Bóng đá trẻ Việt Nam đang ở vào thời điểm có những thay đổi quan trọng. Có nơi sau thời gian làm trẻ bắt đầu có dấu hiệu chững lại, thậm chí buông xuôi vì nhiều khó khăn về kinh phí đầu tư, vì nguồn lực chưa thể khai thác được do nhiều rào cản, nhưng cũng có nơi dù có vài biến động nhưng vẫn kiên trì theo đuổi định hướng ban đầu để tiếp tục sứ mệnh trồng người của mình nhằm cống hiến tài năng cho bóng đá đỉnh cao nước nhà. Đó là Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF.
PVF sẽ chú trọng chuyên sâu để có nguồn cầu thủ tài năng hơn |
PVF |
Khi Tập đoàn giáo dục Văn Lang nhận chuyển giao PVF, mô hình cũ của trung tâm này vẫn được giữ lại một cách cơ bản nhất, tránh xáo trộn để từng bước điều chỉnh làm lại một cách quy củ. Cái khác lớn nhất của PVF thời kỳ mới chính là tập trung đầu tư chuyên sâu cho công tác đào tạo trẻ và thi đấu đỉnh cao. Trước đây PVF là tổ chức phi lợi nhuận, đào tạo cầu thủ rồi chuyển giao về cho các CLB để các tài năng này có môi trường cọ xát trưởng thành, nhưng cách đào tạo không có mũi nhọn, nghĩa là đào tạo không đến đỉnh.
Lẽ ra PVF phải có một đội bóng để thi đấu chuyên nghiệp, biến tất cả cầu thủ do chính mình đào tạo thành một tập thể hùng hậu, gắn kết, qua đó hình thành một đội ngũ trẻ tài năng dồi dào, đủ sức cung cấp thường xuyên cho U.23 và tuyển quốc gia, thì cách làm những năm trước chỉ dừng lại ở sân chơi cao nhất là hạng nhất. Do vậy rất nhiều cầu thủ ít được cọ xát đỉnh cao, ra trường rồi vẫn còn loay hoay với bóng đá chuyên nghiệp nên mức độ thành công khi khoác áo các CLB V-League còn rất ít. Có thể kể một vài cái tên thường xuyên được đá chính như Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dụng, Lê Văn Xuân, số đông còn lại hoặc dự bị, hoặc không được HLV tin tưởng trao cơ hội nên phong độ cứ thế trồi sụt thất thường.
Xác định PVF không thể chỉ đi theo con đường tới đó mà cần phải có đột phá mạnh mẽ hơn, Tập đoàn Văn Lang đã thống nhất đầu tư chuyên sâu, quan tâm kỹ lưỡng đến lực lượng kế thừa bằng việc quyết tâm có ít nhất một đội với lực lượng chủ yếu do chính mình đào tạo sẽ chơi V-League. Tài năng PVF theo từng khóa không thiếu, nhưng cái thiếu của họ là không được cọ xát ở sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam nên họ thường không có sự tự tin khi tăng cường cho các CLB.
Năm rồi rất nhiều cầu thủ PVF đến Đà Nẵng, như Huỳnh Công Đến, Lê Văn Đô, Huỳnh Minh Đoàn hay Sài Gòn FC như Võ Nguyên Hoàng, Tẩy Văn Toàn, Lý Trung Hiếu, Nguyễn Duy Triết, nhưng rất hiếm khi được thi đấu thường xuyên. Vì thế PVF quyết định sẽ đưa các cầu thủ này về mài giũa trở lại, chọn CLB để ký cam kết một cách rõ ràng với điều kiện phải được thi đấu thì mới chuyển giao. Bên cạnh đó sẽ củng cố lại đội hạng nhất Phố Hiến với nguồn cầu thủ chuẩn bị đá giải U.21 sắp tới để đầu tư quyết liệt với mục tiêu thăng hạng trong năm 2022 hoặc 2023.
Ông Vũ Tiến Thành, Giám đốc bóng đá của PVF, cho biết cú hích dành cho công tác đào tạo trẻ của trung tâm này sẽ còn thay đổi về cách tuyển chọn đầu vào, tìm ra những viên ngọc thô thực sự có thể phát triển được, tuyển sinh từng khóa không cần đông mà chú trọng chất lượng nhiều hơn. Như năm nay đã có 14 trường hợp các cầu thủ nhí sinh năm 2010 ở khu vực phía bắc đã tập trung, đó là chưa kể khoảng 16 cầu thủ ở miền Trung và phía nam do ảnh hưởng dịch bệnh chưa thể nhập học. PVF sẽ kiên trì làm trẻ, lấy năm 2022 làm bản lề theo chu kỳ bước một đến 2026 với quyết tâm tìm ra nhiều tài năng, tạo ra hình ảnh và tiếng vang như lứa HAGL trước đây.
Bình luận (0)