lực lượng tình báo...
Thứ tư, Mỹ cần tăng cường năng lực sáng tạo, đổi mới cho quân đội Mỹ. Theo CSIS, cùng với ba đề xuất trên, giới lãnh đạo Mỹ phải chú trọng khả năng sáng tạo của lực lượng quân đội Mỹ để đối phó những thách thức quân sự mới tại khu vực. Cụ thể, trong bối cảnh các tên lửa đạn đạo có thể tấn công chiến hạm và những căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài bất cứ lúc nào, Lầu Năm Góc cần khuyến khích những ý tưởng đột phá về tên lửa, theo đuổi những chương trình chế tạo vũ khí phòng không hiện đại, đồng thời tiếp tục phát triển các tên lửa tầm xa tiên tiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.