Cứ hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, sau mới phát hiện bị rối loạn tiền đình

Lê Cầm
Lê Cầm
15/12/2024 12:23 GMT+7

Chị N.T.D (48 tuổi, ngụ Bình Thuận) đến bệnh viện khám trong trạng thái mệt mỏi, chán nản vì bị đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn... nhưng khám và uống thuốc hơn 1 năm qua chưa khỏi.

Khai thác bệnh sử, chị D. cho biết, khi mới xuất hiện triệu chứng, nghĩ rằng bị thiểu năng tuần hoàn não nên chị tự mua thuốc bổ não uống. Sau 1 tháng, triệu chứng không giảm, chị đi khám tại phòng khám gần nhà, được chẩn đoán cao huyết áp, uống thuốc theo toa. Không hết bệnh, chị tiếp tục đi khám ở bệnh viện địa phương, bác sĩ khám lâm sàng và chẩn đoán chị bị rối loạn tiền đình. Uống thuốc 3 tháng, bệnh vẫn không cải thiện.

Gần đây, chị phải thường phải nằm yên một chỗ mỗi khi cảm thấy mất thăng bằng, hoa mắt, không ăn uống được, buồn nôn. Bệnh mãi không khỏi, chị rơi vào trạng thái lo lắng, hoảng sợ, mất ngủ, phải điều trị rối loạn lo âu 4 tháng.

Triệu chứng ngày càng nặng, sau khi nghe các con thuyết phục, chị D. đồng ý đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM để thăm khám.

Ngày 15.12, thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết sau khi khám lâm sàng, khai thác bệnh sử, bệnh nhân được đo chức năng tiền đình bằng hệ thống có kết hợp công nghệ ảnh động nhãn đồ ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Với 18 nghiệm pháp đo được lập trình sẵn, chị D. được kiểm tra tiền đình về vận động mắt, kiểm tra xung động đầu, phân tích chức năng phản xạ tiền đình mắt của 6 ống bán khuyên, kiểm tra định vị nhằm phân tích rung giật nhãn cầu ở các tư thế.

Kết quả cho thấy bệnh nhân bị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, thạch nhĩ (sỏi tai) lạc chỗ trong ống bán khuyên sau - một dạng rối loạn tiền đình ngoại biên.

"Thạch nhĩ lạc chỗ có thể tự biến mất trong vài ngày, vài tuần nhưng có thể tiến triển thành bệnh mạn tính như trường hợp bệnh nhân D.”, bác sĩ Hằng chia sẻ.

Bệnh nhân được bác sĩ hướng dẫn các bài tập nghiệm pháp tái định vị sỏi tai. Chị đến bệnh viện tập 4 lần, đồng thời về nhà tự tập theo clip hướng dẫn của bác sĩ. Chị hết chóng mặt, quay vòng, đau đầu sau 3 tuần điều trị.

Cứ hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, sau mới phát hiện bị rối loạn tiền đình- Ảnh 1.

Chị D. được kiểm tra vận động của mắt với công nghệ ảnh động nhãn đồ kết hợp AI

ẢNH: T.A

Không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chẩn đoán chính xác

Theo bác sĩ Hằng, nhiều người bệnh rối loạn tiền đình bị mệt mỏi, hoang mang vì mỗi lần khám là một chẩn đoán khác nhau. Trung tâm cũng thường xuyên tiếp nhận nhiều người bệnh đến khám rối loạn tiền đình sau thời gian dài điều trị không khỏi, chủ yếu vì chưa điều trị đúng nguyên nhân hoặc tự uống thuốc, tự điều trị; có trường hợp vì lo lắng, hoảng sợ nên chuyển sang điều trị thêm rối loạn lo âu.

Rối loạn tiền đình ngoại biên có thể chữa khỏi hoàn toàn, hạn chế nguy cơ tái phát, tránh biến chứng lâu dài nếu người bệnh được điều trị đúng và tích cực. Nếu nghi ngờ người bệnh có tổn thương ở não, bác sĩ chuyên khoa Thần kinh sẽ chỉ định thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng, đo chức năng tiền đình, đo chức năng tai, chụp CT tai, chụp MRI não…

“Việc tự ý dùng thuốc và chưa chẩn đoán đúng bệnh không chỉ không có hiệu quả điều trị mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để điều trị hiệu quả rối loạn tiền đình, người bệnh nên khám đúng chuyên khoa để xác định đúng nguyên nhân; chọn cơ sở uy tín có trang thiết bị hiện đại và có sự phối hợp đa chuyên khoa; tuân thủ điều trị của bác sĩ; tái khám theo lịch hẹn. Đồng thời, người bệnh cũng nên có chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh; kiểm soát căng thẳng; duy trì giấc ngủ đủ; hạn chế thay đổi tư thế đầu đột ngột", bác sĩ Hằng khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.