Cử nhân xin việc chấp nhận mức lương không bằng lương công nhân?

Thảo Phương
Thảo Phương
20/06/2024 06:00 GMT+7

Sau 4 năm nỗ lực ở giảng đường, ai cũng mong muốn sau khi ra trường sẽ có một công việc ổn định với mức lương tương xứng. Thế nhưng, thực tế không ít tân cử nhân ra trường chấp nhận đi làm với mức lương khởi điểm rất thấp. Lý do vì sao vậy?

Tạm thời chấp nhận làm nhiều việc để có thu nhập

Tốt nghiệp cử nhân loại giỏi ngành quản trị kinh doanh, thế nhưng sau khi ra trường, Phan Thị Kiều Vy (23 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, ngụ tại Q.6, TP.HCM, chật vật xin việc khắp nơi. Mặc dù trước khi ra trường, Vy đã có thời gian thực tập ở doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, vì quá khó xin việc nên cô nàng chấp nhận đi làm với mức lương của thực tập sinh.

Cử nhân xin việc chấp nhận mức lương không bằng lương công nhân?- Ảnh 1.

Sinh viên mới ra trường đi làm lương bao nhiêu?

THẢO PHƯƠNG

"Mình "rải" CV (hồ sơ xin việc - PV) khắp nơi, đi phỏng vấn nhiều hơn đi chợ nhưng ở đâu cũng chỉ nhận vào vị trí thực tập sinh. Ở công ty đầu tiên mức lương mình nhận được mỗi tháng là 4 triệu đồng, thua cả công nhân. Mình làm ở đó được vài tháng thì xin nghỉ và tìm việc chỗ khác vì tiền lương ít ỏi không đủ trang trải các khoản phí sinh hoạt ở TP.HCM", Vy chia sẻ.

Tương tự, cầm tấm bằng ĐH ngành luật quốc tế trên tay sau khi ra trường, Nguyễn Hữu Hiệp (23 tuổi), ngụ tại P.Tân Thuận Tây, Q.7, TP.HCM, chỉ nhận được mức lương 5 triệu đồng/tháng.

"Vì không xin được việc đúng chuyên ngành nên mình vào các trang tuyển dụng và đọc nội dung mô tả công việc thấy cái nào phù hợp thì ứng tuyển. Mới ra trường, tìm việc khó nên trước mắt mình đi làm để kiếm tiền và trải nghiệm thêm. Tuy nhiên, nếu có cơ hội mình vẫn muốn được làm việc đúng chuyên ngành và một mức lương cao hơn", Hiệp chia sẻ.

Sau khi ra trường cũng chỉ nhận được mức lương 7 triệu đồng/tháng, chưa trừ bảo hiểm, Lê Thị Cẩm Tú (23 tuổi), ngụ tại P.Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng, chia sẻ: "Mình tốt nghiệp ngành quản lý công nghiệp, hy vọng mức lương nhận được khi đi làm là từ 9 - 10 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, thực tế mình chỉ được hơn 6 triệu đồng sau khi đã trừ bảo hiểm. Thật sự mức lương như vậy là khá thấp nhưng còn đỡ hơn thất nghiệp".

Lương thấp đã đành, nhưng không ít tân cử nhân còn chẳng xin được việc làm đúng với chuyên môn. Vì vậy, họ đành gác bằng ĐH đi chạy xe công nghệ hay làm bất cứ việc gì miễn có tiền trang trải cuộc sống. Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, tưởng chừng như cơ hội việc làm rộng mở, thế nhưng sau khi đi phỏng vấn nhiều nơi vẫn không nhận được hồi âm, Nguyễn Trường Huy (23 tuổi), cựu sinh viên một trường ở TP.Đà Nẵng, tạm thời chấp nhận làm nhiều việc để có thu nhập.

"Mới ra trường nên mình cũng không cần lương cao, chỉ mong được nhận vào làm để có kinh nghiệm. Thế nhưng, những nơi mình phỏng vấn người ta đòi phải có kinh nghiệm, không nhận sinh viên mới ra trường. Mình cũng bày tỏ nguyện vọng xin vào học việc nhưng họ cũng từ chối vì không có nhu cầu", Huy chia sẻ.

Mức lương tương xứng với giá trị mà mỗi người tạo ra

Chia sẻ về mức lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường nhận được không như mong đợi, ông Trần Bằng Việt, chuyên gia tư vấn - CEO DongA Solutions, cho biết có 2 lý do chính: "Đầu tiên, giá trị sinh viên mới ra trường tạo ra chưa đủ nhiều để doanh nghiệp trả mức lương cao hơn. Thực tế, sinh viên mới ra trường ở đa phần các ngành, nhất là những bạn chưa có quá trình thực tập sâu trong lúc đi học, không có kinh nghiệm, hiểu biết ngành nghề… nên dẫn đến giá trị tạo ra chưa nhiều, đôi khi còn là gánh nặng cho doanh nghiệp. Khoảng thời gian 2 năm đầu tiên, doanh nghiệp hầu như bỏ công sức, thời gian để đào tạo lại. Thứ hai, là do dư nguồn lao động. Vì có nhiều ngành nghề không cần nhiều nhân lực nhưng số lượng sinh viên đăng ký học lại quá nhiều. Nhiều bạn còn có nhu cầu bám trụ lại thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội nên tỷ lệ cạnh tranh việc làm càng cao".

Cử nhân xin việc chấp nhận mức lương không bằng lương công nhân?- Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, mức lương mà sinh viên mới ra trường nhận được tương xứng với giá trị họ tạo ra

Ông Việt cho rằng mức lương thấp khi mới ra trường không hẳn là thiệt thòi mà đó chính là cơ hội cho người trẻ. "Theo thống kê, năm 2022, năng suất lao động của người VN chỉ bằng 11,4% mức năng suất lao động của Singapore. Vì thế, doanh nghiệp không thể trả lương cao hơn giá trị mà bạn có thể tạo ra. Hãy coi đó là cơ hội để mình học hỏi và phát triển. Vì thực ra các doanh nghiệp đang tạo điều kiện để đào tạo và phát triển nhóm nhân sự mới có khả năng giỏi nghề trong tương lai", ông Việt cho biết.

Ông Phạm Xuân Lục, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn WATA, cũng cho rằng lý do đa phần sinh viên mới ra trường có mức lương khởi điểm từ 6 - 8 triệu đồng/tháng là vì giá trị họ tạo ra cho doanh nghiệp chưa nhiều.

"Sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm nên chỉ được nhận vào vị trí thực tập hoặc trả mức lương không được cao. Bên cạnh đó, họ chưa có kỹ năng, trải nghiệm hay nắm bắt được quy trình làm việc, doanh nghiệp phải mất thời gian đào tạo lại. Tuy nhiên, cũng có những ứng viên nổi trội hơn nhờ trong thời gian còn ở giảng đường họ xin thực tập ở các doanh nghiệp, làm những công việc liên quan đến ngành nghề. Nhờ có kinh nghiệm nên mức lương khởi điểm sau khi ra trường cũng khá cao", ông Lục cho hay.

Ông Lục cũng cho rằng mức lương khởi điểm 6 - 8 triệu đồng/tháng chỉ đánh giá được năng lực và kinh nghiệm của ứng viên ở một thời điểm nhất định. "Nếu các bạn thật sự có năng lực thì sẽ được tăng lương trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, điều này tùy thuộc vào quy định và chế độ đãi ngộ của từng doanh nghiệp. Sinh viên mới ra trường nên trang bị tâm thế của một người đi làm, tránh ngộ nhận mình giỏi mà kiêu ngạo hay tự tin thái quá rồi đòi hỏi mức lương quá cao", ông Lục chia sẻ.

Để có mức lương khởi điểm cao hơn sau khi ra trường, mỗi người trẻ cần phải trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng ngay từ khi còn đi học. "Hãy chịu khó đi làm thêm từ thời ĐH, thậm chí là phổ thông. Những chi tiết này sẽ tăng sức thuyết phục cho các bạn trong mắt nhà tuyển dụng. Vì không chỉ là kiến thức chuyên môn, doanh nghiệp còn quan tâm đến thái độ sống, khả năng vượt khó, kỹ năng mềm, trách nhiệm với cái chung của ứng viên. Do vậy, hãy nhiệt tình tham gia các câu lạc bộ, đoàn hội, dự án cộng đồng… ở vai trò chủ động. Nghĩa là tham gia chứ không chỉ là tham dự", ông Trần Bằng Việt chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Việt cũng khuyên người trẻ nên chọn ngành và trường cho đúng. "Với trải nghiệm sâu sắc của cá nhân tôi, việc có bằng ĐH không phải là mấu chốt để thành công, quan trọng nhất là bạn đã có những trải nghiệm nào và làm được những gì. Nên xem lại năng lực học tập của mình, đó không chỉ là điểm số mà còn là khả năng am hiểu vấn đề sâu sắc đến đâu. Vì vậy, muốn thay đổi được hiện trạng lương thấp sau khi ra trường, các bạn cần chịu khó dành thời gian đi thực tập ở các doanh nghiệp và làm công việc có tính tương đồng. Nhờ hiểu biết ngành nghề thực tế cao, các bạn sẽ thuyết phục được nhà tuyển dụng khi hứa hẹn tạo được giá trị nhiều hơn. Thu nhập vì thế có thể sẽ cao hơn", ông Việt chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.