Theo ghi nhận của Thanh Niên, từ khoảng gần 8 giờ sáng, nhiều cư dân đã tập trung trước khu vực cổng công viên trong khu đô thị Ngoại giao đoàn, mang theo nhiều băng rôn, khẩu hiệu liên quan đến phản đối chủ đầu tư.
Ông Phạm Văn Tuấn, 62 tuổi, cư dân khu Ngoại giao đoàn, cho biết việc cư dân tập trung nhằm bày tỏ ý kiến không đồng ý việc thay đổi quy hoạch, xây bệnh viện u bướu trong khu đô thị; chủ đầu tư là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) thất hứa trả sổ đỏ, chưa hoàn thiện hạ tầng khu đô thị…
Cụ thể, tháng 5.2017, UBND TP.Hà Nội có quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Khu Đoàn Ngoại giao tại Hà Nội. Trong đó, có điều chỉnh khu đất có ký hiệu ĐMKT (đầu mối kỹ thuật) có diện tích hơn 4.800m2 thành công trình bệnh viện u bướu với mật độ xây dựng 40%, cao 12 tầng.
Theo ông Tuấn, ngày 2.3.2017, công trình bệnh viên u bướu được khởi công xây dựng. Đáng nói là việc khởi công xây dựng công trình bệnh viện này còn diễn ra trước khi ô đất ĐMKT được UBND TP.Hà Nội ra quyết định điều chỉnh quy hoạch thành khu đất xây dựng bệnh viện là không đúng quy định pháp luật. Đến nay, dù cư dân khu đô thị Ngoại giao đoàn phản đối nhưng công trình xây dựng bệnh viện u bướu vẫn được triển khai.
|
“Nhiều người chúng tôi đặt câu hỏi về tính minh bạch của việc xây dựng bệnh viện trước khi quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt. Việc xây dựng bệnh viện u bướu ngay trong lòng một khu đô thị hàng chục nghìn cư dân, giữa các đại sứ quán các nước, ngay sát khu xử lý nước thải cho toàn bộ khu đô thị Ngoại giao đoàn tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn, vệ sinh cho chính bệnh viện cũng như nguồn nước sau xử lý của toàn khu. Đồng thời, gây ra nguy cơ lây nhiễm chéo giữa bệnh viện, nguồn nước ngầm của toàn thành phố, hệ thống hồ điều hòa của khu đô thị. Chưa kể nguy cơ rò rỉ các chất từ phòng xạ trị của bệnh viện ra khu vực”, ông Tuấn lo lắng.
Anh Nguyễn Văn Trường, 40 tuổi, cư dân tòa chung cư N03, khu đô thị Ngoại giao đoàn, cũng bày tỏ quy hoạch ban đầu của khu đất là để xây dựng đầu mối kỹ thuật, hạ tầng phục vụ cho khu Ngoại giao đoàn. Việc thay đổi, “nhồi” thêm bệnh viện vào giữa khu đô thị sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cư dân.
“Các chủ sở hữu đã ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư và hoặc các diện tích khác không phải căn hộ được căn cứ theo Quy hoạch chi tiết 1/500 điều chỉnh năm 2010 tại Quyết định 368/QĐ-UBND ngày 22.1.2010 của UBNDTP.Hà Nội (Quyết định 368). Điều này được quy định cụ thể trong căn cứ của các hợp đồng mua bán và giá mua cũng như quyết định mua bán của bên mua căn cứ theo quy hoạch này. Nay Hancorp đơn phương điều chỉnh quy hoạch mà không tham khảo ý kiến của cư dân là có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, luật kinh doanh bất động sản, luật nhà ở và sẽ kéo theo các nguy cơ tranh chấp khiếu kiện”, anh Trường bày tỏ.
Chị Trần Thị Phương, 38 tuổi, cư dân tòa chung cư N01 T5, cho hay, gia đình chuyển đến ở đây từ năm 2015, là một trong những hộ đầu tiên đến ở nhưng đến nay chưa có sổ đỏ. Chủ đầu tư từng hứa hẹn nhiều lần là bàn giao sổ đỏ nhưng đến nay chưa có, dù cư dân đã nộp đủ tiền.
|
Một số cư dân khác cho biết, mua nhà tại đây vì biết sẽ có những tiện ích trên các khu đất công cộng như trường học, tổ hợp thể dục thể thao, vườn hoa, trạm biến áp ở khu đất đầu mối kỹ thuật nhưng, với việc điều chỉnh quy hoạch, quyền lợi cũng như chất lượng cuộc sống người dân sẽ bị ảnh hưởng.
Chiều cùng ngày, trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Xuân Dũng, Chủ tịch HĐQT Hancorp, cho biết, đã nắm bắt được vấn đề cư dân ở khu Ngoại giao đoàn nêu ý kiến và từng tổ chức nhiều buổi đối thoại. Tuy nhiên, đến nay, một số vấn đề vẫn đang được giải quyết, người dân bức xúc nên căng băng rôn để làm áp lực. Theo ông Dũng, Hancorp sẽ có thông tin trao đổi lại với báo chí về vụ việc cư dân tập trung ở khu Ngoại giao đoàn.
Còn đại diện UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, đã nắm bắt được nội dung cư dân ở khu đô thị Ngoại giao đoàn tập trung căng băng rôn. Khi cư dân tập trung cũng cử lực lượng đến nắm bắt tình hình, bảo vệ an ninh trật tự.
Bình luận (0)