CSIS: Triều Tiên hoàn tất căn cứ bí mật gần Trung Quốc, nhiều khả năng chứa ICBM

08/02/2022 17:18 GMT+7

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố phát hiện căn cứ tên lửa của CHDCND Triều Tiên và nằm gần biên giới Trung Quốc , mà theo họ có thể chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Ảnh chụp vệ tinh tại nơi mà CSIS xác định là căn cứ ICBM của Triều Tiên

Maxar Technologies

Hôm 8.2, CSIS, trụ sở tại Washington D.C (Mỹ), cho hay đã dựa vào hình ảnh chụp từ vệ tinh để phát hiện căn cứ ở tỉnh Hoejung-ni, cách biên giới Trung Quốc khoảng 25 km và cách Bình Nhưỡng khoảng 280 km về hướng đông bắc.

Đây được xem là một trong 20 căn cứ tên lửa đạn đạo bí mật của Triều Tiên, nằm gọn bên trong một thung lũng hẻo lánh, cây cối rậm rạp thuộc tỉnh Chagang.

“Theo các nguồn thạo tin, căn cứ tên lửa ở Hoejung-ni nhiều khả năng sẽ chứa một đơn vị cấp trung đoàn được trang bị ICBM”, theo báo cáo.

“Nếu trường hợp ICBM không kịp thời đưa vào hoạt động trong tương lai gần, nhiều khả năng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) sẽ được thay thế”, CSIS phân tích.

CSIS lưu ý rằng Triều Tiên đã thử nghiệm một dòng tên lửa IRBM là Hwasong-12 vào ngày 30.1. Tên lửa khai hỏa từ tỉnh Chagang, nơi đặt căn cứ Hoejung-ni.

Hwasong-12 - tên lửa đạn đạo tầm trung Triều Tiên có gì đặc biệt?

Lần gần đây nhất Triều Tiên tiến hành vụ thử tương tự là vào năm 2017. Khi ấy, tên lửa Hwasong-12 bay được 787 km và đạt độ cao tối đa hơn 2.111 km. Dựa trên tính toán thời điểm đó, tên lửa Hwasong-12 có thể đạt 4.500 km nếu được điều chỉnh và khai hỏa trên quỹ đạo cho phép tối đa hóa tầm bắn. Điều này cho phép Triều Tiên đặt đảo Guam vào tầm bắn.

Trước đó, Bình Nhưỡng cho biết Hwasong-12 có thể mang theo đầu đạn hạt nhân. CSIS ước tính tên lửa này đạt tầm bắn 4.500 km.

Vụ thử ngày 30.1 đánh dấu đợt thử vũ khí thứ bảy từ đầu năm đến nay của Triều Tiên. Đồng thời, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017 Bình Nhưỡng phóng tên lửa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.

CHDCND Triều Tiên trong năm 2021 được cho tiếp tục phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân bất chấp tình trạng bị cấm vận bủa vây, theo hãng tin Reuters và AFP dẫn báo cáo mật của Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Vào thời điểm chùm ảnh vệ tinh ghi nhận sự tồn tại của căn cứ Hoejung-ni, CSIS không phát hiện bất kỳ dấu vết nào cho thấy có sự hiện diện của ICBM, cũng như các tổ đội phòng không trong bán kính 10 km.

Tuy nhiên, những hình ảnh trên chứng tỏ Hoejung-ni đang trong quá trình hoạt động và được bảo trì tốt theo tiêu chuẩn của Triều Tiên.

Ảnh chụp ghi nhận 2 cơ sở kiểm tra tên lửa, dùng cho mục đích nạp tên lửa, bơm nhiên liệu và bảo trì. Mỗi cơ sở bao gồm một hầm trú ẩn cỡ lớn, được xây bằng bê tông cốt thép và nằm bên trong sườn núi, với chiều dài đủ sức chứa toàn bộ các bệ phóng tên lửa di động của nước này.

Triều Tiên chưa có phản ứng chính thức nào về những thông tin trên.

Triều Tiên: Vì sao Chủ tịch Kim Jong-un tiếp tục thử tên lửa?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.