Trong căn nhà đơn sơ của bà Triếu, mọi đồ vật được bày trí gọn gàng, ngăn nắp. Cuộc sống của hai mẹ con bà đơn giản nhưng ấm áp tình thương.
Cha mất sớm, bà Triếu là chị lớn trong nhà có 7 anh chị em, cuộc sống thiếu thốn đã khiến bà tự lập từ rất sớm. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, cha có dặn dò bà ở lại thay cha chăm sóc mẹ và các em. Người thiếu nữ năm ấy đến giờ đã 70 tuổi, vẫn giữ tròn lời hứa với người đã khuất. Bà hy sinh hạnh phúc của bản thân, cùng mẹ phụ chăm lo cho các em nên người và giờ một mình bà chăm sóc người mẹ đã 91 tuổi.
“Ngày đó, nhà tôi ở gần bờ sông do sạt lở riết mà dời từ từ vào trong bờ rồi hiện tại chỉ còn cái nền nhà nhỏ xíu này mà sinh sống. Cũng không có đất đai, ruộng vườn. Lúc còn trẻ, tôi lo phụ cha, tiếp mẹ làm việc chẳng quản ngày đêm. Khi thì bắt cá, hái rau mưu sinh, rồi khi lò gạch mở ra tôi đến đó làm thuê. Ngoảnh lại một cái đã thấy mình ba mươi mấy bốn mươi tuổi rồi, còn tính chuyện chồng con gì nữa. Các em tôi đều đã có gia đình riêng, cuộc sống chẳng mấy dư dả, phải làm thuê đủ nghề mà chẳng đủ ăn. Tôi nghĩ, bản thân đã quá lứa lỡ thì mà giờ còn có chồng nữa thì mẹ già biết để ai nuôi”, bà Triếu tâm sự. Với suy nghĩ ấy, bà Triếu chấp nhận cuộc sống độc thân, dành hết tình yêu cho đấng sinh thành.
|
|
Mẹ của bà Triếu là cụ Nguyễn Thị Mến vẫn đi lại không cần chống gậy. Tuy hơi lãng tai nhưng khi hỏi về ngày trẻ, cụ Mến nhanh nhạy đáp: “Hồi trẻ tôi làm ruộng làm rẫy hoặc đi làm ở lò gạch sinh sống. Giờ già sức khỏe không còn rắn rỏi như thời 30 - 40 tuổi nên giao lại cho con cháu. Con Hai (tức bà Triếu) nhà tôi nó ở vậy nuôi tôi mấy chục năm nay rồi. Hồi nó 18 - 19 tuổi người ta đến hỏi cưới nó nhiều lắm nhưng nó đều từ chối vì nó bảo cần lo cho các em ăn học. Rồi đến lúc ngoài 20 cũng có người đến dạm hỏi nhưng nó sợ lấy chồng rồi gia đình chồng không cho nó chăm sóc tôi. Chần chừ riết mà tới bây giờ hai mẹ con ở vậy, vui buồn có nhau”.
|
Khi còn đi làm ở lò gạch tuy công việc vất vả nhưng bù lại thu nhập hơn 100.000 đồng/ngày đủ cho bà Triếu trang trải chi phí sinh hoạt. Nhưng khoảng hơn 10 năm nay khi cụ Mến lớn tuổi và sức khỏe yếu đi, bà Triếu đành nghỉ việc ở nhà trông nom mẹ. Dù cuộc sống đôi khi túng thiếu nhưng bà lão U.80 chưa để mẹ đói, khổ ngày nào.
“Từ lúc nghỉ làm tôi chuyển sang nghề đan lưới, cứ 7 - 8 ngày tôi đan xong 20 chục thước lưới giao cho người ta. Tiền công kiếm được khoảng 200.000 đồng. Do mẹ tôi là người cao tuổi nên hằng tháng được Nhà nước hỗ trợ 270.000 đồng. Cộng thêm các em trong nhà giúp đỡ nên đủ lo chi phí sinh hoạt”, bà Triếu nói thêm.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hường (hàng xóm của bà Triếu cũng là cán bộ phụ trách lao động thương bình xã hội xã Nhơn Mỹ) cho biết: "Dì hai Triếu rất hiếu thảo, cả vùng này đều biết. Lúc dì còn làm ở lò gạch, mỗi ngày sau khi lo cơm sáng cho mẹ rồi đi đến chỗ làm. Đến trưa về nhà lo cơm nước, giấc ngủ cho bà cụ rồi quay lại làm tiếp. Cứ thế suốt bao nhiêu năm dì hai quên luôn chuyện lập gia đình mà chỉ một lòng phụng dưỡng mẹ già".
“Trong xã hội hiện đại, lòng hiếu thảo, tình ruột rà như vậy thật quý biết bao. Từ tình mẫu tử thiêng liêng, gắn bó giữa người con đã 70 tuổi và mẹ già 91 tuổi khiến cho những người khác phải nhìn lại cách yêu thương mẹ của mình”, chị Hường nhắn nhủ.
Đối với bà Triếu, mẹ là duy nhất. Vì thế, bà chấp nhận đánh đổi cả thanh xuân, hạnh phúc của bản thân để kề cạnh chăm sóc. Bà Triếu cũng là niềm vui sống duy nhất của cụ Mến khi tuổi già. Cuộc sống tuy không sang giàu nhưng bà Triếu luôn thấy đủ đầy, hạnh phúc.
Bình luận (0)