Mới tập võ cổ truyền 4 năm nay, nhưng cụ ông Nguyễn Gia Hạnh (75 tuổi, khu tập thể Nam Đồng, Q.Đống Đa, Hà Nội), đã gặt hái nhiều huy chương vàng, bạc từ môn thể thao - võ thuật này.
Cụ ông Nguyễn Gia Hạnh (75 tuổi) vẫn dành nhiều huy chương môn võ thuật - Ảnh: Quỳnh An |
“Già rồi còn…ngông”
Ông Hạnh xuất thân là lính, nhập ngũ năm 20 tuổi, từng có mặt trong nhiều trận chiến ác liệt để bảo vệ Tổ quốc. Năm 1972, ông là lính trẻ thuộc Trung đoàn ra-da 228, Quân chủng Phòng không Không quân tham gia bảo vệ sân bay Nội Bài.
Khi địch rải bom xuống tọa độ sân bay, cả đài ra-da bị vùi lấp, ông bị dập cánh tay trái. Trở trời, vết thương lại hành hạ ông đau đớn, không thể cử động được.
Rồi ông về hưu, ở nhà cuồng chân, mỏi gối, ông xin làm bảo vệ cho một công ty của người quen. Ông gặp thầy Nguyễn Thành Lê (64 tuổi), vốn là võ sư - cũng làm bảo vệ ở đây. Sáng sáng đến thay ca trực cho thầy Lê, ông thấy thầy luyện võ.
Những bài quyền cước điêu luyện của thầy cuốn hút ông, nên ông xin được học võ, thay vì tập thể dục nhẹ nhàng như những người cao tuổi khác.
Ban đầu, nhiều người gàn ông vì bảo già rồi còn… ngông. Con cái khuyên ông chọn môn thể thao nhẹ nhàng phù hợp với thể trạng và tuổi tác, nhưng ông gạt đi. Ông học mãi rồi thành “nghiện”.
Sáng nào, ông cũng dậy từ 4 giờ, đi bộ 3km đến công ty để… luyện võ. Sân tập là khoảng vỉa hè trước cửa công ty. Ông trích tiền lương mua tạ gánh, tay côn, đao đầu tư cho luyện võ. Ông kiên trì tập từ bài đơn giản để khôi phục lại độ dẻo dai của cơ bắp, xương khớp đến các bài tập xuống tấn, đấm, đá đỡ, gạt…
Khi đã quen bài, sức khỏe tốt hơn, ông luyện đến các bài cần nhiều thể lực như: trường côn, đoản côn, long đao, đại đao, song đao... Có lần, ông tập đá cao, khi thân rơi xuống không chống kịp, khiến cho một nửa thân trái quật xuống đất, chấn thương. Hai năm sau, vết thương đó vẫn tím bầm. Bí mật đó, ông giữ đến bây giờ.
“Giở” quyền đánh trận
Ông Hạnh bảo, nhờ võ mà ông khỏe. Trước đây, ông bị chấn thương vai, giờ đi khám, vết nứt ở đó đã liền lại. Khớp gối của ông không còn bị buốt khi trời trở lạnh. Bệnh thần kinh tọa do di chứng sốt rét của ông cũng đã hồi phục.
Hình như, các căn bệnh tuổi già cũng đang… chừa ông ra. Ông có thể giúp vợ và các con nấu nướng, giặt giũ, xách xô nước từ tầng 1 lên tầng 5 ở khu tập thể; trông nom cháu trai khá nghịch ngợm mà không thấy mệt như trước. Mấy lần, ông bắt được quả tang trộm xe máy. Ông “giở” mấy bài quyền, đánh gục tên trộm…
Thấy ông tập luyện hăng say và kiên trì, nhiều thanh niên quanh khu vực tò mò cũng cùng ông tập võ. Thế nhưng, đám võ sinh đến lớp phập phù, chỉ có ông là không bỏ buổi tập nào. Ông cười: “Văn ôn võ luyện, tập võ phải kiên trì và chịu đau, khắc khổ. Bác sĩ khuyên tôi không nên tập tạ gánh, tôi chuyển sang tạ tay. Đến giờ, cơ bắp tôi vẫn dẻo dai lắm!”.
Rồi nhiều cuộc tỉ thí, giao lưu võ thuật, thầy Lê khuyến khích ông tham gia cọ xát. Năm 2013, sau một năm tập luyện chăm chỉ, ông tham gia Đại hội Võ thuật cổ truyền Hà Nội mở rộng với hai bài thi: trường côn và đại đao, giành 1 HCB và 1 HCV.
Năm 2014, ông tiếp tục tham gia Hội thi tranh cúp Báo Thể thao Sài Gòn, giành 2 HCV bài đoản đao và đoản côn. Mới đây nhất, ông tiếp tục thi 3 bài: trường côn, kiếm và song đao tại Đại hội Võ thuật toàn quốc mở rộng tổ chức tháng 12.2015, ông giành trọn vẹn 2 HCV và 1 HCB.
Chia sẻ về thành quả của mình, ông Hạnh cười: “Tôi tập võ vì thích, chứ không chờ có huy chương. Người già cần nâng cao tinh thần thể thao để sống khỏe, sống có ích và có thể thử sức với nhiều môn, trong đó có võ thuật”.
Bình luận (0)