Cử nhân ngữ văn bỏ nghề, làm chè sạch từ thói quen uống trà đá

13/05/2021 17:29 GMT+7

Lê Văn Hùng tốt nghiệp cử nhân sư phạm Ngữ văn nhưng ra trường xin việc đi làm nhân viên kinh doanh ô tô. Công việc thu nhập cao này giúp Hùng có vốn khởi nghiệp kinh doanh với thương hiệu Mộc Liên Trà.

Lê Văn Hùng tốt nghiệp cử nhân sư phạm Ngữ văn (Đại học Sư phạm Thái Nguyên) nhưng ra trường xin việc đi làm nhân viên kinh doanh ô tô. Công việc thu nhập cao này giúp Hùng có vốn khởi nghiệp kinh doanh trà Thái Nguyên với thương hiệu Mộc Liên Trà.

Làm chè thật sẽ có nhiều trà ngon để uống!

Lê Văn Hùng (26 tuổi), Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Đức Hòa là ông chủ quản lý 3 cửa hàng Mộc Liên Trà tại tỉnh Thái Nguyên và liên kết 4 đại lý phân phối sản phẩm tại Hà Nội.
Hùng quê gốc ở Quảng Ninh, học Đai học Sư phạm Thái Nguyên và bén duyên ở lại mảnh đất này khởi nghiệp. Bất cứ ai, nếu được nghe Hùng chia sẻ sẽ rất ngỡ ngàng, từ ngành nghề theo học, việc làm sau ra trường đến khi bắt tay khởi nghiệp. Các công việc Hùng từng làm chẳng hề liên quan, ăn nhập với nhau.
Moc-Lien-Tra

Vùng chè Tân Cương (TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) nơi Hùng chọn làm vùng nguyên liệu sản phẩm Mộc Liên Trà

Ảnh Phan Hâu

“Em mê học văn, thời học phổ thông nhà nghèo, chọn thi sư phạm, lý do đơn giản là ngành này không mất học phí, lại dễ xin việc”, Hùng kể lại. Quyết định là như thế nhưng khi tốt nghiệp, bạn bè đôn đáo khắp nơi tìm trường dạy học, còn Hùng thì nộp hồ sơ vào làm cho một doanh nghiệp kinh doanh ô tô có tiếng tại TP.Thái Nguyên.
So với các đồng nghiệp được đào tạo về tiếp thị, kinh doanh, Hùng thua thiệt hơn khi xuất phát điểm là cử nhân sư phạm Ngữ văn. Nhờ cần cù chịu khó và sáng tạo khi tiếp cận khách hàng, Hùng luôn nằm trong tốp nhân viên vượt doanh số bán hàng. Sau 3 năm làm việc, Hùng có một mạng lưới khách hàng rộng lớn, mỗi tháng bán vài chiếc ô tô “chỉ là chuyện nhỏ”. Tháng cao điểm, Hùng bán được cả chục chiếc xe. Công việc trên đà thành công, thu nhập cao nhưng Hùng bất ngờ nộp đơn xin nghỉ việc khiến sếp và đồng nghiệp ngỡ ngàng.
Moc-Lien-Tra

Các đồi chè được giám sát chặt chẽ về quy trình kỹ thuật, trước khi thu hoạch, chè được lấy mẫu xét nghiệm đánh giá chất lượng trước khi đưa vào chế biến

Ảnh Phan Hậu

Chia sẻ về quyết định này, Hùng nói: “Công việc bán ô tô có thu nhập cao nhưng bản thân không thấy “sướng” vì lúc nào cũng đau đáu “phải làm gì liên quan đến cây chè”. Uống trà đá là thói quen, sở thích từ hồi sinh viên và Hùng có một sinh nhật không bao giờ quên khi được bạn tổ chức ngay tại ở quán trà đá.
“Sinh nhật ở quán trà đá vỉa hè có cả nến và hoa, đang chuẩn bị thổi nến cắt bánh thì bị trật tự phường tới “dẹp”. Chủ quán ôm quầy của họ, bọn em là khách cũng phải cầm cốc nước, xách ghế mà chạy. Sau vụ ấy, em luôn nghĩ sao mình không đi làm chè để có thật nhiều trà ngon mà uống”, Hùng trải lòng. 3 năm làm nhân viên kinh doanh ô tô, phải tích góp được vài trăm triệu đồng nên quyết tâm khởi nghiệp.

Đưa trà ra hội chợ, khách tưởng... bán thuốc nam

Hùng dành nhiều thời gian đi nghiên cứu khảo sát khắp các vùng chè lớn ở Thái Nguyên như La Bằng (H.Đại Từ); Khe Cốc (H.Phú Lương); Trại Cài (H.Đồng Hỷ). Cuối cùng, Hùng chọn giống chè lai và vùng chè Tân Cương (TP.Thái Nguyên) gây dựng thương hiệu Mộc Liên Trà. “Mộc là mộc mạc, giản dị. Liên là hoa sen - quốc hoa tượng trưng cho sự tinh khiết. Sản phẩm Mộc Liên Trà trà phải đáp ứng các tiêu chí về hình thể mỹ, nghĩa là cánh trà phải đẹp, hương thơm tinh khiết, vị ngọt hậu”, Hùng giải thích.
Moc-Lien-Tra

Bao gói bằng giấy, sản phẩm Mộc Liên Trà từng nhiều nhiều khách hàng nhầm tưởng là những gói thuốc nam, thuốc bắc

Ảnh Phan Hậu

Vốn đầu tư không lớn, Hùng thành lập HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Đức Hòa liên kết với nông dân trồng chè. Vùng chè đạt tiêu chuẩn VietGap nhưng để chọn lọc, phân loại nguyên liệu chặt chẽ, Hùng đưa kỹ sư xuống vườn tư vấn kỹ thuật cho nông dân. Cứ 2 - 3 ngày trước khi hái, kỹ sư lấy mẫu chè đưa về phòng xét nghiệm kiểm soát. Khi đạt yêu cầu chất lượng, nông dân mới được phép hái chè đưa về khu chế biến. Bằng cách này, Hùng tự tin cho ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Mộc Liên Trà còn độc đáo ở bao bì đóng gói thân thiện, lạ mắt. Không sử dụng loại túi ni lông như sản phẩm chè Thái Nguyên truyền thống, Hùng nghiên cứu và đặt làm riêng loại túi chè 2 lớp thân thiện với môi trường. Bên trong là lớp giấy bạc mỏng ngăn hút ẩm còn bên ngoài là nguyên liệu giấy. “Chi phí đóng 1 kg chè bằng túi ni lông chỉ có 400 - 500 đồng nếu đóng bao bì giấy thì cao hơn gấp 4 - 5 lần, khoảng 1.000 - 2.000 đồng nhưng em vẫn chọn để giảm thiểu rác thải khó phân huỷ ra môi trường”, Hùng nói.
Moc-Lien-Tra

Ý tưởng bao gói trà bằng hộp giấy của Hùng đã góp phần giảm tải một lượng lớn túi ni lông ra môi trường, đã được nhiều khách hàng ủng hộ

Ảnh Phan Hậu

Sáng tạo, tâm huyết là thế nhưng bao bì của Mộc Liên Trà khiến Hùng rơi vào những tình huống dở khóc dở cười. Nhớ nhất là lần đầu tiên Hùng đưa sản phẩm tham gia hội chợ tại Thái Nguyên. Dù đăng ký được gian hàng ở vị trí đẹp, trang trí bày biện bắt mắt nhưng khách “cứ đến gần là lảng ra”, ít người vào tham quan mua sắm. Cho nhân viên đi khảo sát, Hùng “ngã ngửa” khi bao bì giấy mộc mạc của sản phẩm Mộc Liên Trà được khách hàng phản hồi trông giống những gói thuốc nam, thuốc bắc không nghĩ chè đóng bao bì giấy.
“Chở cả 1 tạ hàng đi hội chợ nhưng bán được đúng 2 kg. Em và nhân viên xách từng túi đi tặng hết cho khách hàng, mời họ dùng thử. Nhiều người nhận túi trà nhìn nhó lạ lẫm vì xách túi trà mà ngỡ như vừa đi shopping”, Hùng kể lại.
https://thanhnien.vn/video/thoi-su/kho-nhu-nguoi-dan-song-duoi-bai-thai-mo-than-minh-tien-cu-mua-la-chay-152675v.html

Hùng đang nghiên cứu dòng sản phẩm trà túi lọc hướng đến khách hàng khối công sở, văn phòng

Ảnh Phan Hậu

Sau quyết định táo bạo ấy, điện thoại Hùng liên tục nhận cuộc điện thoại phản hồi từ khách hàng sử dụng sản phẩm. Hùng cũng chốt được những đơn hàng vài chục triệu đồng bán cho các doanh nghiệp. Mộc Liên Trà dùng bao bì giấy lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường được nhiều khách hàng ủng hộ, số lượng khách tăng lên hàng ngày. Chưa đầy một năm bước chân vào thị trường, Mộc Liên Trà có tốc độ phát triển khá nhanh, ngoài chuỗi 3 cửa hàng tại Thái Nguyên còn có thêm 4 đại lý tại thị trường Hà Nội và hiện có tổng doanh thu hàng tháng không dưới 300 triệu đồng.

Chuyển đổi sản xuất chè hữu cơ

Bao bì giấy đóng gói sản phẩm Mộc Liên Trà được Hùng đăng ký mẫu mã và thương hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN). Trên mỗi bao bì đều có mã QR quét truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hùng cho biết, HTX nông nghiệp công nghệ cao Đức Hòa đang thí điểm 2 ha chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Diện tích chè này tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà thay bằng các dung dịch tỏi ớt phun tiêu diệt côn trùng gây hại.
Phân bón chè được thay thế bằng phân ủ từ vỏ, cây đậu tương để tạo mùn, chất dinh dưỡng hữu cơ. Ngoài ra, các vườn chè sẽ được trồng thêm một số loài cây thiên địch để khắc chế một số loài sâu bệnh.
Ngoài 10 sản phẩm đang bán trên thị trường, Hùng đang bắt tay nghiên cứu sản phẩm mặt nạ từ bột trà xanh; sản xuất chè túi lọc tiện lợi cho nhóm khách hàng giới văn phòng, công sở.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.