Ông Lính tìm phế liệu |
T.k |
Chưa nỡ bỏ Thủ Thiêm
15 giờ 30 phút, nắng Sài Gòn bớt gắt, ông Nguyễn Văn Lính (65 tuổi) bắt đầu công việc quen thuộc gắn bó hơn nửa đời người - nhặt phế liệu. Giữa những bãi đất công trình thênh thang ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, người đàn ông nhễ nhại mồ hôi cầm chiếc máy dò kim loại rà rà sát mặt đất.
Thanh sắt được phát hiện nhờ máy dò kim loại. Chiếc máy này được ông mua lại với giá 700.000 đồng |
T.k |
Thu nhập mỗi ngày của ông Lính từ việc nhặt phế liệu dao động từ 100.000 - 200.000 đồng |
T.k |
“Tít! Tít! Tít”, tiếng máy reo lên. Ông mừng rỡ cầm cuốc xới một lớp đất làm lộ ra những thanh sắt đã rỉ sét. Bàn tay thô ráp của cụ ông U.70 nắm lấy và đưa qua đưa lại để nó từ từ nhô khỏi mặt đất. Vậy là thêm một thanh sắt nằm gọn trong chiếc túi. Cứ đà này thì hôm nay ông lại hoàn thành chỉ tiêu mỗi ngày kiếm được 200.000 đồng, đủ để sống qua ngày và dành dụm chút ít cho mấy đứa cháu ngày gặp lại.
Hơn 30 phút sau, thấm mệt, ông ngồi bệt xuống đất, móc trong túi ra một điếu thuốc lá, rít một hơi phì phèo khói. Gia đình ông Lính từ nhỏ đã sống ở Thủ Thiêm. Từ ngày nơi này giải tỏa, ông cùng gia đình gồm vợ và 4 con (2 trai, 2 gái) chuyển về Đồng Nai định cư. Không bỏ được mảnh đất này, hằng ngày ông lại tìm về đây để nhặt phế liệu mưu sinh. Tối đến qua phà Cát Lái về lại nhà nghỉ ngơi. Cứ như thế, 20 năm thấm thoắt trôi qua.
Chiếc điện thoại "cục gạch" là phương tiện duy nhất để ông liên lạc với gia đình |
T.k |
Số phế liệu được ông gom lại chờ người thu mua đến lấy |
T.k |
Dịch Covid-19 ập tới bất ngờ, ông kẹt lại mảnh đất này. Không còn cách nào khác, người đàn ông tự dựng lên túp lều xập xệ để có chỗ che nắng che mưa chờ ngày hết dịch. Sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, ông lập tức quay lại nhặt phế liệu vừa để kiếm tiền vừa cho bớt buồn.
Bình yên trong lều, hái rau, bẫy cá, tắm sông…
Gần 17 giờ, chiếc túi “kiếm cơm” của ông dần nặng trĩu. Ông đưa chúng tôi về lại túp lều trước khi trời tối. Chiếc lều nhỏ được dựng lên ở một bãi đất hoang vu. Xung quanh là cây cối um tùm với những cây bần, rặng dừa nước đan xen cỏ dại… Xa xa là những công trình đang được xây dựng ở Thủ Thiêm hay những tòa nhà chọc trời phía bên kia TP.
Túp lều tạm bợ được dựng lên bởi vài tấm gỗ với những miếng nhựa không lành lặn. Phần trụ vững chãi nhất của túp lều này là một gối đỡ ống cống bê tông cũ mà công trình còn để lại. Bên trong lều chỉ có vài bộ quần áo cũ phai màu, chai lọ đựng nước và một khoảng trống để ngủ, có mắc màn để tránh muỗi.
Túp lều che mưa che nắng cho ông Lính suốt mấy tháng qua |
T.k |
Nhiều hôm nhớ nhà, ông Lính hay nhìn xa xăm và rơi nước mắt |
T.k |
“Tôi bạ đâu ngủ đó cũng được, trước dịch có những đêm tôi ngủ lại dưới mấy công trình cũng không hề hấn gì. Nhưng mắc kẹt lâu, sợ nhất là muỗi nên phải dựng lều, mắc màn. Lạnh thì tôi cũng không sợ tại có nhiều quần áo lắm”, ông cười hồn hậu.
Suốt thời gian giãn cách xã hội, ông Lính ngày ngày đến các bãi nước gần đó đặt lú bắt cá, mò ốc, hái rau muống nấu ăn qua ngày. Có thêm gạo, rau củ quả và đồ đóng hộp từ một số mạnh thường quân và chính quyền địa phương, ông bình yên đi qua mùa dịch.
PV hỏi: “Ở đây không có nước, vậy chú tắm rửa ra sao?”. Ông cười nói nước uống thì mua, còn tắm giặt thì dễ ợt, ra mấy ao nước gần đó nhảy xuống lội một tí là sạch. Có hôm triều xuống, cạn nước, ông tìm tới những vũng nước đọng nhỏ hơn để vệ sinh.
Ông Lính đi hái bần |
T.k |
Vừa nói xong, thấy ông Văn Đức Tời (56 tuổi) cùng đàn bò hơn chục con đi qua căn lều nhỏ, người đàn ông này hỏi thăm vài câu cho đỡ buồn. Ông Tời cùng đàn trâu, đàn bò của mình cắm dùi ở mảnh đất Thủ Thiêm mấy chục năm qua, sống cuộc đời du mục, rồi trở thành bạn với ông Lính lúc nào không hay.
Chỉ vào ông Tời đang cho bò ăn, ông Lính tâm sự: “Ông ấy nổi tiếng chăn trâu ở Sài Gòn, lên báo miết. Không chỉ trâu bò, ổng còn nuôi đàn chó gần chục con lớn nhỏ, có ổng bầu bạn đỡ buồn biết bao nhiêu”.
… và những ước mong
“Suốt mấy tháng trời ở đây, chú có nhớ vợ con không?”, ông đáp “Nhớ chứ!” rồi trầm ngâm một lúc. Ông tâm sự những đêm trời lạnh, không điện nước, ông gom củi chất thành đống rồi đốt lửa lên để nấu nước, sưởi ấm. Những lúc đó, nhớ vợ, nhớ con da diết, chảy nước mắt mà không biết làm gì hơn.
“Tôi lượm phế liệu quen rồi, về nhà ở một chỗ, không qua đây nữa chịu sao nổi. Tôi mới tiêm 1 mũi vắc xin à, chờ thêm mũi 2 nữa cho chắc ăn. Thôi thì cứ sống ở đây, kiếm chút tiền để dành về cho 6 đứa cháu ở nhà”, ông nói.
Cuộc sống bình yên của người đàn ông ở bán đảo Thủ Thiêm |
T.k |
Sau giãn cách, sinh hoạt, ăn uống của ông cũng dễ dàng hơn. Đói, ông chạy xe máy đến quán cơm gần đó mua ăn, hôm nào khỏe thì tự nấu. Thèm dừa nước, rau rừng, ông lại ra khu vực gần đó hái về ăn.
“Nửa năm nay, ông ấy chưa về nhà rồi đó con ơi, hồi nào tới giờ chỉ có đợt dịch này là ổng xa nhà lâu nhất”, đó là câu đầu tiên vợ ông Lính, bà Trần Thị Lan (64 tuổi, ở Đồng Nai) tâm sự với PV Thanh Niên qua điện thoại.
Trong “bão Covid-19” vừa qua, thấy dịch bệnh chưa bao giờ gần mình đến vậy, bà Lan càng thêm lo lắng cho chồng. Đều đặn mỗi ngày, hai vợ chồng lại gọi điện thoại hỏi han sức khỏe, kể chuyện ngày hôm đó. Người vợ lúc nào cũng động viên chồng mình cố gắng hết dịch để về đoàn tụ, còn ông Lính trấn an gia đình bằng cách “mười bữa nửa tháng nữa dịch ổn tôi sẽ về thăm nhà”.
Những ngày dịch, ông Lính bắt ốc, hái rau rừng... để ăn |
T.k |
“Biết ổng ở bên đó thiếu thốn đủ thứ, tôi và con cháu ở nhà không xót xa sao được. Nhà nhiều miệng ăn nên ổng đi làm được bao nhiêu đều gửi về phụ ăn uống và lo cho cháu ăn học, chỉ bỏ túi ít tiền cà phê, thuốc hút. Cả nhà mong ông ấy khỏe mạnh, hy vọng đại dịch sớm qua để tết này còn sum họp. Ổng có thể sáng đi chiều về như trước, nhà có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, vậy mà vui”, vợ ông Lính trải lòng.
Hỏi sao không bỏ nghề để con cháu phụng dưỡng, ông nói mình dù lớn tuổi nhưng vẫn muốn tự lập, không muốn phiền hà đến ai. Ông mong các con có một cuộc sống hạnh phúc mà không phải bận lòng quá nhiều về mình.
Túp lều được dựng lên từ mấy tấm ván, nhựa cũ... |
T.k |
“Tôi vẫn sống, vẫn làm việc ở Thủ Thiêm đến khi nào không ở được nữa thì thôi. Sống ở đây, tôi thấy bình yên và hạnh phúc. Mong ước lớn nhất là dịch hết hoàn toàn để tôi được đoàn tụ cùng gia đình”, ông bày tỏ.
Bình luận (0)